Học đường

Nâng điểm chuẩn để 'đánh trượt' 1 thí sinh: Cách làm thiếu nhân văn, vi phạm quy chế xét tuyển

An Nhiên (Tổng Hợp)
Chia sẻ

"Dù có 1, 2 thí sinh đăng ký vào ngành thì nhà trường phải có giải pháp tuyển thêm các đợt sau để không vi phạm quy chế xét tuyển", ông Trần Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Bộ GD&ĐT nhận định.

Liên quan đến sự việc điểm chuẩn ngành Sư phạm Ngữ văn của Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai ở mức 23 điểm (ngành giáo dục tiểu học, mầm non chỉ lấy 15 điểm), ông Trịnh Đào Chiến - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai cho biết: “Ngành sư phạm Ngữ Văn năm nay của nhà trường chỉ có duy nhất một thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 (NV1).

Trong khi thí sinh này đạt 22,5 điểm. Nếu nhà trường lấy điểm chuẩn từ 22,5 điểm trở xuống thì thí sinh này chắc chắn sẽ trúng tuyển. Nhưng vấn đề là nếu chỉ có 1 thí sinh trúng tuyển trong ngành học thì nhà trường không thể sắp xếp lớp cũng như bố trí giáo viên giảng dạy.

Vì thế, cách duy nhất là chúng tôi lấy điểm chuẩn là 23 để thí sinh này trượt NV1. Đây là một cách để nhà trường tạo điều kiện thí sinh có cơ hội nộp hồ sơ vào trường khác theo sở thích và nguyện vọng của em đó. Nếu chúng tôi tuyên bố không mở ngành sư phạm Ngữ Văn thì hệ thống lọc ảo của Bộ GD&ĐT không nhận diện được và thí sinh này sẽ được coi là đỗ NV1 vào trường tôi. Như thế sẽ dang dở giấc mơ của thí sinh. Hiện tại, trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai đã thông tin đến thí sinh này để thí sinh có thể kịp thời điều chỉnh nguyện vọng”.

Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Ảnh: Báo Gia Lai.

Ngay sau khi xuất hiện, thông tin trên đã vấp phải làn sóng phản đối của dư luận. Trao đổi với Báo Infonet về vấn đề này, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho hay: “Câu chuyện thật mà như đùa. Mùa tuyển sinh năm nay, đề thi THPT quốc gia được đánh giá là khó, độ phân hóa cao nên để được 22,5 điểm thì thí sinh này chắc chắn phải cố gắng và nỗ lực rất nhiều.

Thế mà với số điểm đó thí sinh lại trượt một trường cao đẳng sư phạm ở địa phương. Lỗi không phải do em mà do chỉ có 1 thí sinh đăng ký xét tuyển nên nhà trường không thể tổ chức lớp học. Đúng là buồn cười”.

Cũng theo ông Dong, cách ứng xử của trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai thiếu nhân văn. Bởi để có được số điểm 22,5 trong kỳ thi năm nay là không dễ dàng. Nhà trường đánh trượt thì thí sinh này sẽ quay cuồng với NV2. Về cơ bản, vấn đề này không phải lỗi của thí sinh.

“Tại sao nhà trường không giới thiệu em đó đến những ngôi trường cũng trong ngành sư phạm để em ấy có cơ hội theo đuổi sở thích và đam mê? Tôi nghĩ rằng, với mặt bằng điểm như năm nay, nhiều thí sinh không quá mặn mà với ngành sư phạm thì với con số 22,5 điểm, rất nhiều trường sư phạm sẵn sàng tiếp nhận thí sinh này”, ông Dong cho hay.

Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai nâng điểm chuẩn lên 23 để “đánh trượt” 1 thí sinh có điểm 22,5 đăng ký vào trường. Ảnh Báo Lao Động.

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Trần Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Bộ GD&ĐT cho rằng: “Việc xét tuyển là quyền tự chủ của các trường. Tuy nhiên, điểm chuẩn là các trường phải căn cứ vào chỉ tiêu và xét từ trên xuống đến khi hết chỉ tiêu thì ra điểm chuẩn. Các trường có thể xét chỉ tiêu chênh ra một chút để phòng trường hợp thí sinh không đến xác nhận nhập học.

Tuy nhiên, việc nhà trường tự ý nâng điểm chuẩn lên quá cao để cố tình đánh trượt thí sinh và theo giải thích là vì chỉ có 1 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 nên không thể mở lớp. Thực tế nhà trường làm như vậy là vi phạm nguyên tắc xét tuyển. Dù có 1, 2 thí sinh đăng ký vào ngành thì nhà trường phải có giải pháp tuyển thêm các đợt sau để không vi phạm quy chế xét tuyển”.

Hiện, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận thông tin về sự việc này và đang yêu cầu Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai báo cáo giải trình.

Chia sẻ

Bài viết

An Nhiên (Tổng Hợp)

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất