Vào thời điểm những năm 60, 70 của thế kỷ 20, làng âm nhạc Việt Nam mà cụ thể là loại hình nghệ thuật cải lương như trở nên sôi sục hơn bao giờ hết khi xuất hiện một cô thiếu nữ mang tên Bạch Tuyết. Lúc bấy giờ, với giọng ca đầy truyền cảm của mình Bạch Tuyết đã trở thành một hiện tượng và được báo chí ví von như “một con chim lạ” bay vào làng nghệ thuật.
Cuộc đời đầy chông gai, lắm thăng trầm
Được các đoàn cải lương lớn nhỏ săn đón, năm 16 tuổi bông hồng người An Giang chính thức bước chân vào con đường âm nhạc dân tộc. Chỉ trong vòng 5 năm tham gia nghệ thuật, nữ nghệ sĩ đã gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp, trở thành ngôi sao sáng trên nền trời sân khấu cải lương.
Cô sở hữu nhiều giải thưởng danh giá như: huy chương vàng dành cho nữ diễn viên triển vọng giải Thanh Tâm (1963), huy chương vàng dành cho nữ diễn viên xuất sắc giải Thanh Tâm (1965),…và được xướng danh là “Cải lương chi bảo” của nước nhà. Năm 1988, nghệ sĩ Bạch Tuyết được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú và đến năm 2012 bà trở thành Nghệ sĩ Nhân dân sau hơn 50 năm cống hiến.
Một số vai diễn nổi tiếng do cô đào hóa thân phải kể đến như: Thái hậu Dương Vân Nga, Kiều Nguyệt Nga, Thúy Kiều… Nổi tiếng với nhiều hào quang là vậy, ít ai biết được rằng trước khi trở thành “Cải lương chi bảo” được nhiều người mến mộ, NSND Bạch Tuyết đã có một tuổi thơ với nhiều vết thương lòng. Một trong những kỷ niệm không bao giờ quên của bà là ngày người mẹ thân thường qua đời. Khi ấy nữ nghệ sĩ chỉ mới 8 tuổi. Ở cái tuổi còn nhỏ dại bà có ý nghĩ sẽ bỏ nhà đi giang hồ nhưng vì đọc tiểu thuyết thấy bảo ra ngoài bị đánh, bị dụ nên không dám đi.
Sau đó lớn lên, Bạch Tuyết bén duyên với nghệ thuật cải lương và xem đó là lẽ sống của cuộc đời mình. Trong một lần tình cờ, khi đoàn hát của một đại gia ở Kiên Giang chuẩn bị khai trương thì đào chính bỗng bỏ đoàn để qua đoàn khác hát. Dưới tình cảnh rối ren, mọi người cấp tốc tìm đào khác thay thế thì soạn giả Điêu Huyền nhớ đến Bạch Tuyết và tìm đến nhà cô để ngỏ ý.
Tuy nhiên, khi đặt vấn đề với gia đình thì ông nội của nữ nghệ sĩ lại nói với ba cô rằng:“Ba dạy con không tốt nên mới sinh ra cái xướng ca vô loại”. Lời nói ấy khiến cho tâm hồn của người nữ sinh tổn thương sâu sắc. Vậy nhưng với tình yêu vô bờ dành cho cải lương, Bạch Tuyết vẫn kiên quyết nói với ba:“Ba ơi ba cho con đi đi. Ba không cho con cũng trốn đi à. Ba cho con đi con làm đàng hoàng thì con về, còn nếu mà con hư hỏng, con bê bối thì con tự tử con chết luôn chứ nhà khỏi mang tiếng”.
Chính câu nói đó đã tiếp thêm lòng tin của ông và ba của NSND Bạch Tuyết đã dành cho cô cái gật đầu đồng ý. Bước ngoặt lần đó khiến cho nữ nghệ sĩ trở nên kiên trì hơn với con đường mình chọn và cô đã thực sự thành công.
Viên ngọc quý hiếm hoi còn sót lại của nghệ thuật cải lương
Dù thành công trên con đường sự nghiệp nhưng người nghệ sĩ gạo cội vẫn muốn trau dồi nhiều kiến thức hơn về nghệ thuật dân gian. Đó là lý do bà khăn gói sang Luân Đôn để học tập và sau nhiều năm theo đuổi, NSND Bạch Tuyết đã trở thành tiến sĩ Nghệ thuật cải lương đầu tiên của Việt Nam.
Đối với NSND Bạch Tuyết, cải lương không đơn giản chỉ một loại hình nghệ thuật mà nó còn là bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam nên việc truyền lửa cho giới trẻ là điều mà thế hệ đi trước như bà cần phải làm để có thể giữ gìn, duy trì tinh hoa dân tộc , giúp nó tồn tại và sống mãi.
Bên cạnh những câu chuyện về cuộc đời làm nghề, nữ nghệ sĩ gạo cội không quên nhắc về những người thầy, người cô, người anh, người chị trong nghề như: cố NSND Phùng Há, cố nghệ sĩ Thanh Nga, cố nghệ sĩ Hùng Cường...
Nếu như hai nữ cố nghệ sĩ là người cô dìu dắt mình vào thì cố nghệ sĩ Hùng Cường lại là người anh thân thiết trong nghề, cả hai đã từng là “cặp đôi sóng thần” của phòng vé cải lương ngày đó.
Ôn lại một kỷ niệm trước đây, NSND Bạch Tuyết hài hước kể về chuyện tình cảm “không thể chớm nở” với đàn anh. Bà nói:“Mình chưa thấy người kép nào hay là mình chưa có cơ hội chứ người nhỏ thương ổng, người 12 tuổi mê ổng, người 16 tuổi 20 tuổi 40 tuổi 80 tuổi mê như điếu đổ. Mà sao mình không mê, trời ơi mình mê muốn chết được luôn”,“Cho nên Bạch Tuyết nói nhỏ với mấy bác hậu đài là nếu để tủ làm tuồng ảnh bên tay trái thì tủ Bạch Tuyết bên tay mặt và nói với quản lý là nếu mướn khách sạn thì mướn khách sạn ổng ở miền Đông còn khách sạn Tuyết ở miền Tây. Tại mình đâu biết con người mình lúc nào yếu bóng vía thành thử ra mình cứ vậy đi. Tại vì vợ của ảnh đẹp lắm quý vị, chỉ hiền vô cùng, là một người biết điều không thể nói được. Mà người đàn bà như vậy mình thì mình nỡ làm gì sau lưng bóng tối người ta”.
Vốn là một câu chuyện tình cảm tuổi trẻ với trái tim non nớt nhưng hành động và cách cư xử của nữ nghệ sĩ đã chứng minh sự nghiêm túc đối với nghề của mình. Bên cạnh những câu chuyện về ký ức, về kỷ niệm xưa cũ, NSND Bạch Tuyết còn nhân cơ hội để gửi lời cảm ơn chân thành đến với những nghệ sĩ đã khuất – người bạn đồng hành cùng bà trong những năm tháng cống hiến nghệ thuật.