Học đường

Cô giáo đưa ngôn ngữ teencode vào trong bài tập Tiếng Việt khiến học sinh được phen dịch 'mệt nghỉ'

Nhật Minh - CTV
Chia sẻ

Thay vì chọn các câu hỏi bình thường thì cô giáo này lại quyết định "chơi lớn", đưa hẳn câu hỏi dạng teencode vào trong bài tập Tiếng Việt dành cho học sinh. Có lẽ, phải mất kha khá thời gian các bạn học sinh mới dịch được ý nghĩa trọn vẹn của cả câu này đấy!

Đối với những cô cậu 8X, 9X thì lối viết chữ teencode chắc hẳn đã không còn là cụm từ quá đỗi xa lạ. Còn nhớ cách đây hàng chục năm, khi mà các diễn đàn internet hay điện thoại bắt đầu được sử dụng phổ biến hơn tại Việt Nam thì nhiều bạn trẻ vào thời điểm đó đã sáng chế ra ngôn ngữ teencode, một phần để thể hiện bản thân, phần khác nhằm để qua mắt các ông bố, bà mẹ của mình.

Tuy nhiên việc sử dụng ngôn ngữ này sau đó bị lên án mạnh mẽ và dần được xóa bỏ. Thế nhưng ngày nay, trong một số trường hợp nào đó thì ngôn ngữ này vẫn thỉnh thoảng được xuất hiện. Điển hình như hình ảnh ghi lại quang cảnh một buổi học đang được cư dân mạng lan truyền trên mạng xã hội mới đây.

Cụ thể nhằm tạo sự hứng thú cho học sinh của mình trong tiết học cũng như là nâng cao khả năng Tiếng Việt thì cô giáo này đã đưa chữ teencode vào trong đề của một bài tập Tiếng Việt. Theo đó, nữ giáo viên này đã yêu cầu học sinh nhận xét những câu đã cho bên dưới về ngữ pháp cũng như cách hành văn, viết câu.

Bài tập Tiếng Việt, trong đó có câu số 4 khiến các bạn trẻ được một phen cười xỉu. Ảnh: Trường Người Ta

Cụ thể, đề của bài tập Tiếng Việt này như sau:

“Nhận xét về những câu sau:

Câu 1: Khi ra pháp trường, anh ấy vẫn hiên ngang đến phút chót lọt.

Câu 2: Truyện Kiều của Nguyễn Du đã nêu cao tư tưởng nhân đạo hết sức là cao đẹp

Câu 3: Tình cảm của tác giả đối với non sông đất nước, đồng bào trong nước, kiều bào ở nước ngoài tuy xa nhưng vẫn nhớ về Tổ quốc.

Câu 4: ThiẾU zẮng a 3 hUmz e k thỂ shỐng thÊm 1 fÚt jÂy nÀo nỮa”.

Có thể thấy được rằng, từ câu 1 đến 3 đều là những câu bình luận văn học thông thường, thế nhưng sang đến câu 4 thì chẳng khác nào đang đọc một loại ngôn ngữ ở hành tinh xa lạ nào đó. Thế nhưng đối với những bạn đã từng sử dụng qua kiểu ngôn ngữ teencode thì câu số 4 cũng không quá để khó hiểu, tạm dịch là “Thiếu vắng anh 3 hôm, em không thể sống thêm 1 phút giây nào nữa”.

Quay trở lại với bài tập Tiếng Việt mà cô giáo đưa ra thì thực chất, bài tập dạng này cũng không hề quá khó và khá phổ biến trong các tiết Ngữ Văn trên lớp. Việc của học sinh chỉ cần tìm ra những lỗi sai, điểm bất hợp lý trong câu. Cụ thể với câu 1, tác giả đã sai khi sử dụng từ “chót lọt” mà thay vào đó đúng hơn phải là “cuối cùng”.

Tương tự ở câu 2, việc sử dụng từ “cao đẹp” ở cuối câu đã tạo nên lỗi lặp từ trong cùng một câu (cao – cao), thay vào đó, học sinh có thể bỏ hẳn cụm từ “hết sức cao đẹp” hoặc thay thế “cao đẹp” bằng một cụm từ khác hợp lý hơn. Riêng ở câu 3, thì lỗi sai lớn nhất chính là thiếu đi thành phần vị ngữ trong câu khiến câu lủng củng, không trôi chảy.

Việc đưa ngôn ngữ thịnh hành với giới trẻ một thời vào trong bài tập Tiếng Việt của cô giáo đã tạo nên sự thích thú từ phía các cô cậu học trò. Đa phần người dùng đều cho rằng, chính những bài tập như trên sẽ phần nào giúp các em học sinh nhận thức được tầm quan trọng cũng như vẻ đẹp của Tiếng Việt, thay vì biến thể chúng theo một phong cách khác.

Chia sẻ

Bài viết

Nhật Minh - CTV

Tin mới nhất