Học đường

Ngoài Hàn - Trung, châu Á còn những quốc gia nào có kỳ thi ĐH khốc liệt đến nỗi nếu trượt, nhiều sĩ tử chỉ muốn đi tự tử?

Ý Như
Chia sẻ

Tại châu Á nếu như Hàn – Trung là 2 đất nước có kỳ thi đại học được đánh giá là khốc liệt nhất thế giới thì ở Singapore và Nhật Bản, kỳ thi này cũng thực sự là 1 đấu trường khốc liệt khi học sinh top đầu học Đại học, học sinh top dưới chỉ được học nghề…

Những ngày thi đại học ở Trung Quốc vừa đi qua cách đây 1 tháng. Tại đất nước này, tỷ lệ chọi vào các trường ĐH top đầu ở Trung Quốc có thể lên tới 1/50.000. Học sinh thậm chí đã chuẩn bị cho nó từ khi bắt đầu theo học lớp 1.

Hình ảnh học sinh ôn thi vật vã tại Trung Quốc.

Ở Hàn Quốc, đỗ đại học như tấm vé thông hành giúp các bạn trẻ bước vào đời dễ dàng hơn, bao gồm cả triển vọng nghề nghiệp và cả hôn nhân của các em. Kỳ thi đại học khiến học sinh ở đây vô cùng áp lực. Người dân nước này quan niệm “tứ lang ngũ lạc”, tức là nếu ngủ 3 tiếng mỗi đêm, bạn có cơ hội vào trường SKY: ngủ 4 tiếng mỗi đêm có thể đậu vào những đại học khác; ngủ 5 tiếng mỗi đêm, hãy quên việc vào đại học đi.

Không chỉ riêng Hàn - Trung, tại 1 số quốc gia ở châu Á khác, kì thi đại học hoặc hết cấp vô cùng cam go với những áp lực và con số tỷ lệ chọi khủng khiếp.

Singapore: Tốt nghiệp đại học phân loại học sinh đi thi ĐH và học sinh đi học nghề

Chuyện học đại học của học sinh Singapore sẽ không chỉ phụ thuộc vào kết quả của kỳ thi đại học sau khi tốt nghiệp trung học. Sau khi kết thúc hệ tiểu học với thời lượng 6 năm, học sinh sẽ phải thi một kỳ thi tốt nghiệp tiểu học là PSLE (Primary School Leaving Examination).

Theo quy định của Bộ Giáo dục Singapore, học sinh được phân vào 3 chương trình phù hợp với năng lực, dựa trên kết quả PSLE. Áp lực lớn đật ra cho các em ngay từ khi là học sinh tiểu học khi những học sinh nằm trong top đầu sẽ tham gia thi đại học sau khi tốt nghiệp trung học, trong khi những học sinh ở top dưới thường đi học nghề.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mỗi tuần 1 học sinh Singapore 15 tuổi dành khoảng 9 tiếng cho bài tập về nhà. Lượng bài tập này đến từ rất nhiều thầy cô trên lớp và cả gia sư riêng của mỗi học sinh.

Ảnh: SPH.

Ông Howard Tan, một cựu giáo viên tiểu học Singapore chuyển sang nghề gia sư cho biết từng chứng kiến nhiều trường hợp phụ huynh gây quá nhiều áp lực lên con cái họ.

Ông dẫn chứng: “Tôi có một học trò 8 tuổi phải đi học thêm nhiều môn khác nhau, lên đến 11 buổi mỗi tuần. Làm sao cô bé có thời gian cho việc gì khác?”.

Tuy nhiên, chính phủ nước này đã có phần tiến bộ hơn khi áp dụng các chính sách giúp học sinh dễ “tải” được kiến thức. Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều trường ở Singapore quyết định lùi giờ vào lớp nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho học sinh. Các trường cam kết bằng việc điều chỉnh lại thời khóa biểu sao cho học sinh và giáo viên vẫn đảm bảo đầy đủ thời gian tương tác trên lớp mà các em sẽ không phải về muộn hơn.

Singapore là một trong những quốc gia sở hữu tỷ lệ cạnh tranh vào Đại học lớn nhất thế giới. Năm nay, Trường ĐH Quốc gia Singapore nhận được khoảng 28 nghìn hồ sơ dự thi và chỉ tuyển 7 nghìn sinh viên.

Nhật Bản: Nhiều học sinh phải tự tử vì trượt đại học

Tại Nhật Bản, kỳ thi đại học có tên gọi là Senta Shiken được tổ chức vào khoảng giữa tháng Một. Đối tượng của kỳ thi này là những sinh viên có nguyện vọng thi vào các trường đại học công lập của tỉnh hoặc thị lập của thành phố.

Vào cuối cấp trung học, học sinh sẽ bước vào giai đoạn chuẩn bị cho kỳ thi được xem là “địa ngục thi cử” này.

Ảnh: japantimes

Ở Nhật, nền tảng giáo dục là yếu tố tiên quyết khi muốn xin vào các công ty hàng đầu nên mức độ cạnh tranh giữa các thí sinh là vô cùng khốc liệt. Nhiều trường đại học còn tổ chức các kỳ thi tuyển sinh riêng để chọn lọc được sinh viên với đầu vào chất lượng.

Những thí sinh được chọn ngôi trường mình yêu thích và có thể thi lại năm sau nếu kết quả chưa tốt. Tại Nhật Bản, theo số liệu năm 2011, có đến 110.000 trong số 442.000 học sinh trung học lựa chọn việc thi lại thêm 1 lần để theo đuổi ước mơ, hay đơn giản chỉ để thực hiện mong muốn của bố mẹ. Một nghiên cứu năm 2014 chỉ ra rằng 58% học sinh trung học Nhật Bản hàng ngày đến trường trong nỗi sợ trượt Đại học.

Ám ảnh không vào được đại học cũng ảnh hưởng đến tâm lí của rất nhiều học sinh trung học tại Nhật Bản. Cụm từ “trượt đại học” đã khiến rất nhiều học sinh tại đất nước này tự tử.

Chia sẻ

Bài viết

Ý Như

tag-icon
Tin mới nhất