Hình ảnh một bà cụ từ xa tiến lại, nón che ngang mặt, lâu lâu ngước lên để nhìn đường đi khiến chàng nhiếp ảnh gia thực sự xúc động. Khi được hỏi về gia cảnh, cặp mắt của bà rưng rưng lệ.
Bà kể:” Khổ lắm con ơi, con cái nuôi nó ăn lớn, giờ nó phá hết, nó còn đánh bà bầm cả mình nữa. Ông thì năm nay đã ngoài 80 tuổi, thế mà vẫn phải đi cày trâu ngoài đồng, không may, bị trâu húc gãy xương sống, đi lại cũng cực khổ, bà chỉ biết làm mấy việc này để phụ ông, sống qua bữa thôi. Con cái sinh ra chi mà số khổ, nuôi lớn lên, nó phá hết đồ, lúc say xỉn thì nó cứ nhè ra mà đánh, có biết chi đâu. Nó chẳng coi mình là mẹ nó. Bà cũng 80 tuổi rồi, sức lực đâu còn mà làm nhiều nữa, chỉ biết lặn lội kiếm ăn qua ngày”.
Bộ ảnh này được nhiếp ảnh gia 9x Lê Quang Long ghi lại trong một buổi lang thang cách nhà tầm 20km, chui từng ngõ ngách để vào được tận cùng con sông Trường Giang để tìm cảm hứng tác nghiệp. Vô tình, anh đã gặp cụ bà này.
Khi nhiếp ảnh gia Lê Quang Long hỏi thêm về hoàn cảnh gia đình, bà cụ vẫn cúi mặt xuống cắt cỏ, vừa làm vừa kể, lâu lâu lại lấy cánh tay lau nước mắt, dáng bà lọm khọm giữa đầm cỏ khiến Chàng nhiếp ảnh trẻ nghẹn ngào không cầm nổi máy để chụp như bình thường.
Quang Long tâm sự thêm :”Hình như bà vẫn còn ám ảnh về những đứa con, bà cứ lặp đi lặp lại, bà cứ khuyên tôi ráng học hành, đừng có chơi bời, uống rượu bia. Bà còn kể có lúc con bà uống rượu vào, chạy xe bị tai nạn, phải bán trâu để lên nuôi nó, thế mà lúc nó khỏi, nó có biết gì ba với mẹ đâu, say xỉn vào là cứ đánh đập, lao động được bao nhiêu thì ăn, chứ không nhờ vả gì được ở nó, khổ lắm con ơi”.
Nhìn dáng bà xiêu vẹo, quắt queo, gương mặt ầy nếp nhăn, đôi mắt rưng rưng lệ, kéo lê những bao cỏ lên bờ, nhiếp ảnh gia trẻ nhiều lần rưng rưng nước mắt thương cho số phận cụ bà. Anh cầu mong bà sẽ có nhiều sức khoẻ, và hi vọng chính quyền cũng sẽ có cách giúp đỡ bà cụ. Và điều anh mong muốn nhất, chính là các con của bà sẽ “tỉnh ngộ” để chăm sóc, giúp đỡ chính cha mẹ của mình.
Hình ảnh và câu chuyện hoàn cảnh gia đình bà cụ khiến Quang Long rất xúc động. Anh chia sẻ rằng, nếu ai đọc được bài báo này, chưa cần giúp đỡ bà cụ mà hãy yêu thương cha mẹ mình nhiều hơn. Những ai đang còn mẹ, hãy đừng làm mẹ khổ, vì mẹ đã mang nặng đẻ đau, vất vả sớm hôm cả đời tần tảo kiếm sống nuôi con cái, thì hãy biết quan tâm, chăm sóc cha mẹ khi tuổi già. Bởi nếu một ngày mẹ cha không còn nữa, lúc đó có ân hận thì cũng đã muộn màng.