Sinh viên liều lĩnh đối diện 'tử thần' mưu sinh ở làng Đại học

Yến Nguyễn
Chia sẻ

Tranh thủ thời gian rảnh rỗi vào buổi tối cùng với số vốn ít ỏi trong tay, nhiều sinh viên chọn cho mình một vị trí ngay lề đường, bày bán những mặt hàng của riêng mình, mặc cho nguy hiểm luôn rình rập đe dọa đến tính mạng.

Hằng ngày, khoảng từ 17h trở đi, người dân sống cạnh khu vực chợ đêm (cũ) thuộc khu đô thị ĐHQG TPHCM quá quen thuộc với hình ảnh buôn bán của các bạn sinh viên đang sinh sống và học tập tại khu vực Làng Đại học Thủ Đức. Cạnh địa điểm buôn bán của các bạn là công trình nhà văn hóa sinh viên đang trong quá trình xây dựng.

Các mặt hàng đa dạng được bày bán tràn lan dọc hai bên đường, bất chấp xe buýt qua lại.

Theo quan sát của chúng tôi, các xe tải lớn chở vật liệu ra vào công trình thường xuyên. Phía bên trên, các dàn máy lớn vận hành cả ngày lẫn đêm. Mặc dù chưa có tai nạn đáng tiếc nào xảy ra nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với tính mạng của các bạn sinh viên buôn bán ở khu vực này.

Xe tải chở vật liệu ra vào công trình gần khu vực các bạn buôn bán.

Việc buôn bán lấn chiếm lòng lề đường không chỉ gây nguy hiểm mà còn khiến tài xế xe buýt lẫn người đi đường bức xúc.

Chú Nguyễn Thanh Tâm (tài xế xe buýt số 8) nói: “Ngay khu vực này có một khúc cua ngặt, lại có ổ gà lớn, chưa kể dọc 2 bên đường hàng hóa bày bán tràn lan, khách đến mua hàng dựng xe máy ngay bên cạnh các sạp hàng. Đường thì hẹp, xe thì đông, chẳng may 2 xe buýt nếu chạm nhau ở đoạn này thì giao thông lúc đó kẹt cứng. Các tài xế dù lo lắng chậm chuyến hoặc trễ giờ cũng không có cách nào để giải quyết”.

Tài xế xe buýt bày tỏ bức xúc.

Nhiều tài xế như chú Tâm hoặc chú Lê Nhựt Hiệu (tài xế xe buýt số 19) đều cho rằng, từ chiều đến đêm, lối buôn bán của sinh viên khiến đường quá chật, mỗi lần cánh tài xế qua đây đều bị kẹt. Hơn nữa, đường này có nhiều khúc lún, xe chạy qua khu vực trên hay bị rung lắc, nếu cố tình chạy sẽ va quẹt vào nhau rất nguy hiểm.Thậm chí, một vài điểm còn khuất tầm nhìn, xe qua lại 2 chiều, nếu không cẩn thận, sẽ rất dễ gây tai nạn.

Mưu sinh bất chấp hiểm nguy “hung thần” thường xuyên đe dọa, sinh viên còn phải đối diện với chuyện lực lượng dân phòng, cảnh sát cơ động đi tuần tra tịch thu hàng hóa bất cứ lúc nào. Nếu chẳng may không kịp dọn hàng, không kịp tháo chạy, hàng hóa của các bạn sẽ bị lực lượng chức trách tịch thu. Dù biết nhiều rủi ro ập đến, nhưng các bạn sinh viên vẫn liều lĩnh buôn bán.

Xe buýt lưu thông qua khu vực này nếu không cẩn thận, rất dễ va quẹt vào nhau.

Thang Thị Mi (SV năm cuối trường ĐH KHXH&NV) có thâm niên buôn bán quần áo thể thao ở lòng lề đường tại khu vực Làng Đại học suốt 3 năm qua kể, ban ngày bản thân làm công nhân thời vụ dán tem cho công ty ICD Tân Cảng - Long Bình. Đêm đến, cô và bạn thân dọn hàng và buôn bán đến 22h mới nghỉ. Ngày nào hai bạn cũng bán, chỉ khi nào trời mưa lớn hoặc những thời điểm dân phòng đi tuần tra thì ở nhà, chờ mọi việc lắng xuống thì sẽ tiếp tục kinh doanh.

Cũng giống như Mi, nhiều bạn sinh viên khác ở đây đều không có vốn lớn, không đủ tiền thuê mặt bằng trong chợ, cũng không có nhiều tiền lấy hàng về dự trữ nên đành tận dụng lề đường kinh doanh.

Mặc dù nhiều bạn rất lo sợ bị lực lượng chức năng tịch thu hàng hóa nhưng vì không phải đóng phí mặt bằng nên giúp các bạn tiết kiệm được một khoản. Do đó, tiền lãi kiếm được đủ cho các bạn đóng tiền nhà trọ, chi phí sinh hoạt khác và một phần dùng trang trải học phí.

Chia sẻ của các bạn sinh viên buôn bán tại khu vực Làng đại học Thủ Đức.

Ông Mai Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm Quản lí và Phát triển khu đô thị ĐHQG nói về vấn đề nhức nhối sinh viên lấn chiếm lòng lề đường: “Sau khi chợ đêm làng đại học ngưng hoạt động, tình hình buôn bán lấn chiếm lòng lề đường ngày càng tăng lên. Dọc theo công trình nhà văn hóa sinh viên đang trong quá trình xây dựng, rất nhiều em sinh viên tự ý lấn chiếm lòng lề đường buôn bán nhỏ lẻ, nhằm kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Khu vực này, đồng thời là trục đường lưu thông chính của các tuyến xe buýt và xe máy đi từ bến xe đến nhiều trường đại học trên địa bàn thành phố. Trước tình hình này, Ban quản lí đô thị ĐHQG TPHCM đã gửi công văn báo cáo và lập kế hoạch phối hợp với công an địa phương thị xã Dĩ An, Bình Dương để thực hiện công tác tuần tra, nhắc nhở, thu hồi tài sản và xử lý các cá nhân buôn bán lấn chiếm lòng lề đường”.

Tuy nhiên, theo lời ông Bình khó khăn gặp phải của bên trung tâm là không đủ thẩm quyền xử lí, do đó muốn xử lí triệt để, bên trung tâm phải phối hợp với địa phương. Nhưng vấn đề là lực lượng công an địa phương mỏng, không thể kiểm soát triệt để tình hình. Cụ thể là khi có mặt đội tuần tra thì tình hình lấn chiếm lòng lề đường mới được giải quyết. Còn khi lực lượng dân phòng, công an vắng mặt thì việc buôn bán lại được tiếp diễn trở lại.

“Dự kiến trong tháng 11/2017 Ban quản lí đô thị sẽ phối hợp với địa phương thu hồi, giải tỏa các hộ dân xung quanh khu vực này. Khi đó, tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường sẽ được chấm dứt hoàn toàn. Đồng thời, trục đường giao thông chính sẽ được mở rộng và phân luồng, tình hình an toàn giao thông sẽ được đảm bảo”, ông Bình nói.

Chia sẻ

Bài viết

Yến Nguyễn

Tin mới nhất