Học đường

Cảm phục cô nữ sinh 16 tuổi tự mở quán bánh bèo, vừa kiếm tiền đi học vừa lo cho mẹ mắc bệnh nặng

Yến Nguyễn - Phương Phạm
Chia sẻ

"Vừa học vừa buôn bán, nếu tối mệt và em không học bài được thì sáng nhất định em sẽ dậy sớm để chuẩn bị bài vở. Mệt thì cũng có mệt nhưng nhìn quán đông khách hơn qua mỗi ngày, em rất vui và phấn khởi", Tố Duyên hào hứng.

Vừa từ trường về, trên người còn đang khoác bộ đồng phục nhưng cô gái Đỗ Thị Tố Duyên (16 tuổi, học sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Huệ, quận 9, TP.HCM) đã nhanh chóng bắt tay vào việc phục vụ thực khách ở tiệm ăn nhỏ mang tên Quán Lá Bánh Bèo Chén.

Quán bánh bèo này của Duyên mới mở cách đây 2 tháng và chủ quán cũng chính là cô nữ sinh. Mẹ của bạn chỉ là người phụ cô làm những việc vặt trong khoảng thời gian Duyên ở trường. Cái tên Quán Lá Bánh Bèo Chén - cụm từ thân thương cũng như phần nào, miêu tả hết sức chân thực về quán ăn: quán nhỏ, đơn sơ mộc mạc lợp từ những lá tranh nghèo.

Cô chủ nhỏ 16 tuổi luôn rạng rỡ với nụ cười trên môi.

Tuổi nhỏ nhưng gan không nhỏ

Đối với nhiều người, việc gầy dựng một quán ăn ó lẽ chỉ là suy nghĩ vụt thoáng qua nhưng đôi với Duyên, đã dám nghĩ là cô liền tìm cách biến nó trở thành hiện thực. “Trong một lần tâm sự với thầy giáo dạy môn Công nghệ, mình có than vãn với thầy rắng: “Em không biết phải làm gì mai sau”. Khi đó, thầy bảo: “Bản thân em thích gì, em muốn làm gì thì cứ mạnh dạn mà thực hiện, đừng sợ thất bại”. Mình nghĩ đó chính là động lực giúp Duyên được như ngày hôm nay”, Tố Duyên kể lại.

Suy nghĩ về câu nói động viên của thầy giáo, Duyên chợt nhớ về những ngày học cấp 2, thường cùng bạn bè đi ăn bánh bèo trước cổng trường. Món ăn dân dã này từ đó trở thành thức quà vặt yêu thích của cô bởi nó vừa ngon, lại phù hợp túi tiền. Nghĩ rộng hơn, quan sát nhiều hơn, cô thấy đây là món ăn dễ bán, được ưa chuộng để rồi, cô nữ sinh nhận ra, niềm yêu thích, con đường kiếm tiền của mình sẽ bắt đầu bằng những thứ gần gũi nhất: đó là bán món quà vặt mình và bạn bè vẫn thường ăn hàng ngày.

Mẹt bánh bèo hấp dẫn ở quán ăn của Duyên.

Duyên bàn tính với mẹ rồi cả hai quyết định vay mượn số tiền 30 triệu đồng để làm vốn dựng quán, sắm sửa bàn ghế, chén đũa…

“Sau khi xây dựng quán, mình với mẹ chỉ đủ tiền để sắm tiếp 50 cái chén, 5 cái mẹt, vài bộ bàn ghế cũ mà thôi… dần dần, khi bán được có lời lãi, mới gom góp mua thêm 50 cái chén và chục cái mẹt nữa. Cũng may mắn, hàng xóm thương nên cho mẹ con mình 2 cái nồi để hấp bánh, bạn thân của mẹ còn mái tranh để lợp mái với 2 cánh cửa, đỡ đần mẹ con mình lúc ban đầu”, Tố Duyên nhớ lại.

Mái lá này được một người bạn của mẹ thân hỗ trợ.

Thậm chí, hai nồi để hấp bánh này cũng được hàng xóm thương lòng cho mẹ con Duyên.

Khó khăn chất chồng, những ngày đầu tiên, quán mở ra còn không được suôn sẻ như mong muốn, có hôm, đến tối muộn, 2 mẹ con vẫn chưa bán hết hàng, đành nhờ người thân mua giúp để đỡ lỗ vốn.

Những ngày đầu tiên, Duyên chỉ xay 2 ống gạo nhưng vẫn không bán hết bánh, tuy nhiên, đến hiện tại, mỗi ngày Duyên có thể xay 9 đến 10 ống gạo mới đủ bột làm bánh, thậm chí, ngày nào nhiều, cô gái phải xay đến 13 ống gạo. Trung bình mỗi ngày, trừ hết các chi phí, Duyên có thể kiếm được 300.000 đồng, giúp trang trải chi phí học tập và tiền thuốc men, tái khám định kì cho mẹ.

Vị khách nhí của quán.

So với những ngày đầu, lượng khách mỗi ngày một đông.

Kết quả học tập luôn đứng hàng nhất

Dù vừa phải tất bật chuyện buôn bán, vừa phải đi học ngày 2 buổi nhưng Duyên chưa bao giờ bị tụt thứ hạng ở lớp. Cô bạn luôn là thành viên đứng đầu ở lớp, năng nổ trong các hoạt động. Bạn bè và thầy cô vô cùng yêu mến, cảm phục.

Mẹ Duyên phụ cô làm việc vặt trong khoảng thời gian ở trường.

Duy nhất 1 lần, đó cũng là ngày đầu tiên khai trương quán, vì sáng hôm đó, do chưa quen với công việc, Duyên đi xay bột về trễ nên bị muộn giờ học, bị thầy cô nhắc nhở và kiểm điểm khiến Duyên khá buồn. Tuy nhiên, kể từ ngày thứ hai trở đi, cô gái này đã cố gắng sắp xếp công việc và lấy lại “phong độ” trong học tập.

Cứ 6 giờ sáng mình dậy đi xay bột, sau đó trở về nhà thay đồ đi học, trong khoảng thời gian này mẹ ở nhà phụ giúp những công việc cần thiết như xắt hành, làm nhân bánh tôm thịt, chiên bánh mì v.v… Đến khi Duyen về là bắt đầu hấp bánh và bán hàng”

Vừa học vừa buôn bán, Duyên sắp xếp bằng cách, nếu tối mệt thì đi ngủ sớm và sáng hôm sau dậy từ canh ba học bài. Nếu không mệt, cô thức muộn hơn. Đều đều như thế, công việc và chuyện học hành dần trở thành một guồng quay. Có đôi lúc Duyên cũng thấy chân tay dã dời nhưng vì tương lai, vì lo cho mẹ, cô gái trẻ chưa lúc nào chùn bước, nản chí.

Chỉ mong mẹ luôn khỏe mạnh

Tố Duyên là cô con gái út trong một gia đình có 3 anh em, gia đình Tố Duyên trước kia là một gia đình khá giả, Tố Duyên cũng chưa từng phải lo nghĩ đến chuyện “cơm áo gạo tiền” như bây giờ. Tuy nhiên, chỉ sau một biến cố lớn, gia đình cô lâm vào cảnh bần hàn. Ba Duyên cũng rời bỏ mẹ con cô từ nhiều năm nay, chỉ còn 4 mẹ con con nương tựa vào nhau.

Duyên đang chuẩn bị những mẹt bánh mới cho khách.

Cô Tố Nga (58 tuổi), là mẹ ruột của Duyên, hiện đang mang trọng bệnh trong người, tình trạng sức khỏe cô ngày một yếu dần, không thể làm những công việc nặng nhọc. Cứ 3 tháng, cô Tố Nga phải tái khám một lần, nhưng vì nghĩ đến Tố Duyên còn ăn học, cô Tố Nga lại nén cơn đau, không đến bệnh viện.

Nhớ lại khoảng thời gian khó khăn đó, Duyên rưng rưng nước mắt: “Năm lớp 8, khi mình vừa mới thi học kì xong thì cũng là lúc mẹ nhập viện để mổ vì căn bệnh nặng. Lúc đó, mình rất sợ, chỉ biết khóc và cầu nguyện, chỉ mong chuyện tồi tệ nhất sẽ không xảy ra. Suốt 2 tháng trời, trong khi bạn bè đi chơi, đi đây đó cùng gia đình thì mình túc trực hằng ngày trong bệnh viện để lo cho mẹ. Giờ mọi chuyện đã qua, mình chỉ mong mẹ luôn khỏe mạnh, sống vui vẻ bên cạnh anh em mình mà thôi”.

Cô Tố Nga nghẹn ngào khi nhắc về cô con gái ngoan.

Ngồi cạnh chúng tôi, cô Tố Nga nghẹn ngào: “Cô thương Duyên nhiều lắm, so với bạn bè Duyên thua thiệt hơn nhiều, nhưng khi thấy con cái mình giỏi giang, biết suy nghĩ, cô tự hào vô cùng. Số cô truân chuyên, nhưng bù lại có mấy đứa con, đứa nào cũng ngoan ngoãn, yêu thương mẹ, đối với cô vậy là mãn nguyện rồi”. 

Ngước mắt nhìn xa xăm, cô Tố Nga chùng giọng: “Chỉ mong nó sớm tự lập, lỡ có làm sao, cô cũng an lòng”.

Chia sẻ

Bài viết

Yến Nguyễn - Phương Phạm

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất