Học đường

Nam sinh viên vay app 'tín dụng đen', bố phải bán đất trả nợ

Theo Công An Nhân Dân
Chia sẻ

Sau khi “nướng” hết tiền học phí vào cá độ bóng đá, V. tìm đến hàng chục app “tín dụng đen” để vay tiền. Lãi mẹ đẻ lãi con, đến khi không có khả năng chi trả, nam sinh này phải về quê cầu cứu gia đình.

Vay tiền qua app đang dần trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người khi lỡ “mượn” tiền trên các ứng dụng online nhưng chưa kịp hoàn trả. Câu chuyện của nữ sinh ở TP.Hồ Chí Minh do thiếu tiền học phí đã vay các app “tín dụng đen” và nợ số tiền lên tới 300 triệu đồng vừa qua là lời cảnh tỉnh cho các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên sống xa gia đình.

Học sinh, sinh viên là lứa tuổi chưa làm ra tiền, lại dễ bị dụ dỗ. Các app vay tiền lãi suất cao đã đánh vào tâm lý này, và người chịu hậu quả không ai khác chính là các bậc phụ huynh, cha mẹ.

Câu chuyện của V. (25 tuổi, Bắc Ninh) là một ví dụ. Ở tuổi của V. nếu học hành nghiêm túc và không sa đà vào cá độ bóng đá, cậu đã là một chuyên gia công nghệ thông tin. Tuy nhiên, khi lên Hà Nội học đại học, V. đã sa đà vào cá độ bóng đá và “nướng” tất cả số tiền học phí vào đó. Hậu quả, khi không có tiền đóng học phí, V. bị nợ môn. Mấy năm đầu học đại học không sao, nhưng đến năm cuối thì V. mới bắt đầu lo lắng.

Nam sinh viên vay app 'tín dụng đen', bố phải bán đất trả nợ Ảnh 1

Đường cùng, V. bắt đầu tìm cách xoay xở tiền bạc và nhanh chóng tìm đến tín dụng đen. Để có đóng học phí thi các môn còn nợ, V. vay một lúc cả chục app. Song, không những không trả nợ được môn, V. liên tiếp bị các app “đen” bủa vây đòi nợ.

Bị “khủng bố”, nam sinh viên sống chui sống lủi, ở nhờ hết nhà trọ của bạn này đến bạn khác nhằm tránh các con nợ truy tìm. Tuy nhiên nhóm “tín dụng đen” đã tìm đến trường đại học, lấy ảnh V. dán ở cổng, đồng thời gọi điện cả cho thầy giáo của V. để thông báo về khoản nợ.

Vậy là sau 7 năm V. vẫn chưa thể ra trường, giờ đây còn nợ cả chục app vay nặng lãi số tiền mấy trăm triệu đồng. Không còn cách nào khác, V. đành về quê và thú thật với bố mẹ. Để cứu con, gia đình V. đã phải bán mảnh đất giãn dân ở quê lấy tiền trả nợ. Sau khi được cha mẹ trả nợ, V. vẫn chưa thể tốt nghiệp đại học vì còn nợ môn. Hiện tại, để có tiền trang trải thêm, hàng ngày V. đi làm shipper cho một người bạn bán hàng online.

Trước thực trạng nhiều sinh viên mắc bẫy “tín dụng đen”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hoài Linh, Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, có nhiều lý do để các em tìm đến “tín dụng đen”, đó là do các em vẫn còn non nớt, vừa mới rời vòng tay của bố mẹ, phải tự lập cho cuộc sống trong khi hiểu biết và kỹ năng sống được trang bị rất ít; thiếu kiến thức về quản lý tài chính cá nhân, đặc biệt chưa biết cân đối thu chi, rất dễ dẫn đến thâm hụt tiền… Để rồi sau đó bị “tín dụng đen” lôi kéo vay mượn.

Trước vấn nạn “tín dụng đen” bủa vây sinh viên, các phòng/ban quản lý sinh viên, phòng truyền thông của nhà trường cần tuyên truyền để nâng cao hiểu biết cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên mới.

Bên cạnh đó, bản thân các bạn sinh viên hãy chủ động học hỏi và rèn luyện kỹ năng sống để không bị rơi vào bẫy “tín dụng đen”. Trong trường hợp không may vướng vào, hãy bình tĩnh chia sẻ với người thân và bạn bè. Tuyệt đối không giấu giếm vì càng để lâu, sự việc càng phức tạp, thậm chí nếu tình hình xấu phải chủ động đến cơ quan Công an để trình báo.

Chia sẻ

Theo

Công An Nhân Dân

Nguồn bài viết

Tin mới nhất