Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao & Đời sống

Nguồn gốc ra đời và ý nghĩa sâu xa của ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6

Linh Chi (tổng hợp) Theo dõi Saostar trên google news

Quốc tế Thiếu nhi 1/6 là ngày Tết dành cho trẻ em nhưng mấy ai biết về nguồn gốc ra đời và ý nghĩa của ngày này.

Quốc tế Thiếu nhi 1/6 được biết đến là ngày Tết dành cho trẻ em, là dịp để các em vui chơi, nhận quà từ người thân nhưng không phải ai cũng biết đến nguồn gốc ra đời và ý nghĩa sâu xa của dịp lễ đặc biệt này.

Nguồn gốc ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6

Rạng sáng ngày 1/6/1942, phát xít Đức bao vây làng Li-đi-xơ (Tiệp Khắc) và bắt 173 người đàn ông, 196 người phụ nữ và trẻ em. Tại đây, chúng tàn sát dã man 66 người và đưa 104 trẻ em vào trại tập trung, 88 em đã bị chết trong các phòng hơi độc, 9 em khác bị đưa đi làm tay sai cho bọn phát xít. Vụ tàn sát xảy ra khiến làng Li-đi-xơ không còn một bóng người.

2 năm sau, ngày 10/6/1944, phát xít Đức bao vây thị trấn Ô-ra-đua (Pháp). Chúng dồn 400 người, trong đó có nhiều phụ nữ và hơn 100 trẻ em vào nhà thờ, phóng hỏa đốt cháy.

Quốc tế Thiếu nhi 1/6 là ngày Tết dành cho trẻ em nhưng nguồn gốc ra đời và ý nghĩa của ngày này mấy ai biết tới.

Để tưởng nhớ đến những trẻ em vô tội đã bị Đức Quốc Xã sát hại một cách nhẫn tâm, năm 1949, Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế đã quyết định lấy ngày 1/6 hàng năm làm ngày Quốc tế Thiếu nhi, nhằm đòi chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống thiếu nhi: giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng.

Tháng 4/1952 tại Viên (thủ đô nước Áo), cuộc họp quốc tế bảo vệ thiếu nhi diễn ra, yêu cầu tất cả Chính phủ các nước đặt ra những Pháp luật cho nước mình, nhằm đảm bảo hạnh phúc cho các bà mẹ và trẻ em, đòi cấm dùng những phát minh khoa học vào mục đích chiến tranh.

Năm 1954, nhằm khuyến khích các nước ghi nhớ về trẻ em và bảo vệ quyền lợi trẻ em, Liên Hợp Quốc đã đề xuất Ngày Thiếu nhi Thế giới tổ chức vào ngày 20/11 hàng năm. Liên Hợp Quốc cũng khuyến khích các nước lựa chọn một ngày phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện chứ không bắt buộc phải tổ chức đúng ngày trên.

Năm 1955, Đại hội các bà mẹ từ hầu hết các nước trên thế giới họp tại Moskva đã tố cáo đế quốc âm mưu gây lại chiến tranh và kêu gọi siết chặt thêm hàng ngũ đấu tranh cho nền hòa bình bền vững trên đất nước.

Từ đó đến nay, những tổ chức phụ nữ thanh niên ở các nước đã lấy ngày 1/6 làm ngày biểu dương lực lượng đấu tranh chống các thế lực gây chiến tranh để bảo vệ hạnh phúc cho các bà mẹ và trẻ em trên thế giới.

Trên thực tế, ngày 1/6 phần lớn chỉ được kỷ niệm ở vài chục nước theo chế độ Chủ nghĩa xã hội trước đây. Vẫn còn một số quốc gia tổ chức ngày Quốc tế Thiếu nhi vào ngày riêng: Tunisia vào ngày 11/1, Hồng Kông vào ngày 4/4, Nhật bản và Hàn Quốc vào ngày 5/5, Nigeria vào ngày 27/5, Pakistan vào ngày 1/7, Đức vào ngày 20/9, Brazil vào ngày 12/10, Sudan và Nam Sudan vào ngày 23/12.

Ngày 1/6/1950, ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được tổ chức. Ảnh: Phụ nữ Việt Nam

Ở Việt Nam, từ sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 1/6 đã được tổ chức hàng năm và trở thành ngày hội chăm sóc và bồi dưỡng thế hệ măng non cho Tổ Quốc. Nhà nước ta cũng ban hành Pháp lệnh về chăm sóc và bảo vệ thiếu niên, nhi đồng coi trách nhiệm vẻ vang ấy là của toàn dân.

Ý nghĩa ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6

Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 không chỉ đơn thuần nhằm tôn vinh trẻ em mà còn giúp nâng cao nhận thức của mọi người về sự bất hạnh của trẻ em trên thế giới.

Việc chào mừng ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 có ý nghĩa tôn vinh những mục tiêu được nêu ra trong Hiến chương Liên hợp quốc về phúc lợi trẻ em toàn cầu, kèm theo việc kêu gọi các chính phủ hành động để đáp ứng 8 mục tiêu về nhu cầu của trẻ em được ghi trong Hiệp ước quốc tế về nhân quyền năm 1989.

Ngoài ra, ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 không chỉ đơn thuần tôn vinh trẻ em mà còn làm cho mọi người nhận thức được sự bất hạnh của trẻ em ở khắp nơi trên thế giới gây ra bởi chiến tranh, bạo lực, bạo hành, bóc lột và phân biệt đối xử; cả những trẻ em đang phải làm nô lệ, lao động chân tay, sống trên đường phố,…

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Linh Chi (tổng hợp)

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc