Dòng tâm sự của một tài khoản mạng xã hội đăng tải gần đây về cuộc sống cô đơn của người già và nỗi lo khi người thân ngày một yếu đi đánh trúng vào tâm lý của nhiều bạn trẻ ngày nay. Nó lột tả những suy nghĩ bế tắc, muốn làm điều “vĩ đại” nhưng không thể của giới trẻ trước guồng quay và mở ra cách để giúp người già không cô đơn trong chính gia đình.
Tài khoản N.B.N tâm sự: “Rồi đến một ngày nào đó điều khiến bạn buồn không còn là do thất tình, thất nghiệp, mà là việc chứng kiến những người trong gia đình ngày một thêm tuổi và yếu đi. Một ngày nào đó ông nội bỗng ốm đến nỗi phải nhập viện cấp cứu, dù rằng trước đó ông vẫn khỏe mạnh, làm cái này cái kia cho con cháu.
Một ngày nào đó bà nội bỗng than đau buốt cả đầu, dù rằng hôm đó trời không trở gió mùa. Một ngày nào đó ông ngoại bỗng than đau chân, vì đôi chân bị sưng, dù rằng đều đặn mỗi buổi sáng ông đều dậy sớm đi bộ tập thể dục. Một ngày nào đó bà ngoại tự nhiên than mệt, dù trước đó vài giây còn đứng trong bếp loay hoay nêm nồi canh, lát sau tự dưng nghe tim đập mệt mỏi, tay chân bủn rủn….
Đó là những giây phút tim bạn sẽ thấp thỏm, lo âu nhưng bản thân lại không dám để lộ nỗi lo hiện rõ trên gương mặt. Vì người bệnh thì chẳng thể nào vui nổi khi biết mình yếu đi nên bạn buộc lòng phải duy trì nụ cười cùng với vẻ mặt hớn hở để giữ mãi không khí vui vẻ. Đó là những giây phút bạn không được yếu lòng và phải luôn tìm mọi cách để vịn vào những dòng suy nghĩ lạc quan.
Ngày mai như thế nào cũng không còn quan trọng, vì ngay giờ phút này, ở chính nơi đây, những người mà ta yêu thương vẫn còn bình an. Ấm áp lắm!
Bỗng dưng thấy người già thật tội, cả đời vì con cháu, niềm vui lớn nhất cũng là con cháu, nào đâu có cần gì xa hoa, chỉ cần có ai ở bên trò chuyện hoặc đơn giản là nghe mình kể chuyện. Con cháu thì lại quá mải mê với những thứ mới mẻ trong cuộc sống, người lớn thì ham công tiếc việc, con trẻ lại ham chơi, mấy ai để ý một tiếng gọi, một ánh mắt ngóng trông của người già bị bỏ lại.
Những ngày còn bé có thể ngồi hàng giờ nghe bà kể chuyện, có thể cả ngày lẽo đẽo theo ông tò mò luôn miệng hỏi đông tây nam bắc, khi ấy thế giới quan còn bé nhỏ, những câu chuyện lặp đi lặp lại ấy nghe không bao giờ biết chán. Lớn lên rồi, có nhiều thứ vô tình được đặt lên trên cả gia đình, cũng là một thời con trẻ nông nổi, người già lại già thêm, những câu chuyện ngày xưa cũng đã phai màu đôi ba câu chữ… Đổi lại cho sự háo hức lắng nghe ngày nào giờ là ậm ừ qua loa, hoặc đôi lúc là khó chịu cáu gắt. Người lớn cũng vậy, con trẻ cũng vậy, chỉ mỗi người già cô đơn…
Không biết sau này, khi cha mẹ mình đã già đi như ông bà nội ngoại bây giờ, mình có thể dành thời gian để lắng nghe những câu chuyện ngày xưa đã kể vạn lần hay không nữa… Nói thì dễ lắm, làm mới khó!”.
Ngay sau khi bài viết xuất hiện đã thu hút gần 10 nghìn lượt like và chia sẻ. Nhiều người đọc xong không giấu được nước mắt, vội vàng nhấc điện thoại gọi cho người thân. Một số cũng gửi lời nhắc nhở những ai còn người thân thì nên trân trọng.
“Ngày mình đi học xa nhà, ông bà thấy bố mẹ cho tiền vẫn sợ ít đều dấm dúi cho thêm vài đồng. Xuống đến nơi, ngày nào ông bà cũng gọi điện chỉ để nghe cháu ậm ờ vài câu. Thời gian trôi đi, các cuộc gọi ít dần và mình cũng quên dần sự tồn tại của chúng. Cho đến ngày ấy, mình đang tất bật chuẩn bị ôn thi thì gia đình báo ông nhập viện cấp cứu cách đây 3 hôm và vừa mất. Cảm xúc khi ấy không diễn tả nổi đa phần là thất vọng và hối hận vì không liên lạc với ông bà. Những ai còn người thân hãy liên hệ thường xuyên về cho họ vì 1 cuộc gọi vài phút cũng đủ để họ vui cả ngày”, tài khoản G.A.L tâm sự.
“Cái gì cũng có thể từ bỏ, chỉ có gia đình là không. Tiền vẫn có thể kiếm ra nhưng người thân không thể bên mình mãi mãi. Mình vừa gọi cho ông bà sau khi đọc bài viết này của bạn, họ hỏi han, quan tâm mình trăm thứ trên đời. Lúc ấy, mình chỉ biết im lặng lắng nghe”, tài khoản L.N chia sẻ.