Những ngày gần đây, khi nhiệt độ môi trường có những nơi lên tới trên 40 độ C thì điều hòa, quạt máy và các thiết bị làm mát khác dường như đã trở thành vật bất li thân của các gia đình. Tuy nhiên việc sử dụng một cách “vô tội vạ” các thiết bị này, đặc biệt là máy lạnh, có thể sẽ khiến hóa đơn điện của bạn tăng phi mã vào cuối tháng.
Vậy, vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm như hiện nay, dùng điều hoà như thế nào để căn phòng vừa mát mà lại tiết kiệm điện? Dưới đây là những mẹo nhỏ có thể giúp bạn vừa làm mát căn phòng, vừa tiết kiệm điện một cách hiệu quả.
Dùng chế độ Cool, tuyệt đối không chuyển sang chế độ Dry
Nhiều người rỉ tai nhau khi dùng điều hoà hãy để ở chế độ Dry (biểu tượng hình giọt nước) thay cho chế độ Cool sẽ giúp tiết kiệm điện…gấp 10 lần. Tuy nhiên, theo các chuyên gia điện máy, vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm như thế này thì bạn hãy cài đặt ở chế độ Cool để làm mát căn phòng, tuyệt đối không cài đặt ở chế độ Dry.
Các chuyên gia khẳng định, điều hoà cài đặt ở chế độ Cool sẽ làm căn phòng mát hơn cài đặt ở chế độ Dry. Đặc biệt, trong những ngày trên nắng nóng lên tới trên 40 độ C thì chế độ Dry hầu như không có tác dụng, chúng chỉ làm căn phòng nóng và khó chịu. Theo đó, muốn căn phòng mát mẻ người dùng hãy cài đặt ở chế độ Cool để điều hoà làm việc hiệu quả nhất.
Chế độ làm lạnh nhanh không hiệu quả như bạn nghĩ
Nhiều thường có quan niệm sử dụng chế độ làm lạnh nhanh vì nghĩ rằng, chế độ này sẽ giúp nhiệt độ trong phòng có thể nhanh chóng hạ xuống tạo sự thoải mái cho người dùng. Tuy nhiên, đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm, chế độ làm lạnh nhanh theo bản chất, là việc nhanh chóng hạ nhiệt độ về 16 - 18 độ C. Việc hạ nhiệt độ về thấp như vậy không những không làm bạn thoải mái hơn, mà còn tốn khá nhiều điện, vì khi đó, máy nén sẽ hoạt động tối đa để nhiệt độ hạ sâu, và liên tục duy trì chế độ hoạt động tối đa để giữ mức nhiệt này.
Khi bạn di chuyển ngoài đường, nhiệt độ ngoài trời thường ở mức 30 - 38 độ C, do đó, khi về phòng bạn chỉ cần điều chỉnh nhiệt độ xuống khoảng 25 độ C là không khí đã dễ chịu hơn rất nhiều, vừa không khiến bạn bị sốc nhiệt. Ngoài ra, với nhiệt độ 25 độ C, thì máy nén cũng hoạt động thấp hơn, và sẽ tiết kiệm điện hơn rất nhiều so với mức nhiệt độ 16 - 18 độ C.
Cài đặt ở nhiệt độ thích hợp, không bật tắt quá nhiều
Để tiết kiệm điện năng bạn cũng không nên bật tắt điều hoà nhiều lần. Nhiều người nghĩ tiết kiệm điện bằng cách bật điều hòa đến khi nào phòng mát thì tắt đi, bật quạt cho đỡ tốn, khi nào phòng nóng tiếp tục bật lên. Thế nhưng, cách này lại tiêu tốn điện năng hơn do điều hòa phải khởi động lại nhiều lần, khiến máy hỏng nhanh hơn.
Sử dụng điều hòa kết hợp với quạt điện
Kết hợp điều hòa với quạt trần, hoặc quạt cây là một trong những biện pháp đơn giản mà hiệu quả tới không ngờ trong việc vừa làm mát căn phòng, lại vừa giúp bạn tiết kiệm phần nào công suất điện.
Theo đó, khi bật điều hoàn kết hợp với quạt, quạt sẽ giúp nâng cao khả năng lưu thông không khí lạnh ra khắp phòng, giúp vừa làm mát vừa nhanh, lại vừa giúp chúng ta dễ chịu hơn hẳn. Tuy nhiên, bạn chỉ nên sử dụng quạt trần trong khoảng từ 15 - 20 phút đầu khi mới khởi động điều hòa, sau đó nên tắt bớt, vì khi không khí trong phòng đã lạnh thì dùng quạt trần không còn hiệu quả nữa mà còn gây tốn điện.
Sử dụng các vật liệu cách nhiệt cho phòng
Quá trình hoạt động của điều hòa bị ảnh hưởng khá nhiều từ nhiệt độ bên ngoài môi trường. Vì thế để tiết kiệm điện tối đa khi sử dụng điều hòa, điều bạn cần làm là hạn chế tối đa ảnh hưởng từ nhiệt độ bên ngoài đến nhiệt độ bên trong phòng.
Phương pháp đơn giản nhất là sử dụng mái tôn lạnh cách nhiệt cho trần nhà. Các vật liệu này giúp tản ánh nắng chiếu trực tiếp xuống trần nhà, từ đó hạn chế ảnh hưởng từ nhiệt độ môi trường vào bên trong căn phòng. Ngoài ra trần nhà màu trắng, tường nhà màu trắng hoặc các đồ vật tông sáng cũng giúp cách nhiệt tốt hơn là những màu tối, vì màu tối thường hấp thu nhiệt.
Lắp đặt cục nóng đúng cách
Cục nóng thường được lắp bên ngoài trời, nhưng cần lưu ý rằng đây là bộ phận rất quan trọng để làm lạnh không khí trong phòng. Do đó, bạn cần lắp cục nóng tại nơi có ít ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào, nhằm hạn chế tối đa nhiệt độ từ mặt trời làm nóng cục nóng, và luồng không khí được máy nén làm lạnh sẽ nhanh chóng được làm mát tốt hơn.
Cục nóng cũng cần được lắp cách tường ít nhất 30cm, vì nếu cục nóng trực tiếp gắn lên tường hoặc đặt gần, thì nhiệt tỏa ra từ cục nóng sẽ làm nóng ngược lại bức tường trong phòng. Điều hòa sau đó sẽ tốn không ít điện năng để làm mát lại phần tường bị nóng này trong quá trình duy trì mức nhiệt.
Thường xuyên, vệ sinh bảo trì điều hòa
Việc thường xuyên vệ sinh, đặc biệt là lọc gió của điều hòa sẽ vừa giúp tăng hiệu suất làm lạnh của điều hòa, vừa giúp tiết kiệm điện một cách tối đa trong quá trình sử dụng. Ngoài ra bất kỳ những hỏng hóc, hoặc trục trặc nào trong quá trình làm việc của điều hòa cũng nên lập tức được khắc phục, để điều hòa có thể hoạt động hiệu quả và tiết kiệm.