Học đường

Muôn kiểu 'hốt bạc' mùa World Cup của du học sinh Việt tại Nga

Theo Dân Trí
Chia sẻ

Sức nóng của World Cup 2018 hai tháng gần đây đã cho du học sinh Việt tại Nga cơ hội để kinh doanh. Kinh doanh theo mùa như bán áo cầu thủ, bán đồ lưu niệm, hướng dẫn viên du lịch, tiền kỉ niệm,… tuy không kéo dài nhưng đều là những dịch vụ hốt bạc, đem lại lợi nhuận đáng kể.

World Cup 2018 đang vô cùng kịch tính khi các đội bước vào vòng knock-out, “thắng đi tiếp, thua dừng bước”. Giá vé ở vòng 1/8 được công bố trên website chính thức của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA.com) loại 1 khoảng 185 bảng/vé, kế đến là 139 bảng/vé và 87 bảng/vé. CĐV Nga xem các trận vòng 2 với giá vé chừng 29 bảng. Ở tứ kết, bán kết và trận tranh hạng 3, giá vé cũng tăng mà cao nhất là ở bán kết vé loại 1 có giá tới 565 bảng/vé.

Riêng giá vé của trận chung kết World Cup 2018 này được xem là đắt nhất trong lịch sử World Cup với mức giá 829 bảng/vé (khoảng hơn 25 triệu đồng), nhiều hơn khoảng 151 bảng so với giá vé của trận chung kết World Cup 2014 ở Brazil.

Dịch vụ bán vé World Cup của du học sinh Việt tại Nga.

Tuy nhiên, người hâm mộ khắp thế giới khi đến Nga xem World Cup chấp nhận chi tiền mua vé ngoài đắt gấp nhiều lần so với thực tế. Vì vậy các du học sinh cũng tìm cách để mua rồi bán lại.

Các du khách đi xem World Cup hầu hết mong muốn được ít nhất một lần vào sân dự khán, hơn nữa mức giá của du học sinh bán vẫn “dễ thở” hơn so với giá chợ đen nên nhiều người không đắn đo gì khi mua vé vào xem tận sân vận động để cổ vũ đội tuyển yêu thích. Lãi dao động từ 3.000 rúp - 30.000 rúp/ vé (tương đương từ 1.200.000 - 12.000.000 đồng/vé).

World Cup 2018 mới bước vào các trận đấu của vòng 1/8 nhưng nhiều du học sinh đã bán vé trận chung kết. (Ảnh: Huyền Vũ)

Tờ tiền 100 rúp do Ngân hàng trung ương Nga phát hành với số lượng giới hạn chỉ 20 triệu bản cho toàn thế giới nhân dịp nước này lần đầu đăng cai Giải vô địch bóng đá thế giới, cũng được săn lùng không kém vé theo dõi các trận đấu.

Tờ tiền này được thiết kế tinh xảo. Mặt trước của đồng tiền làm bằng polymer mô tả một cậu bé đang ngước nhìn thủ môn huyền thoại Lev Yashin của Liên Xô cũ. Yashin cũng là nhân vật xuất hiện trong poster cổ động của World Cup 2018. Lev Yashin là thủ thành duy nhất trên thế giới dành được danh hiệu Quả bóng vàng và là niềm tự hào của cả dân tộc Nga. Mặt sau của đồng tiền in hình quả bóng với bản đồ nước Nga xuất hiện phía trên. Hai hình ảnh ở mặt trước và mặt sau đều được in dọc theo đồng tiền.

Nó còn có một số tính năng bảo mật nổi bật như là hình ảnh ba chiều, thay đổi màu sắc khi chiếu sáng bởi tia cực tím, hình ảnh siêu nhỏ CĐV bóng đá và bản đồ nước Nga cùng tên của mười một thành phố nơi diễn ra các trận thi đấu trong mùa World Cup 2018.

Tờ tiền này có giá trị là 40.000 VNĐ, được bán với giá gốc là 160.000 VNĐ. Mặt hàng này gây sốt đến mức nhiều ngân hàng Nga không còn để bán, trong khi đó, giá bán lại của tờ tiền này tại Nga khoảng 200.000 VNĐ/ tờ. Giá sỉ dao động tùy theo số lượng khách hàng mua vào, tình trạng hàng và sức mua chung.

Khi về đến Việt Nam, giá của mỗi tờ tiền cao gấp đôi, nhiều nơi bán lên đến 400.000 - 500.000 đồng. Hiện nay, Việt Nam cũng có sẵn hai loại 100 rúp màu xanh và 100 rúp màu vàng.

Nghỉ hè về thăm gia đình, ban đầu chỉ định mua một ít làm quà kỉ niệm nhưng sau đó thấy cơn sốt 100 rúp, du học sinh Hoàng Mai Nhi quyết định lấy khá nhiều để được giá rẻ.

Buôn tiền 100 rúp đang trở thành trào lưu, được rao bán ở facebook của các du học sinh.

“Khách hàng của em chủ yếu là người Việt Nam và lấy buôn với số lượng lớn. Em thường nhập hàng bán buôn thôi nhưng đôi khi em cũng bán lẻ cho một vài cá nhân quen biết có nhu cầu, khoảng 270.000 đồng/ tờ”, Mai Nhi nói.

Không tiết lộ giá nhập vào nhưng nữ du học sinh này cho biết, việc buôn tiền 100 rúp phù hợp với sinh viên, không quá vất vả nhưng tốn thời gian gom hàng từ nhiều nguồn khác nhau để có số lượng lớn. Nhiều bạn bè của em cũng tập tành kinh doanh với tờ 100 rúp và chưa hết mùa World Cup đã lãi hơn 20 triệu đồng.

Đặc biệt, người Nga và người châu Âu tin rằng tờ tiền 100 rúp này mang ý nghĩa may mắn cho bất cứ ai khi họ sở hữu nó như đồng 2$ của nước Mĩ. Nên nhiều du khách còn bỏ ra số tiền rất lớn để mua vài tờ tiền có seri đẹp về.

Tiền 100 rúp màu xanh có seri đẹp thường được nhiều du khách mua với giá cao.

“Có người từng mua tờ tiền có seri là 8888 với giá 300 USD (6.750.000 đồng) mà không mặc cả. Đây cũng là tờ cao nhất trong số những tờ em từng bán”, nam du học sinh Việt tại Nga, 18 tuổi, tiết lộ.

Ngoài tờ tiền 100 rúp, những chú sói Zabivaka - linh vật của World Cup 2018, búp bê truyền thống của Nga đang được rất nhiều cửa hàng kinh doanh quà tặng bán. Du học sinh mua về bán lại với mức giá từ 170 000 - 320 000 đồng/con. (Ảnh: Huyền Vũ)

Không chỉ đồ lưu niệm, nhiều mặt hàng, dịch vụ khác ăn theo World Cup cũng “hot” hơn bao giờ hết, mang tới thu nhập lên đến hàng triệu.

Bán giày hàng Auth chuẩn, nước hoa, đồ hiệu,… để ăn chênh lệch. Sinh viên có thẻ giảm giá 20% của cửa hàng mua về bán đúng giá trên website nhưng vẫn lãi phần được giảm 20%. (Ảnh: Huyền Vũ)

Du học sinh thành thạo tiếng Nga tranh thủ ngoài lịch học để đi làm dịch vụ, đưa đón người xem World Cup, đặt taxi giúp du khách, đón họ ở sân bay, làm khẩu tạm thời, đặt khách sạn. Mỗi lần dịch vụ này sẽ được tầm 3000 rúp -10.000 rúp (tương đương 1,2 triệu- 4 triệu đồng). (Ảnh: Huyền Vũ)

Do khách nước ngoài đổ về nước Nga đợt này nhiều nên nhu cầu ăn uống cũng tăng. Sinh viên thường đi làm thêm bán thời gian hoặc toàn thời gian tại các nhà hàng món ăn Việt Nam. Một ngày kiếm được 400.000 -600.000 đồng. (Ảnh: Huyền Vũ)

Chia sẻ

Bài viết

Theo Dân Trí

Tin mới nhất