Phim Ảnh

Khán giả Việt đã đến lúc ngừng xem 'phim chùa'?

Chia sẻ

Hôm 29/9, một website chia sẻ phim lớn đã bị Đoàn Thanh tra Liên ngành giữa Bộ TT&TT và Bộ Công an "sờ gáy".

Việc một trang web chia sẻ phim trực tuyến lớn vừa bị đình chỉ là khởi đầu cho một cuộc “thanh trừng” để đưa mọi thứ về quy củ hay là sự hạn chế nhu cầu thưởng thức phim của khán giả, câu trả lời hiển nhiên nằm ở vế đầu. Dù lời biện hộ của những người chia sẻ phim trái phép đưa ra có chính đáng như thế nào, thì rõ ràng, động thái đình chỉ này vẫn thật sự cần thiết trong thời đại bùng nổ thông tin như ngày nay.

Internet mang cả… rạp phim về nhà

Hiện tại, có năm hình thức xem phim phổ biến nhất, bao gồm ra rạp chiếu, theo dõi trên tivi, mua đĩa chính hãng, tải online và truy cập trực tuyến. Trong vòng một thập kỷ trở lại đây, Internet phát triển giúp mọi người dễ dàng tiếp cận với những tác phẩm trong hoặc ngoài nước. Chỉ cần một chiếc máy tính, điện thoại kết nối mạng, họ đã có vô vàn lựa chọn hấp dẫn. 

Ở Việt Nam, thay vì bỏ tiền ra mua vé thì việc chờ đợi khoảng vài tháng cho tới ngày bộ phim xuất hiện “miễn phí” trở nên quá phổ biến. Người xem tự nhiên mặc định, coi đó là một cuộc đổi chác công bằng chẳng gây hại đến ai.

batch-film-edited

Theo số liệu từ Cục Điện ảnh, có đến hơn 400 website tiếng Việt đang công khai chiếu hàng chục nghìn bộ phim trên Internet, đa số các bộ phim (cả trong nước và quốc tế) đều chưa được các website này mua bản quyền.

Tuy nhiên, nếu tất cả website ấy đều vận hành theo một cách bài bản và hợp pháp, hoặc những người đứng sau có những sự đóng góp mang tính chia sẻ thì chẳng có gì đáng nói. Trên thực tế, hiếm có tổ chức nào chịu chi hàng chục USD cho từng bộ phim nước ngoài, rồi cẩn thận thuyết minh, lồng tiếng để phục vụ miễn phí tới đông đảo đại chúng. Họ chỉ đơn thuần lấy nguồn từ nhà sản xuất sau khi đã phát hành đĩa ra thị trường, đem về website của mình và mời gọi người dùng nạp tiền để thưởng thức một cách nhanh chóng hơn.

P.L, một du học sinh Đức chia sẻ: “Đi xa rồi mới biết ở nhà thật tiện lợi. Nếu lười hoặc không muốn chi tiền đến rạp hãy cứ lên mạng gõ vài từ sẽ có ngay. Bên Đức, các hành vi tải lậu của cá nhân lẫn tổ chức đều bị nghiêm cấm. Bạn mình thời gian đầu chưa hiểu rõ, cứ “cài cắm” suốt ngày nên cảnh sát đã đến nhà “hỏi thăm” kèm tờ phiếu phạt gần 1000 UER”. 

Văn hóa thưởng thức của khán giả Việt

Đây là trăn trở đã có từ nhiều năm của các nhà sản xuất, bởi trong một nền giải trí còn đang kém phát triển, nhu cầu xem phim chất lượng và hợp pháp vẫn chưa được chú ý. Điều này khiến văn hóa thưởng thức bị xuống cấp từ khía cạnh pháp lý cho tới tôn trọng công sức làm ra một tác phẩm.

Untitled

Chỉ cần một cú click chuột, khán giả có thể xem nó trên các trang mạng với đầy đủ phụ đề.

Trung bình những dự án điện ảnh lớn thường có kinh phí lên tới hàng triệu USD với phần hình ảnh và âm thanh tân tiến. Nhưng nhiều người vẫn tìm kiếm những phiên bản kém chất lượng được tuồng lên mạng. Hành vi quay lén và phát tán vốn đặc biệt bị lên án thì tại Việt Nam lại vô cùng quen thuộc qua các biến thể khác nhau. Năm 2013, Bụi đời Chợ Lớn, bộ phim bị Cục Điện ảnh cấm chiếu đã xuất hiện trên thị trường dưới dạng băng đĩa lậu chỉ sau hai ngày xuất hiện trên mạng.

maxresdefault

Bộ phim Dòng máu anh hùng (2007) tuy lập kỷ lục bán vé khi thu về 4 tỉ đồng trong ba tuần đầu công chiếu nhưng vẫn lỗ vốn do bản quyền bị xâm phạm nghiêm trọng.

Untitled

Bụi đời Chợ Lớn được xem là vết đen trong sự nghiệp đạo diễn của Charlie Nguyễn.

Ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM, thật không khó để có trong tay đĩa lậu Bụi đời Chợ Lớn giá chỉ…10 nghìn đồng. Ngay lập tức, người trong cuộc - đạo diễn Charlie Nguyễn, diễn viên Johny Trí Nguyễn - đã lên tiếng phản ứng dữ dội, khẳng định đây là bản nháp chưa hoàn chỉnh. Hành động này đã gây tổn thất về kinh tế cho nhà đầu tư và những người làm phim.

maxresdefault

The Expendables 3 được xem là cú “thoát chết” ngoạn mục của hãng Lion Gate bởi nếu không, họ đã mất trắng 90 triệu USD kinh phí.

Năm ngoái, bản quay chất lượng cao của The Expendables 3 bị phát hành trái phép lên mạng với hơn 5,12 triệu lượt tải lậu khiến nhà sản xuất hoang mang trước cảnh phá sản. Nhưng nhiều fan hâm mộ đã phát động chiến dịch ủng hộ phim từ ngày ra mắt để giúp mang về 200 triệu USD.

Có thể thấy, khán giả Việt Nam đang còn khá lúng túng về khái niệm thưởng thức điện ảnh. Họ vẫn chưa nhận thức được việc lưu trữ và xem phim tại những website chia sẻ thiếu bản quyền là trái pháp luật. Phải chăng, nhiều người ngại chi tiền vì lý do kinh tế hoặc thời gian, nhưng chính những nguyên nhân tưởng chừng vô hại ấy đã kéo nền điện ảnh trong nước đi xuống. Các nhà làm phim Việt Nam hiện giờ chỉ chú trọng “làm nhanh, thu nhanh” hơn là dồn tâm huyết vào một tác phẩm thật sự. Trong khi đó, lại có nhiều tổ chức không bỏ công sức mà vẫn kiếm được tiền từ hành vi xâm phạm bản quyền nhờ tiền quảng cáo và thu phí người dùng.

bang_gia_ve_rap_galaxy_kinh_duong_vuong_2d_0

Giá vé của một nhà phát hành phim tại Việt Nam, số tiền không lớn cho một tác phẩm được trình chiếu trên màn ảnh rộng với phần âm thanh và chỗ ngồi thoải mái.

Thực tế, để xem một bộ phim đúng nghĩa không hề khó. Các rạp hiện nay đều cập nhật liên tục cùng những hình thức giảm giá hấp dẫn từ thứ hai đến thứ năm, giá cũng giao động ở mức 40 - 70 nghìn đồng, chưa kể tới những kênh phân phối của các nhà đài hay hệ thống truyền hình. Vấn đề nan giải là liệu khán giả có dần thích nghi với nó? Chắc hẳn sẽ rất lâu nữa, nhưng dù sao thì họ vẫn phải chấp nhận như một quy luật tất yếu để thấy rằng, nếu một đầu bếp kiếm tiền từ những món ăn, một giáo viên kiếm tiền từ những bài giảng, thì một nhà làm phim sống nhờ vào doanh thu phòng vé và tiền trả tác quyền.

Chia sẻ
Tin mới nhất