Học đường

Gian lận thi cử ở Hà Giang: Chỉ một cá nhân không thể làm hàng loạt bài thi có điểm cao chót vót

Theo Lao Động
Chia sẻ

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc gian lận thi cử ở Hà Giang có thể được thực hiện một cách tinh vi, có tổ chức, bằng cách lách các “kẽ hở” trong quy chế thi THPT quốc gia.

Can thiệp vào bài thi bằng công nghệ cao?

Sau 3 ngày làm việc căng thẳng, tích cực rà soát, thức xuyên đêm để chấm lại bài thi của thí sinh, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã chính thức khẳng định, những bất thường trong điểm thi của Hà Giang là do sai phạm trong khâu chấm thi.

Thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) chia sẻ quan điểm về vụ việc ở Hà Giang.

Ai đã làm việc này, chỉ một cá nhân hay có cả đường dây, đến nay Bộ GDĐT chưa xác nhận cụ thể. Tuy nhiên, theo phân tích của một số chuyên gia, nếu chỉ một cá nhân, sẽ rất khó để gây nên một vụ việc rúng động dư luận xã hội như vậy.

Ngay trong đêm 17.7, ông Mai Văn Trinh (đại diện Bộ GD ĐT) đã thông tin tới báo chí kết quả bước đầu về những bất thường trong điểm thi THPT quốc gia của Hà Giang.

Theo một nguồn tin của Lao Động, việc can thiệp vào bài thi của thí sinh ở Hà Giang đã được thực hiện một cách tinh vi, có áp dụng công nghệ cao.

Cụ thể, ngày 29.6, Hà Giang bắt đầu quét bài thi trắc nghiệm gốc thành dữ liệu điện tử, rồi lưu ra đĩa CD gửi về Bộ GDĐT. Dữ liệu sao này vừa dùng để gửi về Bộ lưu, kiểm tra, đối chiếu khi cần thiết, vừa dùng để chạy phần mềm chấm thi.

Tuy nhiên, trước khi dữ liệu được gửi về Bộ, bài thi của thí sinh đã bị can thiệp bằng cách sửa trên file tài liệu. Sau đó dùng file bài thi đã bị sửa này đưa vào phần mềm chấm thi. Nhờ việc này mà điểm thi của thí sinh có thể cao chót vót. Chỉ cần người biết thủ thuật và am hiểu máy móc chấm thi trắc nghiệm là có thể dễ dàng “lách” quy chế để “hô biến” điểm của thí sinh theo mong muốn.

Đừng để điều “bất thường” trở thành “bình thường”

Đây là giả thiết thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) đưa ra khi đánh giá về vụ việc nghiêm trọng ở Hà Giang.

“Vụ việc ở Hà Giang làm dư luận xã hội buộc phải nhớ đến “vụ đồi Ngô” của Hà Tây hơn 10 năm trước và chủ trương “Hai không” (Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục). Căn bệnh đó đã “di căn” và tái phát.

Tôi cho rằng, sẽ là quá sớm khi đưa những nhận định, đánh giá đầy đủ và toàn diện về vụ việc này. Nhưng, với những thông tin sơ bộ được phát ra lúc nửa đêm từ Cục trưởng Cục quản lý chất lượng giáo dục - Bộ GDĐT cũng đủ để gây chấn động dư luận.

Rồi sẽ có nhiều cách giải thích của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia của tỉnh Hà Giang, nhưng sai phạm đó là trầm trọng” - thầy Trần Trung Hiếu chia sẻ.

Cũng theo thầy Hiếu, quy trình chấm thi trắc nghiệm hiện nay rất nghiêm ngặt và chặt chẽ với nhiều công đoạn, có sự thực thi và giám sát của nhiều người, kể cả cơ quan công an. Vậy mà sai phạm vẫn xảy ra.

“Tôi cho rằng một cá nhân không thể can thiệp để tạo nên sự thay đổi kết quả. Đó là sự cố tình sai phạm và là sự sai phạm có tổ chức. Dù chưa có thông báo chính xác và cụ thể danh sách những thí sinh có sự thay đổi kết quả điểm số so với thực lực mà dư luận nghi vấn, nhưng mong cơ quan chức năng có câu trả lời rõ cho dư luận, trường hợp thí sinh đó có con em của cán bộ, quan chức địa phương không, mục đích can thiệp để nâng điểm thi là gì?” - thầy Trần Trung Hiếu chia sẻ.

Ngoài ra, thầy Hiếu cho rằng Bộ GDĐT và các cơ quan chức năng cần rà soát lại tất cả các điểm thi ở các địa phương, xem liệu có còn một “Hà Giang” nữa hay không?

Qua sự việc Hà Giang, thầy Hiếu cũng đưa ra nhiều kiến nghị:

“Đến thời điểm này, Bộ GDĐT cần có một đánh giá trung thực và khách quan về kỳ thi THPT quốc gia sau 2 năm thay đổi từ hình thức thi tự luận sang hình thức thi trắc nghiệm. Ưu điểm thì người ta đã nói nhiều, khen nhiều. Còn những khuyết điểm và sự bất cập của hình thức thi trắc nghiệm này đã có cơ hội “phô diễn”.

Diễn biến của “vụ Hà Giang” có thể sẽ còn thêm nhiều tình tiết phức tạp nhưng cần được sáng tỏ để lấy lại sự công bằng cho các thí sinh.

Tôi ghi nhận sự chỉ đạo kịp thời của Bộ GDĐT và mong Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia tỉnh Hà Giang nhanh chóng minh bạch những sai phạm để xử lý một cách sòng phẳng “lợi ích nhóm” của một nhóm người trên tinh thần “thượng tôn pháp luật”. Đừng để điều “bất thường” trở thành “bình thường”.

Chia sẻ

Theo

Lao Động

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất