Học đường

Bí kíp để từ sinh viên thực tập trở thành nhân viên chính thức: Bỏ túi ngay chia sẻ từ các nhà tuyển dụng

Vương Phi
Chia sẻ

Các bạn trẻ có thể yên tâm rằng nhà tuyển dụng sẽ không bao giờ để thực tập sinh đơn độc và họ luôn sẵn sàng tạo cơ hội, tìm kiếm người phù hợp từ các "interns". Cơ hội là có thật nhưng để nắm bắt nó, bước đầu tiên cần làm là hãy tìm hiểu thật kỹ những tâm tư và nguyện vọng từ phía nhà tuyển dụng.

Trước khi tốt nghiệp, sinh viên các trường ĐH, CĐ hầu hết đều phải trải qua kỳ thực tập kéo dài từ 1 đến 3-4 tháng, tùy vào chương trình đào tạo. Đây được coi là một bước đệm để các bạn trẻ chuẩn bị hành trang, rời bỏ ghế giảng đường và chính thức gia nhập vào thị trường lao động vốn sôi động nhưng cũng luôn có nhiều khó khăn, phức tạp.

Trải qua kỳ thực tập, không ít người được doanh nghiệp đánh giá cao, ghi nhận công sức, thậm chí giữ lại để ký hợp đồng, trở thành nhân viên chính thức. Nhưng vẫn còn đó rất nhiều bạn trẻ chỉ “lặng lẽ đến rồi đi”, không hề để lại ấn tượng nào với nhà tuyển dụng và gần như, có một kỳ thực tập thất bại cả về điểm số thành tích lẫn những kinh nghiệm thực tế ghi nhận được.

Tháng 5 được xem là thời điểm “nước sôi lửa bỏng” khi nhiều bạn trẻ đã và đang bắt đầu kỳ thực tập của mình.

Vậy, điều gì đã làm nên sự khác biệt đó? Sinh viên thực tập muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, cần trang bị những kỹ năng gì?

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với 3 nhà tuyển dụng là ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch & TGĐ Le Group of Companies, Chủ tịch CLB Doanh Nhân Sáng Tạo, CEO Phương Bùi - Chủ tịch HĐQT Trung tâm Anh ngữ Aten và ThS Quản trị nhân sự, ĐH Swinburne Technology, Australia, chị Trần Thị Ngọc Thảo - công tác tại Phòng Quản lý lao động nước ngoài của một công ty Đa quốc gia tại Việt Nam.

Đừng lo lắng vì mục tiêu của nhà tuyển dụng không hề cao như bạn vẫn nghĩ

Đánh giá chung về sinh viên thực tập, ông Quốc Vinh cho rằng, trình độ của các bạn trẻ chênh lệch và ở nhiều mức độ khác nhau. Một số trường hợp cá biệt, sinh viên thực tập không theo được hoạt động của công ty, có thể do chưa thực sự nghiêm túc trong công việc, hoặc bị ảnh hưởng bởi các hoạt động khác… Tuy nhiên, chưa có sinh viên nào làm anh hưởng, rắc rối đến hoạt động của công ty. Ngoài ra, nhờ có quá trình tuyển dụng khắt khe nên công ty ông luôn chọn được những sinh viên xuất sắc.

Ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch & TGĐ Le Group of Companies, Chủ tịch CLB Doanh Nhân Sáng Tạo.

Đồng tình với quan điểm này, chị Ngọc Thảo cũng đánh giá rằng, sinh viên thực tập hiện nay, hầu hết có nền tảng khá tốt, từ kiến thức chuyên môn đến kỹ năng giao tiếp, trình độ ngoại ngữ. Hơn nữa, trong quá trình làm việc, nhiều bạn còn mạnh dạn đưa ra đề xuất cải tiến quy trình, tăng hiệu quả công việc.

Riêng CEO Phương Bùi lại cho rằng, sinh viên thực tập có thái độ tốt, tuy nhiên tinh thần học hỏi chưa cao, còn hơi bị động trong việc. Cụ thể là các bạn chưa biết phải học cái gì và học như thế nào ở môi trường thực tế.

CEO Phương Bùi (Bùi Thị Phương, SN 1989) - Chủ tịch HĐQT Trung tâm Anh ngữ Aten

“Các bạn đơn thuần chỉ làm những việc cơ bản mà bất kì ai cũng có thể làm nếu được cầm tay chỉ việc. Hầu hết các bạn sinh viên thực tập chưa suy nghĩ về lộ trình công danh hay thăng tiến mà đơn thuần chỉ coi đó là một trải nghiệm và hoàn thành nhiệm vụ với nhà trường“, CEO Phương Bùi nói.

Từ những đánh giá này, CEO Phương Bùi cho rằng, nhà tuyển dụng sẽ ưu tiên tuyển sinh viên thực tập cho các vị trí không đòi hỏi lương cao, dễ thực thi nếu được hướng dẫn, các công việc đòi hỏi nhiều năng lượng của sức trẻ.

Bên cạnh đó, Phương Bùi cũng chia sẻ thẳng thắn rằng phía nhà tuyển dụng, đôi khi không hề đặt kỳ vọng đặc biệt cho sinh viên thực tập. Điều họ trông đợi là thái độ hợp tác, chăm chỉ và chịu khó học hỏi. “Ngoài ra như cá nhân tôi thì tôi kỳ vọng tìm được nhân sự phù hợp với công ty vì thật ra, doanh nghiệp nào cũng cần người phù hợp để phát triển”.

ThS Quản trị nhân sự, ĐH Swinburne Technology, Australia, HR Manager, Công ty Control Union, chị Trần Thị Ngọc Thảo - công tác tại Phòng Quản lý lao động nước ngoài của một công ty Đa quốc gia tại Việt Nam.

Có đánh giá tốt về sinh viên thực tập nhưng ông Quốc Vinh cũng cho rằng, nhà tuyển dụng thường không đặt kỳ vọng gì đặc biệt. Thông thường, họ tuyển thực tập sinh vì cần nhân sự cho các hoạt động chuyên môn ở mực độ đơn giản. Ngoài ra, từ phía nhà tuyển dụng, họ luôn muốn sinh viên phải tự trả lời câu hỏi: mình có thể làm gì cho Công ty.

“Chúng tôi muốn sinh viên phải tự bộc lộ hết khả năng và kỹ năng để có thể sắp xếp, bố trí công việc thích hợp. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong họ làm việc nghiêm túc, cầu thị và hoàn thành công việc được giao”, ông Vinh nói.

Bạn luôn có cơ hội vì nhà tuyển dụng nào cũng muốn tìm người phù hợp từ các thực tập sinh

Theo chị Ngọc Thảo, khi sinh viên tham gia vào chương trình thực tập, tức là họ đang sở hữu cơ hội để hoàn thiện bản thân mình. Hiện nay, chương trình thực tập là một trong những hoạt động của việc tạo Thương hiệu công ty (employer branding) của các công ty. Vì thế, việc nhận thực tập sinh cho từng vị trí công ty đã thiết kế chặt chẽ và các bạn trẻ, chắc chắn không còn phải chịu cảnh “pha trà rót nước” mà sẽ nhanh chóng được hỗ trợ để làm việc như một nhân viên thực sự sau 1-2 tuần hội nhập.

“Vì thế, sinh viên cần làm việc nghiêm túc. Có như vậy, khi hoàn thành xong chương trình thực tập, họ đã “đặt được một chân vào cánh cửa công sở”.

Chị Trần Thị Ngọc Thảo.

Theo ông Vinh, sự khiêm tốn, cầu thị và khả năng nắm bắt công việc chuyên môn, tự trang bị kiến thức thực tế là cách để sinh viên có thể tự đưa mình vào vị trí chính thức.

Trong khi đó, CEO Phương Bùi cũng cho rằng, thực tập là một trong nhiều cách để nhà tuyển dụng tìm kiếm người phù hợp đồng hành với mình trong những chặng đường kế tiếp.

Là một trong những người giám sát sinh viên thực tập tại công ty, chị Ngọc Thảo và ông Quốc Vinh đều cho rằng sinh viên trẻ không nên quá lo lắng vì trong suốt quá trình thực tập, các bạn sẽ luôn có người để ý, hướng dẫn sát sao.

Theo ông Vinh, việc thực tập sinh có thể được giữ lại làm nhân viên chính thức hay không, điều đó phụ thuộc vào chính các bạn trẻ.

Riêng, CEO Phương Bùi cũng chia sẻ rằng cô thường để một “nhân viên cứng” cầm tay chỉ việc cho các bạn thực tập ở các vị trí không mất nhiều thời gian để học hỏi ví dụ như tư vấn, tổ chức các hoạt động dễ. “Nhìn chung thái độ các bạn tốt. Mình chưa thấy các bạn gây phiền hà hay rắc rối cho cty trong sự nghiệp 5 năm ở vị trí CEO”.

Riêng chị Ngọc Thảo lại tỏ ra rất thẳng thắn khi chia sẻ quan điểm “dám để các bạn trẻ làm sai”. Theo chị, việc học từ sai lầm luôn là bài học đáng giá nhất. “Dĩ nhiên mọi thứ đều có giới hạn, cái gì nhiều quá thì không còn quý nữa”.

Cơ hội “đặt chân vào cánh cửa công sở” là có thật nhưng làm sao nắm bắt được nó?

Theo chị Ngọc Thảo, việc tự ý thức và chủ động trong công việc của các bạn sinh viên được coi là tiêu chuẩn hàng đầu mà nhà tuyển dụng mong đợi. Vì vậy, khi phỏng vấn tuyển thực tập sinh, các nhà tuyển dụng sẽ hỏi nhiều câu liên quan đến thái độ, các hoạt động tập thể hoặc các chương trình xã hội mà các bạn sinh viên đã tham gia, từ đó đánh giá khả năng làm việc cũng như mức độ hòa nhập của họ.

Ngoài ra, chúng tôi cũng mong đợi sinh viên tham dự buổi phỏng vấn, ngoài việc trang bị kỹ lưỡng về kiến thức chuyên môn, phải chỉn chu cả trong trang phục lẫn hành vi ứng xử“.

Trong khi đó, ông Quốc Vinh lại cho rằng, thời gian thực tập, phía nhà tuyển dụng sẽ luôn giao việc cho các bạn trẻ theo hình thức từ thấp đến cao dần. Nhiệm vụ của sinh viên là phải cho nhà tuyển dụng thấy được nhiệt tình, mẫn cán và chấp nhận thử thách, áp lực công việc.

Có như vậy, họ sẽ được giao nhiều công việc hơn. Sinh viên thực tập muốn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng thì phải hiểu rõ công việc mà mình muốn làm; hoạt động của công ty; có thể nói cụ thể và trình bày năng lực của mình trong khi đặt mình vào các hoạt động của công ty. Khi được nhận, họ phải tham gia công việc nhiệt tình và máu lửa, hoàn thành tốt công việc được giao”, ông Quốc Vinh nói thêm.

Trong khi đó, CEO Phương Bùi cho rằng, sinh viên thực tập nếu muốn được tin tưởng cần trung thực, thẳng thắn, có thái độ tốt, chịu khó học hỏi và có sự thông minh là một lợi thế.

“Các bạn muốn ghi điểm chỉ cần cho người xung quanh thấy mỗi ngày các bạn đều trưởng thành hơn và hữu ích hơn và đóng góp ý tưởng sáng tạo… và đó là điều tuyệt vời nhất đối với nhà tuyển dụng”.

Chia sẻ

Bài viết

Vương Phi

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất