Học đường

Hơn 20 năm 'gánh tàu hũ truyền thuyết' lưu giữ kỷ niệm cho bao thế hệ sinh viên Làng Đại học

Phương Phạm
Chia sẻ

Người ta nói, đã là sinh viên Làng, ai cũng phải thử qua tàu hũ cổng sau Đại học Thể dục Thể thao. Cứ thế, suốt 20 năm nay, gánh tàu hũ má Ái như một thức quà thanh xuân, lưu giữ biết bao kỷ niệm của sinh viên Làng Đại học Thủ Đức (TP.HCM).

- Tàu hũ cổng sau hông bây!

Đi chớ… Nay nóng, tao phải ăn 3 chén cho đã.

Hồi cái thời còn là sinh viên của trường ĐH KHXH & NV TP.HCM, chiều nào chúng tôi cũng có cái hẹn mỗi giờ tan trường như thế. Rồi sau này ra trường, mỗi đứa một ngã, thế mà lâu lắm thèm chén tàu hũ nóng đầy ụ nước cốt dừa, cũng lại xách xe chạy từ trung tâm thành phố về Làng. Chẳng để làm gì cả, chỉ là ngồi ghế nhựa, quanh cái gánh tàu hũ đỏ than hồng, mà nghe má Ái vừa trách vừa thương: Đi lâu mau mà quên mất tui thiệt rồi sao?

Cứ thế, hai mươi năm nay, gánh tàu hũ nằm một góc nhỏ cổng sau Đại học Thể dục Thể thao như một thức quà làm vui cho bao thế hệ sinh viên Làng Đại học.

Mấy năm nay, không còn phải gánh từng gánh, cô Ái đã tậu được cái xe để tiện đi lại. Mà sinh viên thân thương, vẫn hay gọi với cái tên: “Gánh tàu hũ truyền thuyết”.

Bếp than hồng, chén tàu hũ nóng, và gánh hàng rong gắn bó thanh xuân bao thế hệ sinh viên Làng

Người ta nói, đã là sinh viên ở Làng Đại học, không ít thì nhiều phải một lần ăn tàu hũ cổng sau ĐH Thể dục Thể thao. Cái gánh nhỏ xíu nằm một góc ọp ẹp, chẳng bảng chẳng hiệu chẳng cao sang, chỉ mấy cái ghế nhựa, bếp than nhỏ và một người đàn bà cũ kỹ luôn ngồi túc trực dưới góc cây dù chẳng đủ che mưa che nắng, ấy vậy, nhiều năm nay đã gói ghém biết bao kỷ niệm sinh viên Làng.

Hơn 20 năm, gánh tàu hũ trứ danh Làng Đại học này đón đưa biết bao con người đến rồi đi, có người ăn chắc phải hơn trăm lần, mà chẳng mấy ai trong số đó biết quý danh của bà chủ “Tàu hũ truyền thuyết” là ai? Cũng bởi, “đông khách quá, tranh thủ ăn đặng còn nhường chỗ cho người khác, kịp đâu mà chuyện trò”.

Hỏi ra mới biết, cô tên Nguyễn Thị Ái, năm nay đã 54 tuổi. Năm đó, chồng cô Ái đau bệnh rồi mất từ khi 2 đứa con còn thơ dại. Cô đành phải một mình rời quê, lặn lội mang con từ tận Quảng Ngãi vào Sài Gòn mưu sinh.

“Ăn tàu hũ của cô Ái rồi, đi đâu cũng không thấy ngon bằng”, nhiều bạn sinh viên chia sẻ

Cái góc nhỏ xíu, mà chứa chan biết bao kỷ niệm của sinh viên Làng Đại học

Những ngày đầu vô Sài Gòn, không người thân thích, cô Ái đã trải qua nhiều công việc khó nhọc khác như bán vé số, rửa chén thuê,… Rồi nhờ sự giúp đỡ của một người chị cùng phòng trọ, cô Ái tự tìm cho mình một công thức nấu tàu hũ. Không lâu sau, cô đi bán, được rất nhiều người khen ngon, gánh tàu hũ bán hết sạch. Nghiệp bán tàu hũ gắn liền với đời cô từ đó.

Mà ngộ, hễ cứ nhắc tới tàu hũ ở Làng Đại học là nghĩ ngay đến tàu hũ cổng sau Thể dục Thể thao chứ chẳng phải đâu khác. Không biết làm sao tàu hũ cô Ái cứ khiến người ăn phải thèm thuồng, ăn liền một lúc 2-3 chén mới “đã”. Chén tàu hũ đầy ắp chỉ có 6 ngàn đồng, bên trong có trân châu dược nấu với nước đường vàng sóng sáng cùng lớp nước cốt dừa được rưới lên trên. Cái vị béo ngậy hòa quyện cùng mùi gừng thoang thoảng, chén tàu hũ nóng hổi vừa được múc ra khiến bao sinh viên suýt xoa vừa ăn vừa thổi.

Cuối ngày, được một chén tàu hũ ấm lòng béo ngậy lại còn rẻ bèo thì còn gì bằng?

Cô Ái tất bât từ tờ mờ sáng đến đêm khuya bên gánh tàu hũ sinh viên

Nhìn gánh tàu hũ đơn giản là thế, mấy ai biết để có được một chén tàu hũ ngon, cô Ái phải nhọc nhằn không ít. Ngày nào cũng như ngày nào, trong cái trọ ọp ep, khi gà còn chưa kịp cất tiếng gáy, cứ 3 giờ sáng, cô Ái đã tất bật ngâm đậu, nấu tàu hũ, làm nước cốt dừa, nấu nước đường trân châu,… Tới 5 giờ sáng, người ta lại thấy cô Ái cùng gánh tàu hũ ở cổng Đại học Thể dục thể thao. Quần quật bên gánh tàu hũ, khi nắng cũng như khi mưa, chưa ai thấy cô nghỉ ngày nào.

Nào bán hết sớm thì cô về sớm được chút, bằng không thì cũng 10h đêm mới dọn nghỉ con ơi”, cô Ái tâm sự. Quán đông khách, bàn ghế có thể thiếu chứ cô Ái nhất định chẳng để ai đợi lâu. Hết làm tàu hũ cho khách, cô lại quay sang tranh thủ rửa chén, ly để kịp cho khách đợt sau, đôi bàn tay linh hoạt cùng khuôn mặt khắc khoải ở lưng chừng tuổi 50 cứ thế tần tảo ngày này qua tháng nọ.

Chém tàu hũ chứa cả tâm tình của người bán

- Sao qua hông thấy bây ghé cô? Cô Ái niềm nở với cậu sinh viên vốn là khách quen.

- Dạ, qua con về quê, nay lên chạy qua ăn tàu hũ cô liền nè!

Nhiều người ăn tàu hũ cô Ái riết “nghiện”, ngày nào không ăn lại thấy thiếu thiếu, nhớ nhớ. Rồi biết bao thế hệ sinh viên ra trường, mỗi lần có dịp quay về Làng Đại học cũng nhất định phải ghé thăm gánh tàu hũ cổng sau. Quý lắm, gánh tàu hũ cô Ái - thức quà ngon ngọt níu giữ cả thanh xuân của sinh viên Làng Đại học.

Gánh tàu hũ nuôi giấc mơ con học Đại học

Mỗi khi nhắc về những vất vả đời mình, cô Ái vẫn luôn khiến nhiều người ngưỡng mộ bởi sự lạc quan của mình: “Đời này còn nhiều người khổ hơn mình. Phải nhìn xuống để thấy mình còn may mắn, nhìn lên để phấn đấu như người ta. Nhưng cơ cực vì con, đó là niềm vui của người mẹ”.

Cả một đời cô quầy quần bên gánh hàng rong, cũng chỉ mong nuôi con cái nên người

Niềm vui mỗi ngày của cô Ái là được chuyện trò, gặp gỡ sinh viên

Cô Ái tâm sự, dù cực khổ nhưng cô luôn cố gắng cho các con được học đến nơi đến chốn, ngày nhận được hai tấm giấy báo đỗ đại học của 2 đứa con là ngày cô hạnh phúc nhất. Trên gương mặt hằn vết chân chim, cô Ái vẫn hiện lên nét tự hào mỗi khi kể về con của mình. Được biết, cả hai người con của cô đã tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định với thu nhập khá.

Giờ đây, dù không còn vất vả lo toan cơm áo gạo tiền như trước, cô Ái vẫn hằng ngày miệt mài bên gánh tàu hũ sinh viên. Cô Ái tâm sự: “Con cái cũng nói cô nghỉ ngơi phụng dưỡng tuổi già, mà thôi, cô đi bán quen rồi ở nhà buồn lắm. Bán buôn được gặp tụi sinh viên, cảm thấy mình vui hơn nhiều”.

Hai mươi năm, gánh tàu hũ gây thương nhớ bao người

Hai mươi năm xa quê, tần tảo trên đát khách quê người nuôi con ăn học, giờ đây, cô Ái chỉ có mong ước: “Đời tuy khổ nhưng vì con khó mấy cũng bằng không. Chỉ mong sao chúng nó thành đạt, sinh vài đứa cháu để mình ẵm bồng. Còn riêng cô thì về quê an hưởng tuổi già”.

Chia sẻ

Bài viết

Phương Phạm

Tin mới nhất