Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao & Đời sống

Những điều kiêng kỵ, không nên làm trong đêm Giao thừa và ngày đầu năm mới

Những điều kiêng kỵ trong đêm Giao thừa và những ngày đầu năm mới đã trở thành phong tục lâu đời của người Việt Nam nhằm mang lại nhiều may mắn, bình an và tránh điều xui xẻo.

Tết là dịp để gia đình sum họp, quây quần bên nhau. Đây cũng là thời khắc thiêng liêng để mọi người có thể tạm biệt những điều xui xẻo của năm cũ và nghênh đón nhiều điều tốt lành cho năm sau. Vì vậy, theo quan niệm dân gian, bạn nên tránh làm những điều kiêng kỵ dưới đây trong đêm Giao thừa và những ngày đầu năm mới để gia đình gặp nhiều may mắn, bình an.

Tránh những điều kiêng kỵ, không nên làm trong đêm Giao thừa và ngày đầu năm mới sẽ mang đến bình yên cho gia đình bạn

Nhà nghiên cứu Phật học Nguyễn Mạnh Cường (thuộc Viện Nghiên cứu Ứng dụng và Tiềm năng con người) đã có trao đổi về những kiêng kị này. Ông cho biết: “Quan niệm dân gian của người xưa có nhiều điều kiêng kị trong ngày đầu năm, một số đã được lí giải và chứng minh, một số điều thì vẫn khá mơ hồ. Nhưng xét cho cùng, tất cả những tục lệ đó đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt Nam ta, việc thực hiện hoặc kiêng cữ đầy đủ cũng là một liệu pháp tâm lí giúp mọi người có thể yên tâm chào đón năm mới”.

Những điều kiêng kỵ trong đêm Giao thừa

Không nói lời xui: Trong thời khắc đầu năm mới, người xưa rất kỵ các từ ngữ thể hiện sự thiếu hụt như “hết”, “thiếu” hay những từ phủ định như “không cần”, “không có”. Vì vậy, vào bữa ăn ngày cuối năm (tất niên), nếu người nhà gắp thức ăn cho bạn và bạn không muốn ăn thì có thể bảo là “con có rồi” hay “con có nhiều quá rồi”. Bên cạnh đó, cần tránh nói về điềm xui như bệnh tật, mất mát, thua lỗ,…

Không cãi nhau: Vào đêm Giao thừa, các thành viên trong gia đình cũng không nên cãi nhau hay to tiếng với nhau. Tết là dịp gia đình đoàn tụ, sum vầy, đừng biến không khí vào dịp đầu xuân trở nên buồn hơn bởi những hiểu lầm, xích mích.

Ngoài ra, Tết cũng là thời điểm bạn không nên nói tục chửi bậy vì đó là những lời không hay, không phù hợp với không khí đón Tết, mừng năm mới. Hãy dùng những lời lịch sự, cách nói chuyện vui vẻ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Không ăn cháo trắng: Theo quan niệm của dân gian, chỉ có những gia đình nghèo khổ, không có tài sản mới phải ăn cháo. Chính vì thế, vào bữa cơm đầu tiên của năm mới, mọi người không nên nấu cháo ăn mà thay vào đó là ăn những món khác.

Ngoài ra, sáng mùng 1 Tết còn được gọi là ngày “muôn thần tề tựu”, việc ăn cơm nóng, những món ăn trang trọng, đủ đầy cũng thể hiện sự tôn kính với tổ tiên và các vị thần linh.

Những điều kiêng kỵ ngày Tết

Không làm rơi vỡ đồ dùng gia đình: Gương, chén, dĩa, ly, tách… là những vật dụng rất dễ vỡ. Người xưa vẫn luôn quan niệm rằng, nếu làm rơi vỡ đồ vào năm mới sẽ không đem lại điềm cát lành bởi những từ như “vỡ, bể” là “điềm xấu” tạo nên sự chia cắt, đứt lìa trong gia đình.

Không sử dụng kim chỉ: Việc may vá trong năm mới được cho là khiến gia chủ phải vất vả, khổ sở, cả năm phải chịu cảnh thiếu trước hụt sau, “giật gấu vá vai”. Nhiều người còn có quan niệm rằng, nếu phụ nữ có thai đụng tới kim chỉ trong ngày mồng 1 Tết, sau này sinh con thì mắt sẽ dẹt như cây kim hay gầy gò, ốm yếu.

Kiêng cho lửa, nước đầu năm: Người Việt ngày trước chủ yếu sử dụng bếp đun rơm nên thường có chuyện “xin lửa, cho lửa”. Từ đó, sinh ra tục kiêng cho lửa vào ngày đầu năm. Lửa có màu đỏ, vàng tượng trưng cho sự may mắn nên theo quan niệm dân gian nếu cho lửa tức là cho đi sự may mắn của gia đình, cả năm sẽ gặp phải những điều không hay.

Ngoài ra, nhiều người cũng kiêng cho nước đầu năm vì nước vốn được ví như nguồn tài lộc trong câu chúc: “Tiền vào như nước”. Nếu cho đi thì sẽ khiến tài chính trong năm mới gặp xui xẻo, làm ăn thất bại, tiền mất tật mang.

Không nên vay mượn hoặc trả nợ đầu năm: Người xưa quan niệm rằng không nên vay mượn hoặc trả nợ tiền bạc, đồ đạc vào những ngày đầu năm mới. Nếu cho mượn hoặc trả cũng giống như “dâng” tài lộc vào tay người khác. Tuy nhiên, điều kiêng kị này còn tùy thuộc vào quan niệm và tín ngưỡng riêng của từng người, từng gia đình. Việc hiểu về các tập tục ngày Tết sẽ giúp mỗi người biết cách cư xử sao cho tế nhị, tránh gây hiểu lầm, khó xử trong các mối quan hệ.

Không đổ rác và quét nhà: Theo quan niệm dân gian, những ngày đầu năm, đặc biệt là mồng 1 Tết, tuyệt đối không quét nhà. Quét nhà đồng nghĩa với việc quét hết tài lộc, may mắn ra ngoài, cả năm sẽ nghèo đói. Hoặc có thể quét nhà nhưng nên dồn lại vào một góc chứ không hốt đi.

Tránh ăn các món “xui” và không ăn đuôi cá chép: Ngày đầu năm, theo quan niệm dân gian người Việt không nên ăn những món như: thịt vịt, cá mè, thịt chó vì đó là những món ăn không tốt cho năm mới. Ngoài ra, một số vùng không ăn tôm vì sợ… đi giật lùi như tôm.

Ở miền Bắc có một số nơi cầu may năm mới bằng việc ăn cá chép, loài cá vượt vũ môn hóa rồng. Nếu ăn cá chép trong ba ngày đầu năm mới thì trong năm đó sẽ được hanh thông trong chuyện học hành, công việc thăng tiến. Tuy nhiên, nhằm tăng sự may mắn, người ta luôn để lại phần đuôi, nhằm ý muốn có dư thừa, tích lũy của cải trong năm mới, chứ không chỉ làm ra để đủ ăn đủ mặc, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Cường.

*Thông tin chỉ mang tính tham khảo!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Dung Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất
Quyên Qui thừa nhận lụy Hà An Huy