Người Việt ăn Tết Trung thu vào ngày rằm tháng 8 âm lịch. Trong Tết này, người lớn uống rượu, thưởng trăng và hát trống quân; trẻ em thì rước đèn, đi xem múa lân, ca hát các bài hát Trung thu, và thưởng thức bánh kẹo và trái cây do bố mẹ bày ở ngoài sân dưới hình thức một mâm cỗ. Theo tục lệ, việc trẻ con thưởng thức bánh kẹo trái cây trong đêm Trung Thu này được gọi là “phá cỗ”.
Mặc dù có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng Tết Trung thu của người Việt đã dần dần chuyển hóa giống với phong tục tập quán của chúng ta. Theo phong tục người Việt, bố mẹ bày cỗ cho các bé để mừng Trung thu, đồng thời mua hoặc làm lồng đèn thắp bằng nến treo trong nhà và cho các bé đi rước đèn.
Cỗ mừng Trung thu gồm bánh Trung thu, kẹo, mía, bưởi… Đây là dịp để con cái hiểu được sự săn sóc quí mến của bố mẹ đối với mình.
Cũng trong dịp này, người Việt mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng, và các ân nhân khác. Đây là dịp tốt để con cháu tỏ lòng biết ơn ông bà cha mẹ và để người đời tỏ lòng săn sóc lẫn nhau.
Ngoài ra, người Việt còn tổ chức múa sư tử hay múa lân trong dịp Tết Trung thu. Con Lân tượng trưng cho điềm lành.
Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát Trống Quân trong dịp Tết Trung thu. Trai gái hát đối đáp với nhau vừa để vui chơi vừa để kén chọn bạn trăm năm.
Đặc biệt, Tết Trung thu ban đầu là tết của người lớn để thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên, ăn bánh, và uống trà ngắm trăng rằm vào giữa tiết Thu. Dần dần, Tết Trung thu trở thành Tết trẻ em nhưng người lớn vẫn góp mặt.
Tết Trung thu là một phong tục rất có ý nghĩa của người Việt. Đó là ý nghĩa của chăm sóc, của báo hiếu, của biết ơn, của tình thân hữu, của đoàn tụ, và của thương yêu.
Ngoài ra, Tết Trung Thu còn là dịp để người dân ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng rằm màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, trăng màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.