Học đường

Khá 'Bảnh' lại xuất hiện trong đề thi Ngữ văn dài ngoằng gây tranh cãi

Ngọc Bích
Chia sẻ

Nhân vật Khá "Bảnh" một lần nữa xuất hiện trong đề thi Ngữ văn của một trường THPT tạo ra luồng tranh luận trái chiều.

Mới đây, trường THPT Mường Bú (tỉnh Sơn La) đưa nhân vật Khá “Bảnh” vào đề thi học kì 2 môn Ngữ văn khối 12.

Cụ thể, phần Đọc - hiểu bài thi này đề cập tới Ngô Bá Khá (sinh năm 1993, quê Bắc Ninh). Điều khiến anh ta nổi tiếng là chia sẻ những video clip giang hồ trên mạng xã hội từ mái tóc không đâu vào đâu với điệu múa xòe quạt trên nền nhạc “vina house” tới hành động điên rồ như dàn hàng ngang trên cao tốc để chụp ảnh đăng Facebook. Thế nhưng, giới trẻ lại ngưỡng mộ Khá “Bảnh” và xem như thần tượng. Mới đây, Khá “Bảnh” bị công an thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) bắt vì tội đánh bạc…

Từ những thông tin trên, đề thi yêu cầu học sinh trả lời một số câu hỏi liên quan.

Đề thi ngữ văn lớp 12 của trường THPT Mường Bú (tỉnh Sơn La). Ảnh: VTC

Ngay lập tức, đề thi này nhận nhiều ý kiến phản bác trái chiều khi một số người cho rằng việc đề cập tới những hình ảnh tiêu cực cũng là cách giúp các bạn trẻ nhận ra quan điểm sống đúng sai, từ đó rút ra bài học cho bản thân.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại phản đối khi cho rằng, việc đưa một nhân vật như Khá “Bảnh” vào đề thi dường như vô tình “cổ xúy” cho hình ảnh tiêu cực, đặc biệt khi đây không phải lần đầu tiên Khá “Bảnh” xuất hiện trong đề thi của trường học. Trường THPT Kiến Thụy (Hải Phòng) từng đưa hiện tượng Khá “Bảnh” vào đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn khối 11 gây xôn xao dư luận. Một số người kêu gọi hãy ngừng đề cập tới nhân vật giang hồ mạng xã hội méo mó bởi điều này nếu còn tiếp diễn sẽ gây tác động tiêu cực tới giới trẻ.

Ngô Bá Khá tại cơ quan điều tra.

Một số người công tác trong ngành giáo dục cũng lên tiếng.

Helino dẫn lời thầy Trịnh Quỳnh - người đã từng ra đề thi và là tác giả của hàng chục đầu sách luyện thi môn Văn - cho biết “Đề thi đề cập đến một hiện tượng nóng của xã hội, có thể nêu những vấn đề lệch lạc và chưa đúng đắn trong đời sống của giới trẻ để định hướng, uốn nắn học sinh cách ứng xử. Chúng ta không nên né tránh những vấn đề mới phát sinh trong thời đại công nghệ hiện nay, nói về cái xấu là để hướng tới những điều tốt đẹp hơn, nhằm vun đắp giá trị sống nhân văn”.

VTC trích nhận định của Thạc sĩ Ngữ văn P.T.H, tổ trưởng Tổ chuyên môn Ngữ văn trên địa bàn Quận Bình Tân, TP.HCM nhận xét, việc đưa hiện tượng Khá “Bảnh” vào đề thi, hình như giáo viên đã quá đà trong việc chọn ngữ liệu và có thể gây ra tác dụng ngược với học sinh.

Chia sẻ

Bài viết

Ngọc Bích

Tin mới nhất