Tiết trời vào đông se lạnh, trong khi người người hôm qua còn “kêu gào” muốn có người yêu thì hôm nay đã “trở mặt” tôn vinh sự cô đơn của mình bằng Ngày độc thân 11/11. Nhiều người đến nay vẫn tự hỏi, tại sao có ngày này? Nó xuất phát từ đâu? Có Ý nghĩa gì?
Sở dĩ Ngày độc thân được lựa chọn là ngày 11/11 vì số 1 gợi nhắc sự cô đơn, ám chỉ việc có một mình, đơn độc. Đã thế, ngày 11/11 với 4 con số 1 lại càng nhấn mạnh sự đơn độc lên nhiều lần. Người Trung Quốc gọi ngày này là ngày “quang côn”, hay còn gọi là ngày “toàn gậy”. “Quang côn” trong tiếng Trung còn có nghĩa là độc thân.
Chưa dừng lại ở đó, ngày này còn bắt nguồn từ câu chuyện có thật về 4 chàng trai không có bạn gái. Họ tụ tập chơi mạt chược từ 11 giờ đêm đến tận 11 giờ sáng hôm sau, đúng vào ngày 11/11. Từ đó, những chàng trai độc thân lấy ngày này làm kỷ niệm. Vào 11/11, họ phải ăn một mạch hết một xâu kẹo hồ lô, nếu không năm sau vẫn sẽ ế như cũ.
Ngày độc thân được khởi xướng tại Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) vào năm 1993 để một số sinh viên “ăn mừng” sự cô đơn của mình nhằm phản đối ngày 14/2 - Valentine. Sau đó, trào lưu này lan ra nhiều thành phố khác tại Trung Quốc và một số nước châu Á. Đến nay, giới trẻ Việt Nam cũng đã hưởng ứng trào lưu này.
Giống như những ngày kỉ niệm khác, Ngày độc thân cũng có món ăn đặc trung của mình. Đó là món quẩy rán, bởi lẽ món ăn này có hình dạng giống với số 1. Thường những người độc thân sẽ ăn 2 hoặc 4 chiếc quẩy, tượng trưng cho ngày 11/11.
Vào ngày này, những người còn cô đơn sẽ tụ tập với nhau ăn uống, vui chơi như một cách thể hiện rằng sống độc thân vẫn vui vẻ, hạnh phúc. Thêm vào đó, một số người lại chọn ngày này để làm ngày gặp mặt, hẹn hò nhằm thoát cảnh “F.A”.
Theo trào lưu này, những cửa hàng kinh doanh đẩy mạnh những chương trình khuyến mãi cho những khách hàng chưa có người yêu và thật sự đạt được hiệu quả. Những cửa hàng này nói rằng, học muốn khuyến khích người tiêu dùng cho bản thân quyền “tự thưởng” để ăn mừng Ngày độc thân, cứ thế, người ta lại càng chi tiền mua sắm “mạnh tay hơn”.