Học đường

Động lực của nữ sinh 2000 có bố mất vì ung thư, mẹ chỉ ngủ 2 tiếng/ngày để nuôi con ăn học

Theo Helino
Chia sẻ

Khánh Duyên nhủ lòng: "Cứ lạc quan lên mọi thứ sẽ trôi qua hết". Cuối cấp 3, nữ sinh đạt điểm phẩy cao đứng thứ 4 trong lớp và dự định sẽ thi khối ngành Kinh tế trong kỳ thi THPT Quốc gia sắp đến.

Trường THPT Tây Thạnh (TP.HCM) nằm trên con đường nhỏ rợp bóng cây của quận Tân Phú. Những ngã rẽ quanh trường dẫn vào các khu dân cư yên tĩnh, nơi các ngôi nhà cao tầng khang trang tựa lưng nhau san sát. Nhịp sống thành thị không quá rõ nét ở nơi này song cách đó chỉ vài bước chân, bạn sẽ cực kỳ khó khăn để băng qua con đường hai chiều xe chạy. Xe máy, xe tải, taxi dập dìu.

Chúng tôi có mặt ở đây vì nặng lòng với đôi dòng ngắn ngủi: “Năm em học lớp 7 ba mất vì ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Một mình mẹ nuôi 2 anh em ăn học. Anh trai đang là sinh viên năm cuối ĐH Bách Khoa. Mẹ bán hàng ăn gần nhà nên thu nhập không ổn định”.

“Em” trong câu chuyện ấy là Trần Khánh Duyên (sinh năm 2000), học sinh lớp 12 trường THPT Tây Thạnh. Duyên là một trong những sĩ tử tham dự kỳ thi THPT Quốc gia sắp đến.

Khánh Duyên, nữ sinh nhà nghèo học giỏi, sắp tham dự kỳ thi THPT Quốc gia.

Vượt lên hoàn cảnh khó khăn, Duyên nhiều năm liền đạt danh hiệu HSG. Điểm phẩy tổng cuối học kỳ 2 năm lớp 12 của nữ sinh là 8,8. Theo chân nữ sinh về nhà sau giờ tan học, ánh mắt sáng và nụ cười má lúm duyên dáng của Duyên khiến những người lần đầu gặp em cảm mến thật nhiều.

Từ đường lớn rẽ vào hẻm. Từ hẻm lớn rẽ vào hẻm nhỏ. Từ hẻm nhỏ đi bộ đến cuối đường. Căn phòng thuê của mẹ con Duyên hiện ra trước mắt. Chẳng ai bảo ai câu nào nhưng khoảnh khắc ấy chúng tôi chợt hiểu rằng: Lời kể đôi khi khiến mọi thứ trở nên nhẹ nhàng. Còn thực tế cuộc sống, nó khắc nghiệt hơn nhiều.

18 năm ở Sài Gòn, không gian sinh hoạt riêng và điều hoà là thứ xa xỉ

Ba mẹ Duyên là người quê gốc Nam Định vào Sài Gòn sinh sống đã lâu. Chỉ 1 tuần trước lễ tổng kết năm lớp 7, Duyên khóc không ra tiếng khi căn bệnh ung thư khiến mình trở thành trẻ mồ côi.

Chị Trần Thị Quyên (sinh năm 1975) trở vào Nam sau 49 ngày ma chay chồng và bắt đầu vật lộn với cuộc sống chỉ có hai bàn tay trắng, số nợ hơn 100 triệu đồng và tương lai của 2 đứa con. Đó là năm Duyên vừa lên lớp 8 còn anh trai mới vào đại học.

Chơi vơi cả về tinh thần lẫn kinh tế, nhưng chị Quyên quyết tâm không để cho đứa nào phải thất học.

Căn nhà mà 3 mẹ con Duyên đang ở thuê với mức giá 2,5 triệu đồng có bề ngang gói ghém trong vài ô gạch. Gian phòng lợp mái tôn được cơi nới ra từ bên hông căn nhà 2 tầng kiên cố của người ta. Bên dưới là bếp, phía trên là nơi ngủ của 3 mẹ con. Không gian sinh hoạt riêng, điều hoà, TV là thứ xa xỉ trong căn nhà này.

Lối vào nhà Duyên.

Căn phòng trọ với chiều ngang chỉ vài ô gạch là nơi cả ba người trong gia đình Duyên sinh sống.

Ba mẹ con Duyên ở lại trong sự chới với cả về tinh thần lẫn kinh tế.

Món đồ giá trị nhất của ba mẹ con có lẽ là cái tủ lạnh toshiba để trữ thức ăn và nguyên liệu để chị Quyên nấu bánh bèo, bánh lọc mang đi bán. Đó cũng là kế sinh nhai của gia đình 3 miệng ăn giữa Sài Gòn.

Ngồi trong nhà giữa trưa mồ hôi rịn ra ướt đẫm chân tóc, lưng áo lúc nào cũng nhèm nhẹp. Nhưng, họ vẫn sống. Người lớn thì lo kiếm tiền, người nhỏ lo việc học.

“Mình không học thêm nhưng cũng xếp thứ 4 trong lớp. Môn nào mình cũng học được và sức học đều đều nhau. Xét trong 3 môn tổ hợp để thi khối A1 thì mình giỏi Toán với Anh nhất. Mình tự học từ nhỏ đến lớn. Cứ nghĩ cứ lạc quan lên rồi mọi thứ sẽ trôi qua hết”, Duyên tâm sự.

“Trên lớp, mình chú ý nghe thầy cô giảng bài. Nếu bạn để ý thì mọi kiến thức đều đã có đủ trong lời giảng của giáo viên. Về nhà, nếu muốn tìm hiểu thêm thì mình lên mạng đọc tài liệu. Anh trai mình học năm cuối Bách Khoa và cũng đã bắt đầu đi thực tập rồi. Anh không ở nhà nhiều nhưng anh rất hiền và sống thoải mái. Cả hai anh em mình đều có ý thức tự học. Mẹ biết điều đó nên cũng rất an tâm về tụi mình”, nữ sinh nói tiếp.

Nữ sinh tự học vẫn có điểm tổng kết 8.8, tự tin nhất là Anh Văn và Toán.

Duyên muốn ghi danh vào Đại học Kinh tế TP.HCM khối A1 trong kỳ thi tuyển sinh năm nay. Thật khó để Duyên biết mình sẽ chọn theo nghề gì trong tương lai, chỉ có một điều chắc chắn lúc này: “Mình muốn hoàn cảnh gia đình mình sau này bớt khó khăn, cuộc sống thôi những lo toan”.

Kể về cuộc sống sau khi ba mất, mắt Duyên đỏ au. Không giỏi nén cảm xúc như con gái, chị Quyên nức nở khi nhắc đến người chồng đoản mệnh. Nước mắt rơi không ngừng giữa những đoạn kể đứt quãng không tròn lời rõ chữ. Có lẽ, đã quá lâu rồi người mẹ này mới có ai đó để sẻ chia.

Thấy mẹ khóc, Duyên ngồi bên cạnh lặng lẽ quệt vội dòng nước mắt.

Duyên ngồi bên mẹ lặng lẽ lau nước mắt. Nữ sinh nói mình thương mẹ thật nhiều.

Cô bạn đặt tay lên lưng mẹ như một hành động của sự an ủi, của tình thương.

“Mai này, mình phải là một người tự chủ, độc lập và có tiền”

Cuộc sống vừa làm bố vừa làm mẹ vừa lo ăn học, dạy dỗ các con khiến chị Quyên suy kiệt. Chị không dám dừng lại để nghỉ ngơi. Người thường ngày ngủ 8 tiếng, thời gian ngủ tối đa của chị Quyên là 2 tiếng.

Chị tâm sự nhiều lúc mình rất mệt, mệt lắm. Mệt quá thì chị kêu lên với con gái: Mẹ mệt lắm rồi không thể nào chịu nổi nữa! Mắt chị cứ cứng đờ ra. Kiệt sức, chị Quyên phải ngủ tạm bên đống nguyên liệu đang làm dang dở rồi bật dậy làm luôn chân luôn tay với suy nghĩ: Nếu ngày hôm ấy không ra chợ buôn gánh bán bưng thì các con sẽ ra sao?

Chị Quyên không dám dừng làm việc vì sợ các con sẽ đói.

Không kể xiết những đêm chị Quyên lặng lẽ nhủ lòng cố gắng, rồi lại lặng lẽ khóc cho phận mình lúc đêm khuya nhào bột làm bánh nấu nhân… khi các con đang ngủ.

“Biết phải làm sao?”, câu hỏi của chị làm người nghe bối rối vô cùng.

Nhưng ông trời không lấy của ai tất cả. Có thể kinh tế gia đình chị Quyên không được sung túc, chị cũng thiếu đi tình yêu thương của chồng nhưng bù lại, chị còn 2 đứa con. Đứa con nào của chị cũng ngoan, cũng lo học. Đó là niềm động viên lớn của người mẹ sau những ngày chỉ chợp mắt 2 tiếng.

“Chị nghĩ mình nghèo, cuộc sống khó khăn nhưng hai con học hành như vậy chị cảm thấy cũng được an ủi rất nhiều. Nếu Duyên lên đại học mà không có tiền đóng học phí, chị cũng vay mượn cho em đến trường”, người mẹ có tư tưởng đáng quý.

Khi ý thức được mình không có gì khác ngoài tình thương thì đó sẽ trở thành thứ động lực thôi thúc bản thân hành động hay đổi cuộc sống mạnh mẽ hơn bất cứ điều gì khác. Và Quyên cũng vậy.

Tình thương của mẹ là động lực để Duyên cố gắng không ngừng.

“Tình thương và sự hi sinh của mẹ trở thành động lực cho mình trong việc học. Mình không quan trọng chuyện phải mua sách mới vào đầu mỗi học kỳ. Mình chỉ có 2 bộ đồng phục mặc từ lớp 10 đến lớp 12. Khi nhà không có cơm, mẹ cho 15-20k ăn sáng, mình rất ít khi ăn hết số tiền đó. Mình dành dụm để trang trải cho những khoản lặt vặt như photo tài liệu, đóng quỹ lớp…”, Quyên nói, “Mai này, mình phải là một người tự chủ, độc lập và có tiền”.

Vì sao phải có tiền?

“Không có tiền, mình bị coi thường và cảm thấy rất là tủi thân. Đi ra ngoài, luôn luôn cảm nhận được những ánh nhìn rất khác biệt hướng về phía mình. Nó khiến mình nghĩ rằng sau này phải có tiền, có thật nhiều tiền để thay đổi hoàn cảnh sống. Nhiều người nói tiền không quan trọng, nhưng đối với mình nó rất quan trọng. Nó giống như một thứ quyết định vậy”, Duyên đáp.

Mắt Duyên ngậm nước khi nói về những bất công khi gia đình mình quá nghèo.

“Năm em học lớp 7 ba mất vì ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Một mình mẹ nuôi 2 anh em ăn học…”

Không lựa chọn được nơi mình sinh ra, hoàn cảnh sống nhưng có lẽ Duyên sẽ là người viết lên những chương mới tươi sáng hơn trong cuộc đời mình bằng tinh thần ham học và ý chí cầu tiến. Chúc Duyên đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp đến!

Số phận là do ông trời sắp đặt nhưng tương lai là do Duyên vẽ nên.

Chia sẻ

Bài viết

Theo Helino

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
tag-icon
Tin mới nhất