Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao & Đời sống

Việt Nam là địa điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng nguyệt thực toàn phần dài nhất trong thế kỷ 21

Quỳnh Quỳnh (Tổng hợp) Theo dõi Saostar trên google news

Vào ngày 28/7 tới đây, người dân Việt Nam, đặc biệt là khu vực ven biển Trung Bộ và Nam Bộ sẽ có cơ hội chứng kiến nguyệt thực toàn phần dài nhất trong thế kỷ 21, kéo dài từ 0 giờ 14 phút đến 6 giờ 28 phút.

Báo Thanh Niên dẫn lời chia sẻ của ông Đặng Vũ Tuấn Sơn (Chủ tịch Hội Thiên văn học Việt Nam), nguyệt thực là hiện tượng mặt trăng tối hơn và có màu đỏ thẫm khi đi vào vùng tối của trái đất. Nguyệt thực gồm 3 pha cơ bản là nửa tối, một phần và toàn phần.

“Đáng chú ý, pha toàn phần kéo dài rất lâu với tổng cộng 103 phút, khiến cho nguyệt thực lần này là nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21. Sở dĩ có sự chênh lệch về độ dài là do bóng của trái đất khá lớn. Đường đi của mặt trăng càng đi gần qua trung tâm của vùng bóng tối thì nó càng mất nhiều thời gian để đi qua đó và do đó nguyệt thực toàn phần càng kéo dài”, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn cho hay.

Theo ông Sơn, nguyệt thực có thể quan sát bằng mắt thường và không gây hại đối với mặt. Tuy nhiên, nếu có một chiếc kính thiên văn và ống nhòm hoặc máy ảnh, máy quay phim có độ phóng đại quang học tương đối cao, người quan sát sẽ thấy hiện tượng này thú vị hơn rất nhiều.

Hiện tượng nguyệt thực.

Phân tích về sự kiện thiên văn thú vị này, báo Giao Thông đưa tin thêm, diễn biến nguyệt thực tại Việt Nam cụ thể như sau (theo giờ Việt Nam): 0h14, mặt trăng đi vào vùng bóng nửa tối. Tuy nhiên, ở pha nửa tối nhìn bằng mắt thường khó nhận thấy sự thay đổi màu sắc của mặt trăng. 1h24 bắt đầu pha một phần; 2h30 bắt đầu pha toàn phần; 3h21 nguyệt thực cực đại (mặt trăng đi sâu nhất vào bóng tối của trái đất); 4h13 kết thúc pha toàn phần; 5h19 kết thúc pha một phần; 6h28 kết thúc pha nửa tối.

Ngoài ra, theo thông tin đăng tải trên báo điện tử Zing.vn, cùng trong khoảng thời gian này, mưa sao băng Delta Aquarids với cực điểm vào ngày 28-29/7 cũng sẽ là một hiện tượng thú vị để những người yêu thiên văn có cơ hội quan sát.

Ngày 28-29/7 là cơ hội chiêm ngưỡng đợt mưa sao băng lớn nhất trong năm.

Tuy nhiên, để theo dõi hiện tượng này, người xem nên chọn nơi quan sát thoáng đãng, cùng với đó là các yếu tố thời tiết khác cần có như bầu trời trong, không mây, không mưa.

Theo chuyên gia dự báo thuộc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, vào đêm 27 và rạng sáng 28/7, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nhiều khả năng có mưa vừa đến mưa to. Trời sẽ rất âm u và không thể quan sát được mặt trăng trong thời điểm 0-6h30.

Tuy nhiên các tỉnh Thừa Thiên - Huế đến Nam Bộ, đặc biệt là khu vực ven biển Trung Bộ và Nam Bộ, trời ít mây, không mưa, thời tiết mát mẻ. Nhiệt độ khoảng 25-28 độ C. Đây được cho là khu vực lý tưởng để quan sát hiện tượng nguyệt thực toàn phần cùng mưa sao băng lớn nhất trong năm.

Có thể nói, những người yêu thiên văn chắc chắn sẽ có một kỉ niệm đáng nhớ vào ngày 28/7, khi cả hai hiện tượng hiếm gặp là mưa sao băng và nguyệt thực toàn phần cùng xuất hiện.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Quỳnh Quỳnh (Tổng hợp)

Được quan tâm

Tin mới nhất