Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao & Đời sống

Từ bao giờ nút share của Facebook lại trở thành thứ 'vũ khí' đáng sợ tới vậy?

Chúng ta chia sẻ những thông tin hàng ngày trên Facebook như một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Cũng chính từ thói quen này mà giờ đây, những hiểm họa cũng từ cái "share" mà ra.

Khi nút share không còn lan truyền những điều tích cực 

Nút “share” vốn mang ý nghĩa chia sẻ cực kì tốt đẹp, và chắc hẳn những người tạo dựng nên Facebook cũng đã đưa mong muốn này khi tạo nên một nút share cho cộng đồng này. Trước đây, nút share được dùng để làm nhiều việc tốt, để chia sẻ về các câu chuyện mà có những khi bạn sẽ chẳng thể nào được chứng kiến trong cuộc sống của mình. Cũng từ nút share mà có nhiều trường hợp được cứu giúp nhờ sự chung tay của cả mạng xã hội. Nút share giúp các mảnh đời cơ cực nhờ sự giúp đỡ của mạnh thường quân đã không còn phải lo bữa no bữa đói. Từng đó nghĩa cử cao đẹp mang tới xã hội một phần chính là nhờ nút share đó.

Nút share đã từng rất quyền lực, đương nhiên bây giờ nó vẫn quyền lực, nhưng lại quyền lực một cách vô cùng… xấu xí, không còn vẹn nguyên mục đích tốt đẹp như ban đầu.

Thế nhưng, chính là nút share ngày nào giờ đã không còn mang nhiều hàm nghĩa tích cực như trước nữa. Nút share trở thành nơi người với người gián tiếp đẩy nhau vào ngõ cụt của cuộc sống. Muốn biết vì sao, hãy đọc những thông tin này:

Cảnh báo bắt cóc chưa hề có kiểm chứng tại Sóc Sơn (Hà Nội) nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ chỉ sau chưa đầy 24 tiếng đồng hồ. Và hậu quả sau đó, đương nhiên rằng người bị cho là bắt cóc trẻ em bị bắt và người dân lao vào đánh đập với sự phẫn nộ cực điểm.

Mới đây nhất, người dân xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà, Hải Dương đã lục soát, tự ý đập phá một chiếc oto chỉ bởi nghi ngờ người lái có ý định thôi miên, bắt cóc vì những thông tin không kiểm chứng được share tràn lan trên mạng.

Trước đó, câu chuyện người bán trà đá dùng nước rửa chân bán cho khách cũng là một sản phẩm được thêu dệt lên với mục đích chính là “câu like” cho salon tóc ngay bên cạnh. Chỉ vì vài ba cái chia sẻ, mưu cầu sự nổi tiếng và được nhiều người biết đến mà chủ salon tóc khiến quán trà đá bị dẹp tiệm. Chủ salon tóc này rõ ràng là “chủ mưu”, nhưng những cái share đầy vô tâm và thiếu ý thức của mọi người cũng chính là “đồng phạm”.

Clip ghi lại cảnh rửa chân vào xô trà đá được lan truyền mạnh mẽ trên mạng thực chất chỉ là một sản phẩm được dàn dựng. Hậu quả trước mắt đã xảy ra, không lời xin lỗi nào có thể bù đắp được với mất mát này.

Chưa hết, hẳn bạn còn nhớ câu chuyện về hai cô gái này. Cả hai đang trong độ tuổi đẹp nhất nhưng bỗng dưng tai họa trên trời rớt xuống: trở thành nghi can vì tội hiếp dâm một chàng trai đến tử vong. Sự thật được đưa ra sau đó vài ngày thế nhưng lời đồn thổi ra vào về hai bạn bao giờ mới chấm dứt?

Những nạn nhân xấu số khốn đốn bởi một “thế lực ảo”

Cư dân mạng cùng những bài post vô căn cứ đang ngày càng đe dọa và ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác. Thông tin ảo, hậu quả thật cũng từ đây mà ra đời. Thử hỏi mà xem, bỗng dưng yên lành bị bao nhiêu người lạ mặt lao tới đánh đập, tiếng kêu oan thống thiết lúc đấy có ai thấu? Ai là người lắng nghe nỗi ức nghẹn của người không hiểu vì sao mình bị coi là kẻ ác. Không một ai! Họ một mình chịu đựng những trận đánh, đấy là còn chưa kể trên mạng xã hội kia, bao nhiêu lời đay nghiến, hăm dọa rồi xúc phạm được tuôn ra sau bàn phím từ những người thậm chí chỉ đáng tuổi con cháu họ. Thực trạng này đã kéo dài từ khá lâu rồi nhưng hầu hết chúng ta đều coi thường chúng, không mảy may nghĩ tới cái hậu quả khôn lường về sau.

Đâu phải chỉ vụ việc người phụ nữ này bị đánh đập dã man, tình trạng “vui đâu chầu đấy, share theo bầy đàn” từng diễn ra nhiều lần với loạt tin đồn thất thiệt từ trên trời rơi xuống. Đơn cử là những thông tin không đầu không đuôi về dịch Ebola đã đến Việt Nam, về việc ăn bưởi gây ung thư, về màng bọc quả xoài xuất xứ từ Đài Loan có chất độc, về những người bị chết hoặc đi cấp cứu vì ăn phải cá biển sau khi có hiện tượng cá chết hàng loạt ở biển miền Trung hay gần đây nhất là việc thịt heo phải bán đổ bán tháo gây thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ…

Thông tin trên mạng xã hội ngày nay được coi là thứ lan tỏa dễ dàng và nhanh nhất.

Và đã bao giờ chúng ta nhìn lại câu chuyện đằng sau mỗi nút share vô căn cứ “tát nước theo mưa” của mình? Thói quen này chủ yếu khởi đi từ sự vô tâm trong việc kiểm chứng nguồn thông tin mà bạn đang tiếp nhận hằng ngày. Những câu chuyện dấy lên một thời gian rồi cũng sẽ chìm dần vào quên lãng, nhưng sự tổn thương của người trong cuộc thì cứ mãi còn. Thử đặt mình vào hoàn cảnh ấy một lần, có lẽ một nút share sẽ chẳng dễ dàng được nhấp vào như hiện giờ nữa.

2 người phụ nữ bán tăm bị đánh đập bầm dập tới nỗi phải vào bệnh viện điều trị. Vừa là nỗi đau thể xác lại phải hứng chịu tổn thương tinh thần, đồng tiền nào có thể bù đắp cho họ?

Câu chuyện thông tin ảo, hậu quả thật rồi sẽ kéo dài bao lâu?

Nút “share” được sử dụng vô tâm vô ý đã không còn vô can trong cuộc sống ngày nay khi luồng thông tin mà nó mang đến là ảo nhưng hậu quả mà mỗi người phải gánh nhận là thật. Bởi dù không gây hậu quả trực tiếp nhưng việc nó gián tiếp tạo nên những áp lực dư luận không đáng có đã gieo vào cuộc sống những “mầm bệnh” cần phải dè chừng. Những tin đồn bịa đặt hoặc rất ít sự thật chính tại sự thiếu tỉnh táo, thiếu chín chắn của cư dân mạng cùng quyền năng đặc biệt của nút “share” đã trở thành thứ vũ khí đe dọa gây hoang mang và sợ hãi trong cộng đồng. Và chúng ta cũng không thể biết được với sự lan tỏa ngày càng rộng lớn, những nút “share” vô tội vạ sẽ còn “giết chết” bao nhiêu sự thật nữa!

Tỉnh táo và học thói quen phân tích, xác minh rõ nguồn tin. Hãy sử dụng nút share 1 cách có ý thức! 

Chỉ có 1 cách để chấm dứt vòng lặp “Thông tin ảo, hậu quả thật” mà thôi, đó là các bạn hãy khẩn thiết để nút share trở về với ý nghĩa sẻ chia tốt đẹp vốn có bằng cái đầu tỉnh táo và ý thức ngày càng được nâng cao của mình!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Hồng Ngân

Được quan tâm

Tin mới nhất
iPhone 18 có thể sử dụng chip A20 do Intel sản xuất
Di Động Việt: Hình thức mua hàng trả chậm không mới