Vào năm 2011, bộ phim tài liệu “Jiro Dreams of Sushi” (tạm dịch: Những giấc mơ của Jiro về sushi) được ra mắt, với nội dung xoay quanh nhà hàng sushi được mênh danh là ngon nhất thế giới - Sukiyabashi Jiro. Nhà hàng sushi này đã giành được hẳn 3 sao Michelin danh giá, nhưng quy mô nhà hàng chỉ chứa được vỏn vẹn có… 10 khách.
Khi bếp trưởng nhà hàng Jiro Ono được đứa con 4 tuổi hỏi rằng tại sao các đầu bếp trong nhà hàng sushi thường không có phụ nữ, ông đã trả lời rằng: “Bởi vì phụ nữ phải trải qua kinh nguyệt mỗi tháng. Để trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp, người ta phải có một khẩu vị cố định, nhưng kinh nguyệt đã làm cho phụ nữ có khẩu vị không cân bằng, do đó họ không thể làm đầu bếp sushi được”.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều những lý do vì sao chỉ có đàn ông mới có thể làm sushi. Nếu đi sâu hơn vào nền ẩm thực này, người ta còn có thể tìm thấy nhiều gạch đầu dòng “nực cười” khác, như việc phụ nữ thường có bàn tay nhỏ hơn đàn ông, do đó việc ước lượng nắm gạo làm sushi sẽ không chuẩn xác, hay một ý kiến khác lại cho rằng bàn tay phụ nữ quá nóng, sẽ làm hỏng cơm và cá khi chế biến sushi.
Nền ẩm thực sushi - truyền thống hay cổ hủ?
Vấn đề bình đẳng từ trước đến nay luôn là một vấn đề được dành nhiều sự quan tâm trong xã hội. Chúng ta đấu tranh cho bình đẳng sắc tộc, bình đẳng giai cấp, và hiện nay, một trong số những cuộc đấu tranh vẫn đang diễn ra mạnh mẽ là cuộc đấu tranh bình đẳng giới.
Với vai trò là một loại hình nghệ thuật, ẩm thực chưa bao giờ là tĩnh, nó luôn phản ánh một phần của xã hội theo một cách rất riêng. Văn hoá sushi có cả một bề dày lịch sử khó ai chối cãi được, và càng toàn cầu hoá, sushi lại càng hướng lại về tinh thần nguyên bản của mình. Tinh thần nguyên bản ở đây có thể được hiểu là truyền thống, là hương vị, là những công thức cha truyền con nối, là những tinh tuý đã vun đắp lên cho cái sự đồ sộ bao đời nay của từng miếng sushi. Thế nhưng tinh thần nguyên bản cũng bao gồm cả những định kiến về giới tính, về việc từ trước đến nay, phụ nữ không được bước chân vào lãnh địa nam quyền thống trị này.
Ta sẽ nghe lại câu chuyện về việc phụ nữ đi học đại học thời đầu thế kỷ 20. Việc học đại học hiện nay là không phân biệt cả về tuổi tác lẫn giới tính, nhưng ở thời bấy giờ, việc phụ nữ học đại học là một việc vô cùng hiếm thấy và đầy khó khăn. Họ không được tham gia các giảng đường lớn nếu không có giấy phép, và hơn thế nữa, phụ nữ không được cấp bằng sau khi hoàn thành việc học.
Ta khó lòng có thể tưởng tượng được câu chuyện này ở thời hiện đại, cũng giống như 20-30 năm tới đây, ta sẽ khó lòng mà tin được rằng ngày xưa phụ nữ không được phép cầm dao cắt cá, nắm cơm để làm sushi. Nền ẩm thực Nhật Bản mang đến cho ẩm thực thế giới những tinh hoa không thể chối từ, cũng từ đó làm dấy lên những vấn đề dễ gây tranh cãi. Liệu đây có phải là lúc sushi cần được thay đổi?
Sushi và những người phụ nữ tiên phong
Nữ minh tinh Marilyn Monroe đã có lần phát biểu: “Những người phụ nữ ngoan ngoãn thường chẳng bao giờ làm nên lịch sử”. Và quả đúng như vậy. Trong một nền ẩm thực khắc nghiệt và nhiều định kiến như chế biến sushi, vẫn có những người phụ nữ đủ mạnh mẽ để theo đuổi đam mê đến cùng.
Nadeshiko Sushi, nhà hàng sushi được thành lập bởi Yuki Chizui là một ví dụ. Nữ bếp trưởng 29 tuổi đã nảy ra ý tưởng mở một nhà hàng sushi với toàn đầu bếp nữ, như một sự khẳng định cho phái yếu trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Hằng ngày, nhà hàng này đón nhận rất nhiều những vị khách dừng chân ăn trưa, những khách du lịch và cả những người đàn ông đầy tinh thần phán xét.
Họ đến Nadeshiko Sushi không chỉ để ăn, họ đến để soi vào kỹ thuật sử dụng dao và cách chế biến một bữa sushi của những đầu bếp nữ. Bếp trưởng Chizui chỉ nhẹ nhàng chia sẻ: “Tôi xem họ như những kẻ khờ khạo thôi, nhưng đúng là chúng tôi còn phải học hỏi nhiều lắm”.
Nadeshiko Sushi hoạt động đúng theo những tiêu chí vàng của một nhà hàng sushi: gắt gao trong tuyển chọn nguyên liệu, nghiêm ngặt trong chế biến và tinh tế trong hương vị. Các cô gái trong nhà hàng sushi này vẫn thể hiện một tinh thần làm việc vô cùng nghiêm túc, đặc biệt khi so sánh với các nhà hàng sushi đầu bếp nam thông thường. Nhà hàng này đặt mục tiêu rằng, họ sẽ thu hút thực khách bằng chất lượng món ăn, không phải bằng giới tính của đầu bếp.
Một ví dụ đáng phải kể đến nữa là Oona Tempest, một trong số những đầu bếp may mắn được đào tạo chế biến sushi chuyên nghiệp. Cô thường được nhắc tới như một trong số những “bóng hồng” hiếm hoi đã tạo nên dấu ấn mạnh mẽ trong mảng ẩm thực sushi ở Mỹ. Cô hiện đang làm đầu bếp cho nhà hàng Tanoshi Sushi ở New York, và vẫn đang theo học với sự dẫn dắt của bếp trưởng bậc thầy Toshio Oguma.
Oona kể, cô học được ở thầy Oguma rằng phải tôn trọng và yêu các nguyên liệu chế biến. Triết lý thiền cũng rất quan trọng khi chế biến sushi, do việc học thiền sẽ giúp thể hiện món ăn chuẩn xác và hoàn hảo nhất. Bếp trưởng Oguma cũng khẳng định: “Việc đầu bếp là nam hay nữ không quan trọng. Nếu một thực khách không muốn ăn sushi do cô ấy làm, tôi cũng sẽ không làm sushi cho người ấy. Tôi sẽ đuổi người ấy về đấy!”
Kết
Có chăng việc không cho phụ nữ học làm sushi chỉ đơn giản là một thói quen khó bỏ. Tương tự như các loại hình nghệ thuật khác, ẩm thực thuần tuý không hề chứa đựng một rào cản nào. Sushi là truyền thống, là sự tinh tế của một nền văn hoá, nhưng để tinh hoa đó tiếp tục được toả sáng trong thời đại mới, hẳn đã đến lúc người ta cần thấy một sự thay đổi.