Học đường

Mùa chia tay ở THPT Chuyên Hạ Long - nơi các cô cậu học trò chơi bóng rổ trên khoảng sân nép mình vào núi…

Tùng Chi
Chia sẻ

Những góc sân và khoảng trời nho nhỏ của ngôi trường THPT Chuyên Hạ Long đều mang trong mình những câu chuyện đặc biệt. Ở đó lưu giữ cả một vùng kỉ niệm thanh xuân của biết bao thế hệ học sinh, khiến ai dù đi đâu, làm gì cũng luôn bồi hồi khi nhớ lại.

Ngôi trường THPT Chuyên Hạ Long được xây dựng đã gần 30 năm. Đây là nơi cất giữ ký ức của nhiều thế hệ học trò xuất sắc. Ở ngôi trường có bề dày lịch sử, với vị trí dựa vào núi đá đen đầy vững chắc, vẻ đẹp của Chuyên Hạ Long trở nên bình yên và cổ kính hơn với những gốc cây cổ thụ lớn, hàng ghế đá cũ bạc màu, lớp sơn tường giảng đường dần ngả màu úa vàng theo thời gian.

Mới đây, một bộ ảnh được đăng tải trên fanpage của Ban tổ chức đêm prom chia tay cuối cấp trường THPT Chuyên Hạ Long đang được rất nhiều các bạn học sinh, sinh viên đã, đang là học sinh của trường chia sẻ rầm rộ. Với những góc máy giản dị, nước ảnh với màu sắc cũ đầy hoài niệm và phần caption là dòng chia sẻ, tâm sự của “tớ”, ai ai cũng nhìn thấy một phần tuổi trẻ của mình trong đó.

Cùng ngắm nhìn những góc chụp nhỏ xinh, giản dị nhưng đầy kỉ niệm ở các ngôi trường lâu năm này:

Có một sân bóng rổ nép mình vào đá núi. Sân bóng rổ Chuyên Hạ Long vô cùng đặc biệt. Vì không một sân bóng rổ nào, lại nép mình vào đá núi thế kia. Nhiều lúc ném bóng vào rổ, lại cứ ngỡ ném vào đó tất cả nhiệt huyết tuổi trẻ. Nhiều lúc bóng chạm tới trời cao, lại cứ ngỡ như thấy cả ước mơ của bản thân ở trên đó.

“Hát lên như chưa từng được hát Vui nay thôi ai biết mai sau…” CLB guitar từ lâu đã trở thành bài ca tuổi trẻ của biết bao thế hệ học sinh Chuyên Hạ Long. Những tâm hồn hoà điệu, những trái tim cùng đập chung nhịp đập, những câu hát cùng ngân nga, những ngón tay bé nhỏ ôm vào lòng chiếc đàn guitar to to, to hơn cả bản thân, nhưng luôn bé hơn đam mê, và ước mơ của chúng tớ. Tuổi trẻ của chúng tớ, và như thế, được viết nên.

Qua những khung cửa sổ lớp học. Tớ từng thấy mình nằm dài trên chiếc bàn gỗ ép bóng loáng. Từng ngao ngán nhìn sách giáo khoa ngữ văn vì không biết cô đã dạy đến trang nào. Tớ từng nhìn qua khung cửa sổ ấy, nhớ đến cả những lúc bất thần trong giờ học, từng ngửa cổ lên trần mà tính xác suất xem cái quạt đó có rơi xuống hay không, tính xong rồi lại quay ra nhìn nhau cười ha hả. Tớ vẫn thấy cậu bàn đầu trong giờ lén lút vẽ bậy lên bàn, vẫn thấy cô bạn thân nhân lúc cô giáo viết bảng mà cho vội miếng bánh mì vào miệng. Vẫn thấy cậu bàn cuối ngủ gật trong tiết, vẫn thấy các cậu đùa nghịch vui vẻ hay lúc thi gian nan. Tớ vẫn thấy qua khung cửa sổ ấy, những ước mơ tớ gửi lại nơi con chữ, quyển vở. Vì tớ hiểu, “trường lớp đủ sức vỗ về các giấc mộng, chứ cuộc đời không đủ lòng từ bi để hát mãi lời ru”.

Sân bóng đá Chuyên Hạ Long, nơi có tiếng hò reo cổ vũ, tiếng chân trần chạy trên nền cỏ xanh, tiếng thở hắt thật mạnh mỗi khi chạy cướp bóng. Có những chiều rất nắng, cũng có những ngày rất mưa. Nhưng có những mái đầu xanh, dù mưa hay dù nắng, vẫn miệt mài chạy theo trái bóng, như chạy theo đó là cả trái tim rực lửa.

“Đặc sản của Chuyên Hạ Long chính là phòng tự học. Ở nơi ấy, có những trưa không ngủ vì giờ thi sắp đến. Có những đôi mắt xanh suy tư trong từng trang sách quyển vở. Có những tiếng chỉ bài ân cần, từ tốn. Có những lời hứa ghé thầm vào tai nhau cùng thực hiện. Ở nơi ấy, chúng tớ tự học, tự viết nên tri thức, tự làm nên tuổi trẻ. Và, tự trưởng thành”.

16-19 chúng tớ có một may mắn, đó là năm cuối cùng trước khi chúng tớ ra trường, chúng tớ được biết đến sự hiện diện của những chiếc xích đu trắng đáng yêu này. Nhiều lắm những câu chuyện mà nó đã nghe mỗi chiều hoàng hôn buông, nhiều lắm những tâm sự nó thủ thỉ cùng chúng tớ. Mỗi giờ tan học, trước giờ vào lớp. Ban ngày nhộn nhịp đông vui, đêm đến lặng lẽ thu mình dưới bầu trời sao rộng lớn. Tiếng xích đu kẽo kẹt mỗi trưa hè đã trở thành một phần không thể thiếu của Chuyên Hạ Long trong lòng tớ. Nhớ về nó, tớ bỗng xao xuyến đến lạ. Này, ví như đôi bàn chân không chạm đất của chúng mình như những cánh chim đang tự do bay lượn giữa khoảng trời rộng lớn kia, cậu sẽ bay đến đâu thế?”.

Cổng sau chuyên Hạ Long chính là một thiên đường ẩm thực. “Cứ tờ mờ sáng, hoặc là đầu giờ tan tầm buổi chiều, nếu cậu đến cổng sau Chuyên Hạ Long, kiểu gì cậu cũng sẽ thấy mấy hàng xôi, hàng bánh tráng đã đứng đó tự lúc nào. Món ăn ở đây thì phải gọi là đa dạng và phong phú cực kì. Cậu muốn tiện lợi? Có tiện lợi. Cậu muốn món xôi truyền thống? Có truyền thống. Cậu muốn ăn vặt? Có ăn vặt luôn. Chẳng thiếu gì từ A-Z, bim bim, nước ngọt, mấy gói mì trẻ em siêu cấp tuổi thơ, và không thể không nói đến ly mì Modern với đủ các loại topping trông hấp dẫn cực kì. Nhiều hôm đến muộn, phải xếp hàng lâu ơi là lâu mới mua được hộp xôi. Nhiều buổi chiều tan học, đứng nhìn bác trộn bánh tráng trên cái xe đạp cũ cũng là cả một điều gì đó thú vị lắm. Cứ như thế, vừa ăn vừa cùng nhau nói chuyện tới lui, vừa ăn vừa nghe mấy cô mấy bác bán hàng kể chuyện. Và như thế, vừa ăn vừa cùng nhau viết một góc nhỏ đầy ắp kỉ niệm, gọi là “cổng sau chuyên Hạ Long.”

“Quầy bán nước cái gì cũng có. Từ trà chanh, nhân trần mát lạnh đến sữa chua trân châu, đủ các loại chè bưởi, chè đỗ đen, thạch… Bánh, kẹo, lương khô,… cũng đủ cả. Lắm lúc chỉ cần 4k trà chanh, sẵn sàng ngồi lại tán gẫu với lũ bạn gần hết một buổi chiều. Nói chung là tại Chuyên Hạ Long, chúng mình không bao giờ sợ đói!”.

“Máy-bán-hàng-tự-động. Nói đến món này là cả một bầu trời tự hào luôn. 16-19 chúng tớ may mắn cực kì, vì không chỉ được biết đến sự hiện diện của mấy cái xích đu, mà còn được biết đến cả “nơi cứu đói” siêu tiện ích này luôn. Trông nhỏ nhắn thế thôi, mà cũng không thua kém một hàng quán nào cả. Bim bim, nước ngọt, gà xé, cà phê, xúc xích và món bánh bơ siêu cấp đặc biệt. Cái gì cũng có, lại còn không phải mất công lòng vòng ra tít canteen để mua chai nước như ngày trước. Nên là em nó mới đông như kia, mà thôi cũng được, coi như là hình thành văn hoá xếp hàng trên bước đường trở thành công dân toàn cầu, nhỉ? Ở máy bán hàng tự động này, cũng có biết bao câu chuyện dở khóc dở cười đã diễn ra. Vì có những khi nhét đến 2 lần tiền mà đều bị kẹt lại, lay máy bao lâu mà vẫn không chịu rơi ra. Vì có nhiều khi mua chai nước, lanh chanh thế nào bấm lộn số lại sang gói bò khô. Vì có nhiều khi, máy không có tiền trả lại lại ngậm ngùi mua thêm vài món nữa. Máy bán hàng thì ở đâu cũng có, nhưng mà mặc áo đồng phục học sinh đứng xếp hàng ở sảnh Chuyên Hạ Long, có lẽ là những lần cuối cùng mất rồi”.

Chia sẻ

Bài viết

Tùng Chi

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất