Anh Trần Đặng Đăng Khoa đã biến sự tò mò ban đầu về con đường ngắn nhất Sài Gòn thành món quà tặng đầy ý nghĩa dành cho chính nơi chốn đã cưu mang anh trong suốt 10 năm qua.
Trong gần 2.000 con đường có tại TP HCM, có bao giờ bạn tự hỏi: “Đâu là con đường ngắn nhất?” Chắc chắn là có rồi, thế nhưng dường như chưa ai tung ra những số liệu, hình ảnh kiểm chứng hay bất kỳ thông tin về vấn đề này, ngoại trừ anh Trần Đặng Đăng Khoa - một người nếu có đi xa vẫn thường hay nhớ về Sài Gòn.
Sau hơn 3 tháng tìm hiểu, bộ ảnh “Đi tìm những con đường ngắn nhất Sài Gòn” đã được anh Đăng Khoa hoàn thành. Và chỉ sau vài giờ chia sẻ, bộ ảnh đã khiến những ai yêu và gắn bó với Sài Gòn thêm một nguồn tư liệu đầy quý giá, thú vị về thành phố này.
Sau vài giờ chia sẻ, bộ ảnh “Đi tìm những con đường ngắn nhất Sài Gòn” của anh Trần Đặng Đăng Khoa đã nhận được sự hưởng ứng cũng như đóng góp thêm thông tin từ nhiều người.
Theo đó, con đường ngắn nhất được anh Đăng Khoa tìm ra là đường Đỗ Văn Sửu, nằm sát chân cầu Chà Và (phía quận 5) với chiều dài là 45m.
Đường Đỗ Văn Sửu nằm ngay giữa khu buôn bán sầm uất nhất nhì của quận 5. Để đi hết con đường này thật sự chỉ cần vài bước chân. Thoạt nhìn thoáng qua, con đường ngắn đến nỗi đôi khi đi ngang ta cứ ngỡ nó chỉ là hẻm cụt!
Một số tài liệu hoặc ngay cả Google Maps lại gọi nó là đường “Đặng Văn Sửu”.
Chung cư Đỗ Văn Sửu ngay bên cạnh đường Đỗ Văn Sửu.
Tiếp sau, đường Đinh Lễ (quận 4) với chiều dài 56m “chễm chệ” ngôi á quân trong cuộc đua “con đường ngắn nhất Sài Gòn”. Điểm đặc biệt của con phố này chính là sự hiện diện của căn nhà số 01. Ngoài căn nhà này ra, đường Đinh Lễ không còn bất kỳ số nhà nào khác nữa.
Số 01 Đinh Lễ là địa chỉ của chợ Xóm Chiếu, thuộc phường 12, quận 4.
Chiếc bảng “đặt gạch” của Ban quản lý chợ Xóm Chiếu tại số 01 Đinh Lễ.
Đối diện chợ Xóm Chiếu là cao ốc Đinh Lễ. Ngôi chợ còn là một trong những điểm ăn uống nổi tiếng của Sài Gòn.
Vị trí thứ ba thuộc về đường Phú Định (quận 5) dài 65m, được giới hạn bởi hai con đường Nguyễn Án và Lương Nhữ Học.
Tác giả bộ ảnh cũng hóm hỉnh chia sẻ thông tin cho những ai muốn ghé thăm đường Phú Định mà lỡ… đói bụng: “Món bánh xèo của quán đầu đường Phú Định rất đậm đà và thơm ngon, giá cũng rất phải chăng”.
Đường Trần Doãn Khanh “ẩn mình” giữa hai con đường cũng tương đối vắng vẻ không kém là đường Nguyễn Văn Thủ và Nguyễn Thành Ý. Đây là địa chỉ quen thuộc của những fan súp cua, há cảo, dừa tắc, quán Uptown Bistro&Cafe…
Trong những con phố ngắn nhất Sài Gòn, có lẽ Nguyễn Thiệp là con phố đã chứng kiến nhiều thăng trầm nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của mảnh đất này. Trước năm 1975, đường Nguyễn Thiệp có tên là đường Carabelli, giới hạn bởi đường Đồng Khởi (tên cũ: Catinat/Tự Do) và đại lộ Nguyễn Huệ (tên cũ: Boulevard Charner).
Theo anh Khoa tìm hiểu: “Tên đường nếu viết đúng phải là Nguyễn Thiếp, vì trong lịch sử Việt Nam chỉ có Nguyễn Thiếp (hiệu là La Sơn Phu Tử) - một danh sĩ thời Hậu Lê. Có lẽ đây là lỗi chính tả lúc lập tên đường.
Tọa lạc tại quận 10, con đường Hưng Long chỉ vỏn vẹn dài 92m nhưng lại sở hữu những nét độc đáo riêng của Sài Gòn bởi đây là nơi tụ họp quen thuộc của giới yêu thích chim cảnh mỗi dịp cuối tuần.
Đường bị giới hạn bởi đường Nguyễn Chí Thanh và Đào Duy Từ, ngay đối diện là nhà máy Bia Sài Gòn.
Ít ai biết rằng, đường Huyền Quang (quận 1) trước đây có tên gọi là đường Génibrel, sau đổi tên là Huyền Quang từ năm 1955. Génibrel là tên một giáo sĩ người Pháp - người đã dịch “Truyện Kiều” của Nguyễn Du và “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu sang tiếng Pháp.
Bằng cách sử dụng Google Maps, kết hợp với việc thực địa, trong vòng 3 tháng tìm hiểu anh Khoa đã tính ra cự li cũng như thu thập nhiều hình ảnh về các con đường có khả năng giành được quán quân “con đường ngắn nhất Sài Gòn”. Ở đây, chàng trai gốc Gò Công không tính đến những con đường quá mới hoặc đường đặt tên theo số thứ tự. Ngoài ra, những thông tin bên lề, gắn liền với lịch sử và hình thành của con đường ít nhiều sẽ giúp bạn hiểu thêm về Sài Gòn.
Ngay ngày mai hãy ghé ngang những con đường ngắn nhất Sài Gòn trên để “check in” khoe cùng bạn bè nhé! Và đừng quên ghi chú những thông tin lịch sử về chúng vì có lẽ nhiều người vẫn chưa biết Sài Gòn lại có những nẻo đường kỳ lạ như vậy đâu!
“Lý lịch trích chéo” của Trần Đặng Đăng Khoa:
- Quê quán: Gò Công, hiện sống tại TP HCM.
- Là nhân viên văn phòng của một công ty Đức chuyên về máy móc công nghiệp.
- Tự nhận mình yêu Sài Gòn dù không phải là người sinh ra ở đây. Dù đôi lúc có chút hụt hẫng với nơi nương thân này, thế nhưng khi đi xa anh vẫn thường hay nhớ đến.
- Yêu du lịch, đặc biệt, thích khám phá những điều mới mẻ để trải nghiệm.
Vượt qua gần 1000 thí sinh, Top30 Biệt Đội KOLs Nhí 2024 đã có phần thể hiện xuất sắc tại vòng Chung kết trong khuôn khổ The Queen's Day. Cuộc thi do Hệ thống mẹ&bé cao cấp Suri Store kết hợp cùng BioAmicus - Thương hiệu men vi sinh hàng đầu Canadavà các nhãn hàng quốc tế tổ chức.
Gần 10 năm sau phẫu thuật mổ cận thị bằng phương pháp SMILE tại Bệnh viện Mắt Quốc tế DND, Biên tập viên Đài truyền hình Việt Nam chia sẻ hành trình đầy ý nghĩa khi tìm lại thị lực sáng rõ và tự tin.
Mùa đông năm nay, một sự kiện băng tuyết độc đáo mang tên : Ice Magic - Fantasy on Ice sẽ diễn ra Lần đầu tiên, khách tham quan sẽ được trải nghiệm tuyết 99% giống thật, được tạo ra bằng công nghệ hiện đại từng được sử dụng tại Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh.
Giáng sinh là dịp mọi người dành thời gian cho những người thân yêu. Nếu chưa biết phải đi đâu vào ngày này ở Sài Gòn thì có thể tham khảo những địa điểm này.