Học đường

Bỗng dưng… trúng tuyển đại học!

Theo Người lao động
Chia sẻ

Nhiều thí sinh bất ngờ nhận được giấy báo trúng tuyển vào trường ĐH dù không hề đăng ký xét tuyển vào trường đó. Trò lừa đảo hay liên kết ma?

Vừa thi THPT quốc gia 2019 xong, L.N.G.H, thí sinh tại TP HCM, bất ngờ nhận được giấy báo nhập học có đóng dấu tròn của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, người ký là PGS-TS Nguyễn Văn Khang, phó hiệu trưởng.

Nhiễu thông tin trúng tuyển

Giấy báo nhập học có nội dung Học viện Công nghệ Thông tin Bách khoa (BKACAD) thông báo thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào chuyên ngành đào tạo chuyên gia lập trình viên quốc tế. Thời gian đào tạo 3 năm, hoàn thành khóa học sẽ nhận bằng kỹ sư thực hành do Trường CĐ Bách khoa Hà Nội cấp.

Phụ huynh em H. cho biết khá bất ngờ khi nhận được giấy báo nhập học khi thí sinh vừa thi THPT quốc gia, chưa có kết quả kỳ thi. Càng bất ngờ hơn khi giấy báo nhập học được gửi đến ngày 2-7 nhưng ký ngày 9-7.

Đọc giấy báo nhập học, phụ huynh càng bất ngờ bởi con dấu, chữ ký ghi của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Thông tin Bách khoa ra thông báo còn bằng cấp thì do Trường CĐ Bách khoa Hà Nội cấp. Vậy thì các đơn vị này có liên quan gì với nhau và khó hiểu đến thế?

Liên lạc theo số điện thoại ghi trên giấy báo nhập học, chúng tôi được nhân viên phòng tuyển sinh tên Lan, cho biết cơ sở tại lầu 2, số 15 Chợ Lớn, phường 11, quận 6, TP HCM là chi nhánh của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Giáo viên giảng dạy ở đây được mời từ các trường ĐH khác, học phí 2,5 triệu đồng/tháng. Chúng tôi hỏi vì sao Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đào tạo mà Trường CĐ Bách khoa Hà Nội cấp bằng thì nhân viên này không trả lời được. Chúng tôi liên lạc qua số điện thoại khác cũng được ghi trên giấy báo nhập học thì được một nhân viên nam cho biết giáo viên giảng dạy do cơ sở này là thỉnh giảng từ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ngoài ra không nói gì thêm.

Thí sinh nhận giấy báo trúng tuyển mà không hề đăng ký vào trường

Mới đây còn xuất hiện thông báo giả mạo Trường Đại học Kinh tế TP HCM để tuyển sinh chương trình đào tạo quốc tế: “Thông báo tuyển sinh chương trình cử nhân quốc tế - chương trình đào tạo liên kết doanh nghiệp quốc tế năm học 2019”. Theo thông báo giả này, trường sẽ tuyển sinh chương trình cử nhân quốc tế - chương trình đào tạo liên kết doanh nghiệp, thời gian đào tạo 2,5 năm. Đối tượng tuyển sinh là “sinh viên đạt chuẩn của trường”. Quy mô lớp học 30 sinh viên/lớp với học phí 62 triệu đồng/học viên/khóa, bao gồm phí đào tạo, tài liệu học tập, đi thực tế, đồng phục… Hình thức đăng ký đơn giản chỉ “quẹt thẻ ATM (thanh toán một lần)”. Thông báo còn bảo đảm 100% sinh viên ra trường được làm việc đúng chuyên môn tại doanh nghiệp do trường liên kết, cam kết thu nhập sau khi ra trường từ 10-12 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Ban Đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM, cho biết thời điểm này, ông thấy xuất hiện rất nhiều giấy báo nhập học, giấy báo trúng tuyển ĐH, CĐ do nhiều đơn vị gửi đến thí sinh dù các em không đăng ký xét tuyển vào những đơn vị này. Nhiều giấy báo nhập học là lừa đảo nhằm chiếm dụng tiền của những thí sinh cả tin. Việc này đã tái diễn trong nhiều năm nay nhưng rất tiếc là không có giải pháp ngăn ngừa.

Sai quy chế, thí sinh cần tỉnh táo

PGS-TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP HCM, khẳng định nhà trường không ban hành thông báo tuyển sinh và không tổ chức tuyển sinh, đào tạo chương trình nêu trên. Thông báo này đã giả chữ ký, con dấu của trường để đánh lừa người học. Nhà trường nhắc nhở người học cần tìm hiểu thông tin về các chương trình đào tạo từ nguồn thông tin chính thức của nhà trường để tránh bị các đối tượng xấu lừa đảo.

PGS-TS Nguyễn Phong Điền, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết chương trình đào tạo chuyên gia lập trình viên quốc tế do doanh nghiệp của trường tổ chức đào tạo. Đây là chương trình liên kết nước ngoài có thời gian đào tạo 3 năm, học viên khi hoàn thành được cấp chứng chỉ chứ không phải cấp bằng. Trường CĐ Bách khoa thuộc sở hữu của hệ thống doanh nghiệp do Trường ĐH Bách khoa đầu tư. Tuy nhiên, việc này lại liên quan đến Học viện Công nghệ Thông tin Bách khoa - thực chất là một trung tâm đào tạo nghề thực hành cấp chứng nhận. Ông Điền cho rằng dù sao thì việc dùng chữ ký của phó hiệu trưởng và con dấu của Trường ĐH Bách khoa ở đây là không đúng, việc này gây nhiễu thông tin về tuyển sinh và đào tạo của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Ông Cường nhận định việc gửi giấy báo trúng tuyển, giấy báo nhập học ĐH, CĐ cho thí sinh lúc này là sai quy chế vì chưa có kết quả điểm thi, chưa biết thí sinh đậu hay rớt tốt nghiệp. Để xảy ra tình trạng này là do các trường THPT, các sở giáo dục - đào tạo bán dữ liệu thông tin của các thí sinh cho các trường khó khăn trong tuyển sinh hay các địa chỉ liên kết “ma”.

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho rằng nhiều trường khó khăn trong tuyển sinh nên thường mua dữ liệu để gửi thông báo nhập học đến thí sinh. Cũng có nhiều trường ĐH, CĐ bán chỉ tiêu cho các đơn vị bên ngoài nên mới có tình trạng này.

Theo ông Sơn, thí sinh cần lưu ý đến việc tuyển sinh, với các chương trình chính quy thì địa điểm đào tạo phải tại các cơ sở chính của trường nên cần chú ý thông tin này để tránh trường hợp các đơn vị liên kết không đúng quy định mượn danh để tổ chức tuyển sinh. Ngoài ra, thí sinh cũng cần lưu ý đến thời hạn tuyển sinh theo quy định để không phải vội vàng lựa chọn trường theo các giấy thông báo tuyển sinh khi chưa đủ điều kiện trúng tuyển.

Tìm hiểu thật kỹ

TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, cho rằng do tuyển sinh rất khó khăn nên nhiều trường hiện nay “tung” ra nhiều phương thức xét tuyển và thường đưa ra rất sớm giấy báo trúng tuyển. Với trường hợp không xét tuyển nhưng lại nhận được giấy báo nhập học thì thí sinh nếu quan tâm đến ngành nghề đó thì phải tìm hiểu thật kỹ thông tin tránh trường hợp bị lừa đảo.

Chia sẻ

Bài viết

Theo Người lao động

Tin mới nhất