Học đường

Ngày mai thi môn Văn THPT Quốc gia, tranh thủ nghe Thủ khoa báo chí chia sẻ bí quyết thi khối C đạt điểm cao

Yến Nguyễn
Chia sẻ

Nguyễn Vũ Nguyên An được biết đến là thủ khoa đầu vào ngành báo chí với tổng điểm ấn tượng: 28.75. Trong đó, môn ngữ văn: 9,25;  lịch sử: 9,5; Địa lý: 10 điểm. Để đạt số điểm ấn tượng này, bên cạnh việc chăm chỉ học hành, cô bạn cũng đã đúc kết cho mình những bí quyết học tập cực kì hiệu quả.

Hành trình hái “trái ngọt” đầy gian nan

Nguyễn Vũ Nguyên An, Thủ khoa Khoa báo chí và Truyền thông, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, vốn sinh ra trong một gia đình có cả ba lẫn mẹ đều là giáo viên dạy văn, chính vì thế, cô bạn cũng sớm bộc lộ năng khiếu văn chương của mình.

Bước vào lớp 10, Nguyên An bắt đầu được các thầy cô “để mắt” đến, cùng với sự nỗ lực của bản thân, suốt 3 năm cấp 3, Nguyên An đều ghi danh trong đội tuyển thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp thành phố môn Văn học và đều đạt những kết quả cao.

Thủ khoa khoa Báo chí & Truyền thông ĐH KHXH&NV TP.HCM 2017: Nguyễn Vũ Nguyên An.

Tưởng chừng như với bảng thành tích ấy, Nguyên An sẽ dễ dàng đặt chân vào giảng đường ĐH mơ ước, thế nhưng, “học tài thi phận”, cô bạn này đã thi ĐH đến lần thứ 3 mới chọn được ngành học ưng ý.

Năm đầu tiên, nguyện vọng của cô bạn là thi đậu Đại học Cảnh sát, tuy nhiên, vì kém may mắn, giấc mơ của cô bạn đành dang dở. Đây cũng chính là khoảng thời gian khiến cô bạn rơi vào trạng thái stress trầm trọng bởi “sự kì vọng của bản thân, của gia đình đều tan tành cả”.

“Khi lần đầu tiên biết tin mình rớt ĐH, cảm giác lúc đó tệ vô cùng. Mình mất khoảng 3 tháng để ổn định lại tâm lý. Đặc biệt, khi nhìn các bạn mình rục rịch chuẩn bị đi học, cảm giác của mình lúc đó vô cùng chán nản, mất niềm tin, bởi bao nhiêu sự kì vọng của bản thân, của gia đình đều tan tành cả. Cũng may, khi đó, mình có ba mẹ động viên, giúp đỡ mình đứng dậy. Mình nhớ hoài câu nói của ba dành cho mình: “Thất bại lần này không có gì to tát cả, quan trọng là sau lần thất bại này, con học được những gì?” Chính câu nói ấy của ba đã khiến mình có động lực để vực dậy, để bước tiếp”, Nguyên An chia sẻ.

Với cô bạn thủ khoa, ngay lần đầu biết tin mình rớt ĐH, cô nàng đã mất khoảng 3 tháng để vượt qua áp lực bản thân.

Cùng với sự dìu dắt, động viên của gia đình, Nguyên An đã gượng dậy, vượt qua cú sốc ấy và tiếp tục dành thêm 1 năm nữa để ôn thi lại, vẫn với mục tiêu là ĐH Cảnh sát, thế nhưng, may mắn vẫn chưa mỉm cười với cô bạn.

Quyết tâm thi đậu ĐH ở lần thứ 2 đã thôi thúc cô bạn học ngày học đêm, thậm chí, xuyên suốt 1 thời gian dài, Nguyên An hầu như đều thức đến 3h, 4h sáng mới chịu đi ngủ, thế nhưng, hôm sau lại dậy thật sớm để lao vào ôn thi. Bên cạnh đó, áp lực thi đậu ĐH khiến cô bạn tự làm khó bản thân, chính vì những lí do này, gần đến ngày thi, sức khỏe của An suy giảm trầm trọng, cô bạn liên tục bị chảy máu cam, nôn ói và tinh thần trong trạng thái “stress” quá mức.

Ngày các bạn đi thi, tình trạng sức khỏe của Nguyên An không tiến triển, chính vì thế, gia đình quyết định để Nguyên An dừng lại, dù rất buồn, nhưng Nguyên An đành gác lại giấc mơ vào ĐH của mình lần thứ 2.

“Lúc các bạn mình thi xong môn đầu tiên, cũng là lúc mình cầm được tờ đề thi trên tay, cảm giác lúc ấy thấy bất lực vô cùng. Bản thân mình khi đó hụt hẫng và nuối tiếc nhiều, bởi lẽ, nếu mình đảm bảo sức khỏe và có mặt ở lần thi này, với mức độ đề thi đó, với khả năng của mình, có lẽ mình đã làm tốt, thế nhưng, có vẻ như ông trời vẫn đang muốn thử thách mình”, Nguyên An nói.

Cận kề lần thi ĐH thứ 2, tình trạng sức khỏe của Nguyên An lại không đảm bảo khiến cô bạn đành gác lại ước mơ.

Thế nhưng, 2 lần thất bại ấy vẫn không thể khiến cô gái bé nhỏ gục ngã. Sau trận ốm, Nguyên An tiếp tục ôn thi để tiếp tục lần thi ĐH… lần 3, cô bạn vẫn giữ ý định thi lại trường ĐH Cảnh sát một lần nữa. Tuy nhiên, lần này, khối An ninh - Quân đội không tổ chức xét tuyển tổ hợp môn khối C nên một lần nữa giấc mơ trở thành người chiến sỹ công an của Nguyên An bị tan vỡ. Cô nàng lại loay hoay tìm tòi ngành nghề và quyết định chọn khoa Báo chí và Truyền thông của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM làm “bến đỗ”.

Cuối cùng, Nguyên An đã chọn ngành Báo chí làm “bến đỗ”.

Được biết, trong khoảng thời gian này, Ba của Nguyên An đã làm hồ sơ đăng ký ngành Luật tại một trường ĐH dân lập ở Đà Nẵng cho cô bạn. Tuy nhiên, vì không tìm thấy niềm đam mê, cô nàng đã quyết định bỏ ngang ngành Luật sau gần 1 kỳ học tập và quyết định dồn tâm trí để thi vào khoa Báo chí. Chính điều này đã khiến ba mẹ cô bạn khá “sốc” và buồn.

“Ba mẹ cực kì sốc với quyết định của mình. Lúc đầu giận và buồn lắm, nhưng vì thương con, ba mẹ lại động viên để mình tiếp tục ôn thi. Thực ra, chính bản thân mình đôi khi cũng cảm thấy hoang mang với quyết định của chính mình. Mình còn nhớ, đợt đó, ba mình đã viết cho mình một bức thư tay khá dài, đại loại dặn dò mình: “Quyết định này là quyết định của cả cuộc đời mình mà bất cứ kinh phí nào cũng không đánh đổi được”. Khi đó, mình nhận ra, mình cũng không còn nhiều thời gian để cứ thi đi thi lại như thế, chính vì vậy, mình khá thận trọng về quyết định lần này của bản thân”, Nguyên An nói.

Nguyên An cùng bạn học.

Thậm chí, khi đã bước vào ngôi trường mơ ước, Nguyên An lại có ý định bỏ dở vì cảm thấy môi trường ĐH khác xa so với những gì cô bạn tưởng tượng trước đó. Theo Nguyên An, khi mới vào học tập, cô bạn phải sống xa gia đình, lại không quen biết ai, chính cảm giác ấy khiến cô bạn hụt hẫng và tủi thân vô cùng. Bên cạnh đó, phương thức giảng dạy và học ở ĐH cũng khiến cô bạn bỡ ngỡ và cảm thấy bản thân không theo kịp các bạn khác. Một lần nữa, cô nàng này có ý định thi lại ĐH lần thứ 4.

Tuy nhiên, Nguyên An nhận ra bản thân đã đánh đổi 3 năm, là quá nhiều để bỏ dở, để chọn lại. Chính vì thế, Nguyên An đã mạnh mẽ hơn, chọn cách tiếp tục gắn bó, thay đổi bản thân để thích nghi, nhớ lại lí do bắt đầu để có động lực cố gắng. Đồng thời, cô bạn dần cởi mở hơn, tìm thấy niềm vui nơi bạn bè và dành thời gian thực hiện sở thích cá nhân của mình. Đến bây giờ, Nguyên An đã thực sự tin tưởng vào quyết định của bản thân.

“Báo chí sẽ là con đường mà mình sẽ theo đuổi đến cùng”, Nguyên An quả quyết.

Bí quyết vượt qua 3 môn Văn, Sử, Địa khô khan, “khó nhằn”

Nguyên An được bạn bè ngưỡng mộ với kết quả là thủ khoa đầu vào ngành báo chí với tổng điểm: 28,75. Trong đó, môn ngữ văn: 9,25; lịch sử: 9,5; Địa lý: 10 điểm. Để đạt số điểm ấn tượng này, bên cạnh việc chăm chỉ học hành, cô bạn cũng đã rút ra cho mình những bí quyết học tập hiệu quả.

Cô bạn gây ấn tượng với tổng điểm 28, 75. Trong đó, môn địa lý, cô bạn dành điểm tuyệt đối.

Đối với môn Văn, Nguyên An sẽ vạch ra các luận điểm chính, gạch ra những ý quan trọng, đặc biệt, Nguyên An chỉ sử dụng sách tham khảo, văn mẫu để tham khảo chứ không hề phụ thuộc.

Theo cô bạn chia sẻ: “Các bạn học sinh bây giờ có xu hướng học thuộc lòng văn mẫu, trong khi đó, đề thi những năm gần đây theo xu hướng mở, nên dường như sẽ không có trong tài liệu, quan trọng là cách các bạn cảm nhận vấn đề. Chính vì thế, nếu các bạn bê nguyên xi các bài văn mẫu vào bài thì sẽ làm lạc đề, bản thân người chấm thi cũng cảm thấy mệt mỏi. Do đó, các bạn nên chia luận điểm, sau đó diễn đạt theo ngôn ngữ của mình”.

Đối với môn Lịch Sử, Nguyên An sẽ dành thời gian lập niên biểu cho các mốc thời gian cho những sự kiện quan trọng. Theo cô bạn, cách học như thế rất hệ thống, đến gần ngày thi, các bạn chỉ cần nhìn lại là có thể ghi nhớ. Ngoài ra, với những con số khó nhớ, Nguyên An sẽ gắn với các con số quen thuộc như số điện thoại, ngày sinh hoặc một ngày đặc biệt nào đó.

Nguyên An khuyên các sĩ tử nên dành thời gian hệ thống lại kiến thức thì sẽ tiết kiệm được thời gian và đạt hiệu quả cao trong ôn luyện.

Với môn Địa Lý, để dành điểm tuyệt đối, cô bạn chỉ cần 1 bí quyết duy nhất đó là khai thác triệt để Atlat. Theo Nguyên An, sử dụng Atlat sẽ khiến cho các bạn có cái nhìn trực quan, bên cạnh đó, những năm gần đây, thí sinh được đưa Atlat vào phòng thi, đây được xem là tài liệu công khai có thể mang vào phòng thi. Nếu các bạn quên kiến thức về một vùng miền nào đó, thì khi nhìn vào Atlat, các bạn sẽ dần nhớ ra, Atlat sẽ giúp các bạn tái hiện lại kiến thức. Nếu sử dụng tốt Atlat, các bạn có thể tiết kiệm thời gian học thuộc bài, thậm chí không phụ thuộc vào kiến thức trong sách giáo khoa.

Nguyên An vừa kết thúc kì học quân sự cùng bạn bè.

Bên cạnh đó, Nguyên An cũng dành lời khuyên đến các thí sinh đang chuẩn bị bước vào kỳ thi cam go phía trước sau nhiều kinh nghiệm của bản thân. Theo Nguyên An, cận kề ngày thi, các thí sinh không nên học quá nhiều, bởi càng nhồi nhét kiến thức kiểu dồn dập chỉ làm bản thân bị “stress” nặng nề hơn chứ không hề hiệu quả.

“Càng về những ngày nước rút, các bạn càng phải chú ý đến sức khỏe, không nên học nhiều, không nên thức quá khuya. Các bạn hãy tập cho mình thói quen là nhớ lại kiến thức chứ không phải là học vẹt kiến thức nữa. Ngoài ra, các bạn cũng nên giữ tinh thần một cách thoải mái nhất, có như thế, khi bước vào phòng thi, các bạn mới làm tốt được”, Nguyên An nói.

Chia sẻ

Bài viết

Yến Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất