Học đường

Chàng sinh viên từng mắc chứng bại não và hành trình chinh phục giấc mơ Đại học đầy bất ngờ

Yến Nguyễn
Chia sẻ

Những tưởng cậu bé mắc bệnh bại não ngày nào sẽ không thể bước tiếp trên con đường học vấn, thế nhưng, ngày ngày, người ta vẫn thấy cậu bé này ngồi sau xe ba mẹ đến trường, cứ thế, hết mẫu giáo, Tấn Anh vẫn tiếp tục vào cấp 1, rồi cấp 2, cấp 3 và... tiến thẳng vào Đại học.

Từ cậu bé bại não trở thành sinh viên Đại học trong sự ngỡ ngàng của bao người

Lê Ngọc Tấn Anh (1998, sinh viên khoa Lịch Sử, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM) được biết đến là cậu sinh viên bị bại não từ nhỏ, nhưng với nghị lực của mình, Tấn Anh đã quyết tâm chinh phục giấc mơ đậu đại học trước sự ngỡ ngàng xen lẫn ngưỡng mộ của bao người.

Có lẽ, bất kì ai gặp Tấn Anh lần đầu cũng sẽ ấn tượng về một cậu bạn với dáng vẻ hiền lành nhưng luôn lạc quan, tươi cười khiến người bên cạnh cũng cảm thấy tươi mới, tràn đầy sức sống.

Cậu sinh viên Lê Ngọc Tấn Anh.

Nhìn Tấn Anh như thế, ít ai biết được, cậu bạn từng mắc bệnh bại não từ khi mới lọt lòng được một tuần. “Mình nghe mẹ kể lại, khi mình mới sinh được khoảng 1 tuần thì bị sốt cao và lên cơn co giật hoài. Ban đầu, ba mẹ cũng chủ quan nên không đưa đi khám. Đến lúc mẹ phát hiện tay chân mình không vận động được, bị đơ, thậm chí, mình không thể lật người như những đứa trẻ khác thì mới tá hỏa đưa lên Sài Gòn khám. Lúc này, bác sĩ kết luận mình bị bại não, mắt mình bị ảnh hưởng, đôi chân của mình dần teo tóp lại, cũng từ đó trở đi, mình dần “làm bạn” với… chiếc xe lăn , Tấn Anh nhớ lại.

Những ngày tháng sau đó, tất cả mọi sinh hoạt của Tấn Anh đều phải nhờ đến sự trợ giúp của ba mẹ. Đến tuổi đi học mẫu giáo, ba mẹ vẫn gửi cậu bạn đến trường để vui chơi cùng bạn bè, thế nhưng, trong tư tưởng của những người làm cha mẹ, giáo viên ở trường đều nghĩ rằng, Tấn Anh chỉ “đến lớp cho vui, chứ chẳng học hành gì được”.

Dù đôi chân khuyết tật, không thể tham gia thể thao như các bạn, nhưng Tấn Anh vẫn có mặt để cổ vũ tinh thần các thành viên trong lớp tại các buổi thi đấu thể thao.

Những tưởng cậu bé “học cho vui” ngày nào sẽ không thể bước tiếp trên con đường học vấn, thế nhưng, người ta vẫn thấy cậu bé này ngồi sau xe ba mẹ đến trường mỗi ngày, cứ thế, hết mẫu giáo, Tấn Anh vẫn tiếp tục vào lớp 1 cùng bạn bè, rồi cấp 2, cấp 3 và…tiến thẳng vào Đại học.

“Từ lớp 1 đến lớp 5, mình học khá tệ so với bạn bè, bởi hồi đó não mình phát triển chậm hơn so với các đồng trang lứa. Thậm chí, năm lớp 6, mình phải nghỉ học hẳn 1 năm để cùng mẹ trở lại bệnh viện để tập vật lí trị liệu. Hầu như khắp bệnh viện ở Sài Gòn, mình và mẹ đều đã đặt chân đến”, Tấn Anh chia sẻ.

Theo Tấn Anh, cũng nhờ sự cố gắng này, sau khi học lại lớp 6 đến hết thời THPT, học lực và trí não của Tấn Anh trở nên khá lên rất nhiều. Thậm chí, cậu bạn còn tìm thấy niềm đam mê với khối khoa học xã hội và học khá tốt ở lớp.

Tấn Anh được biết đến là cậu sinh viên có học lực tốt tại lớp Lịch sử.

Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Tấn Anh đạt 23 điểm (văn 5, lịch sử 9, địa 9). Trước đó, dự định của Tấn Anh sẽ đăng ký vào ngành báo chí của trường DDHKHXH&NV TP.HCM. Tuy nhiên, do không đủ điểm vào ngành học này nên Tấn Anh đã đổi nguyện vọng và chọn ngành lịch sử, một ngành mà chàng trai này vốn đã yêu thích từ thời phổ thông.

Từng phải đấu tranh với mẹ để chọn ngành học yêu thích

Vì mang trong mình căn bệnh này nên suốt 18 năm qua, Tấn Anh gặp rất nhiều trở ngại. Mọi sinh hoạt đi lại, ăn uống, vệ sinh cá nhân… đều rất khó khăn và cậu không thể tự mình làm hết được mọi việc.

Chính vì thế, khi Tấn Anh rời quê nhà từ Đồng Nai lên TP.HCM học tập, sinh sống cũng chính là lúc người cha của cậu bạn là chú Lê Ngọc Pháp (50 tuổi, cha Tấn Anh) khăn gói theo con lên TP.HCM.

Chiếc xe lăn là “người bạn” đồng hành cùng Tấn Anh suốt nhiều năm nay.

Hiện tại, ký túc xá ĐHQG TP.HCM (khu A) đã tạo điều kiện để Tấn Anh ở cùng cha để để tiện cho việc chăm sóc, đưa đón Tấn Anh đi học. Hằng ngày, chú Pháp sẽ dậy đi mua đồ ăn sáng cho Tấn Anh, đưa Tấn Anh đi học rồi tranh thủ đi làm. Hôm nào bận công việc quá, chú Pháp đành gửi gắm Tấn Anh nhờ bạn bè cùng lớp đưa đi đón về.

Kể về hành trình chinh phục giấc mơ vào ĐH với ngôi trường, ngành học mình yêu thích, Tấn Anh cho biết: “Ngày trước, mẹ mình đã phản đối kịch liệt việc mình dự thi vào khối ngành xã hội. Theo suy nghĩ của mẹ mình lúc đó, khối ngành xã hội sẽ rất ít cơ hội việc làm sau khi ra trường, hơn nữa, bản thân mình lại là người khuyết tật, không thể đi lại được thì không thể phù hợp với khối ngành này”. 

Cũng theo Tấn Anh, khi ấy, mẹ của cậu bạn định hướng cho Tấn Anh dự thi vào ngành Công nghệ thông tin, bởi khối ngành này sẽ có tương lai và phù hợp với một người khó khăn trong việc vận động như Tấn Anh.

Tấn Anh cũng bạn bè trong lớp.

Tuy nhiên, vốn dĩ Tấn Anh hiểu rõ bản thân yêu thích và mạnh ở khối ngành nào, vì thế, cậu bạn đã đấu tranh với mẹ để quyết tâm thi vào trường ĐHKHXH&NV TP.HCM.

“Mẹ và mình có thời gian rất căng thẳng, nhất là khi mình thông báo sẽ đăng ký ngành Lịch sử của ngôi trường mình đang theo học, 2 mẹ con khá nhiều lần bất đồng. Ngày mình làm đơn phiếu đăng ký thi THPT phải nộp lén mẹ, đến khi biết chuyện, mẹ rất giận, thậm chí, suốt 1 tuần trời, mẹ chẳng thèm nói chuyện với mình”, Tấn Anh nhớ lại.

Đến bây giờ, khi thấy con trai tự tin và đam mê với ngành đang theo học, mẹ Tấn Anh đã dần chấp nhận và ủng hộ. Với Tuấn Anh, để mang lại sự tin tưởng cho mẹ, cậu bạn đã nỗ lực và cố gắng rất nhiều trong học tập. Chính vì thế, suốt một năm học qua, Tấn Anh ở lớp luôn là cậu sinh viên đứng đầu lớp, được thầy cô yêu mến, bạn bè ngưỡng mộ. Kết thúc năm học đầu tiên, Tấn Anh đạt số điểm tương đối cao, ngoài ra, trong năm học, cậu bạn còn giành được suất học bổng dành cho sinh viên khuyết tật vượt khó để phần nào giúp đỡ cha mẹ.

Tấn Anh sinh ra trong gia đình có 3 anh chị em, là anh cả, có 2 em gái, 1 đứa lớp 12, 1 đứa học lớp 5. Thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, nỗi vất vả cực nhọc của cha mẹ, Tấn Anh luôn tự hứa với bản thân sẽ coi việc học không chỉ là đam mê mà còn là trách nhiệm.

“Dù mình là một người bị khiếm khuyết cơ thể, gia đình lại không khá giả nhưng mình được bố mẹ hết mực tạo điều kiện để học hành đến nơi đến chốn, điều này khiến mình cảm thấy bản thân vẫn may mắn hơn rất nhiều người. Chính vì thế, ngay từ khi đặt chân lên Đại học, mình đã xác định phải học thật tốt, ngoài ra, mình cũng đang cố gắng để tìm học bổng, có thêm tiền lo học phí và phụ giúp một phần cho cha mẹ. ”,  Tấn Anh bộc bạch.

Chia sẻ

Bài viết

Yến Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
tag-icon
Tin mới nhất