Học đường

Kỳ thi đại học kết thúc, hàng loạt phụ huynh Trung Quốc ly hôn

Theo VnExpress
Chia sẻ

Nhiều người trì hoãn việc ly hôn trong thời gian dài chỉ để con không bị ảnh hưởng tâm lý trước kỳ thi quan trọng.

Sau khi kỳ thi tuyển sinh đại học toàn quốc (gaokao) kết thúc, người dân lũ lượt xếp hàng trước các tòa thị chính khắp Trung Quốc để nộp đơn ly hôn, theo What's on Weibo ngày 5/7.

Kỳ thi diễn ra giữa tháng 6 hàng năm là điều kiện tiên quyết để được nhận vào các đại học ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Nếu đạt điểm cao, thí sinh có thể vào trường uy tín, mở rộng đường công danh về sau.

Cơ hội đổi đời nhờ kết quả của một kỳ thi khiến cả học sinh và phụ huynh chịu áp lực suốt quá trình dài. Theo Global Times, nhiều phụ huynh không muốn tăng thêm áp lực cho con, do đó trì hoãn ly hôn để kết quả thi không ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, nhiều ông bố bà mẹ cảm thấy thời điểm con kết thúc bậc trung học và bước vào cuộc sống của người trưởng thành cũng là lúc họ hoàn thành một phần lớn trách nhiệm. Nhiều nghiên cứu chỉ ra, văn hóa Trung Quốc vẫn tồn tại quan điểm tiêu cực về ly hôn. Vợ chồng thường cố gắng tiếp tục cuộc hôn nhân không hạnh phúc chỉ để giữ gia đình nguyên vẹn.

Phụ huynh Trung Quốc đồng loạt nộp đơn ly hôn vào cuối tháng 6 hàng năm. Ảnh: Sohu

Năm nay không phải lần đầu tiên làn sóng ly hôn sau kỳ thi đại học bùng nổ. Hiện tượng này phổ biến nhiều năm qua, cho thấy phụ huynh sẵn sàng ở cạnh nhau vì lợi ích giáo dục của con cái. Baidu, trang bách khoa toàn thư mở tương tự Wikipedia ở Trung Quốc, giải thích làn sóng ly hôn sau gaokao thường bắt đầu từ cuối tháng 6 đến tháng 9 hàng năm.

Ly hôn đang là chủ đề được thảo luận nhiều nhất trên mạng xã hội Trung Quốc. Đa số cho rằng việc trì hoãn ly hôn “vì bọn trẻ” rất có hại. Nhiều đứa trẻ sẽ cảm thấy chính mình là nguyên nhân khiến bố mẹ không hạnh phúc.

“Nếu bạn không còn yêu người kia nữa, tại sao lại tiếp tục sống cùng họ một cách giả tạo? Để đứa trẻ phải sống trong một gia đình như thế thật chẳng hay ho chút nào”, một người dùng Weibo bình luận.

Sĩ tử Trung Quốc học 16 tiếng mỗi ngày cho kỳ thi khốc liệt nhất. Video: SCMP.

Một số người khác lại chỉ trích những cặp đôi ly hôn sau hàng chục năm ở cạnh nhau: “Chuyện gì đang xảy ra với xã hội này vậy? Người ta nghĩ sẽ tìm được ai đó phù hợp hơn sau khi sống chung với một người chừng đó thời gian hay sao?”.

Giữa hàng nghìn bình luận, ý kiến của người từng trải khiến cộng đồng chú ý: “Tôi là một đứa trẻ đã lớn lên giữa những cuộc cãi vã của bố mẹ. Tôi chỉ có thể nói với mọi người một điều. Nếu muốn ly hôn, bạn hãy cứ ly hôn đi. Đừng ở bên nhau dưới danh nghĩa vì lợi ích của bọn trẻ”.

Chia sẻ

Bài viết

Theo VnExpress

Tin mới nhất