Học đường

Có một sự thật nghiệt ngã là: Áp lực phải đỗ đại học không đáng sợ bằng 'combo' hậu đại học: Nghèo + Thất nghiệp + Thất tình

Theo Trí Thức Trẻ
Chia sẻ

Nguy cơ thất nghiệp, túng quẫn, chia tay người yêu, bị bố mẹ giục lập gia đình… - những thứ đến ngay sau khi nhận tấm bằng cử nhân cho thấy "hậu Đại học" mới là thứ thực sự đáng sợ.

Có một thực tế phải thừa nhận rằng dù đã thay đổi tư duy khá nhiều, xã hội vẫn xem đỗ Đại học là một điều gì đó to tát và quan trọng.

Không chỉ là bàn đạp cho cuộc đời sau này, Đại học còn được xã hội xem như một thứ điểm trang, thậm chí nhiều nơi vẫn coi đỗ Đại học là chỉ dấu cho sự hiếu học và danh giá của một gia đình hay một dòng họ.

Thế nên áp lực đỗ Đại học đè lên vai học sinh nặng nề không kém sức nặng của bầu trời trên vai thần Atlas.

“Phải đỗ Đại học”, đó vừa là mục tiêu, vừa là nghĩa vụ, vừa là mệnh lệnh phải chấp hành.

Tôi rất kinh hãi quãng thời gian ôn thi Đại học: những buổi lên lớp triền miên, những đêm ôn thi đến thâm quầng cả mắt, thần kinh căng thẳng, nơm nớp lo sợ. Trong đầu thậm chí còn vẽ ra đủ thứ kịch bản tồi tệ nếu không đỗ Đại học…

Cho đến bây giờ, khi đã tốt nghiệp Đại học được 3 năm, tôi vẫn không hiểu vì sao mình có thể vượt qua được giai đoạn đó.

Vì thế, tôi rất bức xúc khi có ai đó nói “thời học sinh là thời vô lo vô ưu…”. Vô lo vô ưu cái gì cơ chứ? Lo học, lo thi như một cuộc chiến cam go thực sự. Ắt hẳn tâm lý sĩ tử nào cũng đau đáu một nỗi: “Thi trượt Đại học thì xác định cuộc đời tăm tối”. Có ai chưa đọc những tin tức về học sinh tự tử vì trượt Đại học không? Năm nào cũng có đấy!

- Nhưng “hậu Đại học” còn kinh sợ hơn… -

Áp lực vào được Đại học là đã kinh khủng nhưng áp lực sau khi tốt nghiệp Đại học còn kinh khủng hơn.

4 năm ăn học, kinh phí đã có cha mẹ chu cấp, dù ít dù nhiều, nhưng sau ngày nhận tấm bằng cử nhân, nguồn “viện trợ” này lập tức bị cắt. Với những sinh viên chỉ quen “ăn và học”, mất nguồn viện trợ từ cha mẹ đồng nghĩa với khó khăn bủa vây.

“Đói thì đầu gối phải bò”, hậu Đại học là những chuỗi ngày lang thang rải CV tìm việc. Không ít người dành hàng tháng trời đi rải hàng chục CV mà vẫn không được nơi nào gọi đến phỏng vấn.

Hết tiền sinh hoạt nhưng không dám về quê “ăn bám” cha mẹ thêm nữa, người ta đành phải làm nghề tay trái để kiếm sống. Có người làm bồi bàn, có người chạy xe ôm, có người xin vào làm công nhân trong khu công nghiệp, hàng tháng nhận “đồng lương chết đói”, nhưng không làm thì không được.

Buồn bã, chán nản, ủ rũ, tuyệt vọng… những cảm xúc này ai rồi cũng sẽ nếm đủ. Nhất là khi nhìn sang những bạn bè xưa được cha mẹ xin cho một chỗ làm trong cơ quan nhà nước. Ờ, rõ ràng chúng học kém hơn mình, vì sao lại có cuộc sống tốt hơn mình đến vậy?

Bấy giờ người ta mới hiểu thế nào là đời, là thế, là lực, là bất công, là nghịch lý. Bấy giờ, bao ước mơ, dự định, bao tương lai vẽ vời… mới chính thức sụp đổ tan tành mây khói.

Tấm bằng Đại học để im trong rương gỗ - niềm tự hào ngày nào - phút chốc hóa thành lời mỉa mai đầy cay đắng.

Nhưng chưa hết…

Người ta yêu một thuở trên giảng đường, “một ngày đẹp trời” bỗng nói lời chia tay đầy cương quyết. Người nói không thể đợi đến ngày ta thành sự nghiệp. Dù không muốn nhưng có thể không chấp nhận không? Tình yêu, vốn dĩ không phải chỉ yêu là đủ được.

Vậy là combo “nghèo + thất nghiệp + thất tình” đều đủ cả. Nếu nói như Trịnh Công Sơn “hãy đi đến cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa” thì hỏi mấy ai có thể bình tâm để chiêm ngưỡng vẻ đẹp này?

Cô đơn là một “đặc sản” của thời hậu Đại học. Là khi đi làm về, không muốn tự tay nấu một bữa cơm, đành nuốt tạm bát bún ngoài quán cho qua bữa. Là khi buồn chán, muốn tụ tập bạn bè uống một trận say đã đời nhưng chợt nhận ra bạn bè thân thiết nhất đều đã mỗi người một phương. Là khi lúc tuyệt vọng, mở điện thoại ra, lướt một lượt danh bạ nhưng không biết gọi cho ai và nói gì…

Hà Nội có những đêm không ngủ, lấy xe máy lượn khắp phố phường, đốt thuốc một mình, giấu kín tâm sự để cho mọi người thấy rằng mình đang ổn.

Hậu Đại học chính là như vậy, là chênh vênh, là day dứt, là những tháng ngày vật lộn mưu sinh. Nếu so sánh với những áp lực phải đỗ Đại học năm xưa thì lo lắng ấy quả thực không đáng nhắc đến nữa.

(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)

Chia sẻ

Theo

Trí Thức Trẻ

Tin mới nhất