Thanh Hằng là một trong những nữ nghệ sĩ cải lương nổi tiếng của Việt Nam, cùng đoạt giải Trần Hữu Trang mùa đầu tiên 1991 với Vũ Linh, Tài Linh, Thanh Thanh Tâm, Phương Hồng Thủy, Ngọc Huyền và cũng là chị ruột của NSND Thanh Ngân.
Dù gián đoạn với các hoạt động nghệ thuật tại Việt Nam trong khoảng 15 năm, thế nhưng Thanh Hằng đã quyết định quay trở về nước và làm lại cuộc sống mới, nhận lời tham gia đóng phim, biểu diễn tại nhiều chương trình lớn nhỏ.
Gặp Thanh Hằng trong một ngày cuối tháng 3, cũng là thời điểm cận kề cho minishow đánh dấu cột mốc hoạt động nghệ thuật hàng chục của mình, vẫn là hình ảnh một nghệ sĩ gần gũi với khuôn mặt lúc nào cũng nở nụ cười trên môi.
- Chị có thể chia sẻ thêm về minishow sắp tới đánh dấu cột mốc hoạt động nghệ thuật của mình?
Đây là chương trình được anh Gia Bảo tổ chức thuộc dự án Tài danh đất Việt, cô cũng chính là người “thử nghiệm đầu tiên”. Đây cũng là hoạt động nhằm giới thiệu, tôn vinh những người nghệ sĩ sân khấu có cống hiến lớn lao trên chặng đường hoạt động nghệ thuật.
Do mình là người “mở hàng” đầu tiên nên cũng có chút hồi hộp. Thế nhưng Thanh Hằng cũng rất vui vì không ngờ được đông đảo anh chị em đồng nghiệp ủng hộ mình nhiều đến như thế. Tất cả đều nhận lời tham gia đêm diễn sắp tới và mặc dù đến 4/4 mới là buổi diễn chính thức, thế nhưng may mắn thay là hiện tại vé đã được bán hết (cười).
- Thế việc tổ chức một đêm diễn giữa thời điểm khó khăn như thế này, đặc biệt là khi dịch COVID-19 chưa hẳn đã biến mất hoàn toàn có khiến chị gặp trở ngại?
Thực ra kế hoạch tổ chức đêm diễn lần này chỉ mới được lên ý tưởng cách đây không lâu, cụ thể hơn là sau Tết Nguyên đán. Trước khi Gia Bảo gặp Thanh Hằng thì đã có nhiều người từng đề cập đến vấn đề làm cho mình một đêm diễn, thế nhưng thứ nhất là do mình sợ làm phiền bạn bè đồng nghiệp, thứ hai là có nhiều điều mà mình cần phải lo khi làm một cái show như thế. Thế nên khi mình không nhận thì thôi mà một khi đã nhận thì phải làm cho tới để gửi đến những gì tốt đẹp nhất cho khán giả.
Để rồi cho đến khi gặp được Gia Bảo thì cậu ấy mới nói với Thanh Hằng một câu: “Mẹ ơi (cách xưng hô của Gia Bảo với nghệ sĩ Thanh Hằng - PV), thời gian không còn chờ đợi mẹ nữa đâu, năm nay mẹ đã ngoài 60 rồi, hết năm này tới năm nọ mẹ cứ hứa hẹn mãi. Thôi thì bây giờ mẹ còn sức khỏe thì mẹ cứ làm đi, coi như là một cái gì đó kỷ niệm chứ không có gì lớn lao đâu. Mẹ chỉ việc học tuồng học thoại, giữ sức khỏe để hát, còn mọi thứ cứ để con và mọi người lo”.
Chính câu nói ấy đã thôi thúc Thanh Hằng có thêm động lực để thực hiện chương trình lần này. Nhưng mà thực ra cái ấp ủ này đã được anh Bốn Hoài Linh gợi ý, ngay từ thời điểm mà Thanh Hằng vừa quay trở lại Việt Nam cách đây hơn 5 năm. Không những thế anh Linh còn cho biết sẽ làm liveshow cho mình, rồi đặt chủ đề cho mình luôn. Thế nhưng lúc đó mình nói thật rất sợ làm phiền em út, đặc biệt là cậu Bốn nên cũng lơ đễnh đi.
Trước khi bắt đầu kế hoạch tổ chức chương trình lần này, Thanh Hằng và Gia Bảo cũng chạy đi tìm cậu Bốn Hoài Linh để xin ý kiến. Khi nghe tin Hoài Linh rất mừng, thậm chí còn nói với Thanh Hằng một câu khiến mình cứ nhớ mãi: “Chị cứ làm đi, cái duyên tổ nghiệp cho mình cái gì thì mình hưởng cái đó”. Từ chính điều này cũng thôi thúc Thanh Hằng rất nhiều, rồi sau đó mình mới điện thoại cho mấy đứa em, ai cũng đồng ý và nhận lời hỗ trợ hết sức cho đêm diễn sắp tới nên cũng không gặp phải quá nhiều khó khăn.
- Đâu là đối tượng mà chị muốn hướng đến cho chương trình sắp tới?
Cũng như đã nói thì chương trình sắp tới chỉ hướng tới việc kỷ niệm, như là một cột mốc đánh dấu cuộc đời hoạt động nghệ thuật của Thanh Hằng mà thôi. Chính bởi vậy nên Thanh Hằng mong mỏi có thể làm sao để các cô chú anh chị lớn tuổi có thể trực tiếp được nghe Thanh Hằng hát trên sân khấu với một chương trình đặc biệt. Hơn thế nữa Thanh Hằng cũng mong các con, những người trẻ vốn chỉ được biết đến cải lương, đến cái tên Thanh Hằng qua lời của ông bà bố mẹ có cơ hội được chứng kiến mình diễn trực tiếp.
Từ chính những điều này sẽ giúp cho chúng ta hiểu và trải nghiệm nhiều hơn được sức lao động của những người nghệ sĩ đứng trên sân khấu, từng giọt mồ hôi, từng giọt nước mắt của người nghệ sĩ và mỗi một nhân vật đó phải hóa thân làm sao để khán giả thấu được, đồng cảm được. Tất cả những người nghệ sĩ, không chỉ riêng gì Thanh Hằng mà còn nhiều anh chị em khác nữa phải đánh đổi như thế để mang đến cho khán giả những điều tuyệt vời nhất khi đã bỏ tiền ra để xem mình diễn.
- Tổ chức một đêm diễn ở phòng trà có gì khác so với diễn trên các sân khấu cải lương truyền thống, thưa chị?
Trước đó Thanh Hằng đã từng hỗ trợ cho nhiều bạn trẻ và đồng nghiệp khác tại phòng trà rồi. Mà cải lương thì cần một không gian vắng vẻ, yên tĩnh để khán giả có thể chìm đắm trong từng câu thoại, lời ca của nghệ sĩ. Một vở cải lương thì cần có nhiều tố chất, từ đầu đến cuối, còn trích đoạn sẽ chỉ có phần nổi trội nhất thôi nên Thanh Hằng nghĩ phòng trà là nơi thích hợp cho việc diễn trích đoạn, thay vì là các sân khấu lớn truyền thống.
Ở những lần trước khi hỗ trợ cho anh chị em đồng nghiệp tại phòng trà thì Thanh Hằng thấy không gian nơi đây vô cùng tuyệt vời. Mình "xuống" một câu vọng cổ thì hiệu nghiệm vô cùng, âm thanh khi đó khiến khán giả “đã tay” hơn. Thấy thế nên chủ phòng trà mới ngỏ ý mời, đồng thời hứa sẽ hỗ trợ mình khi cần. Chính cái cơ duyên đó đã khiến mình quyết định làm đêm diễn kỷ niệm ở phòng trà. Hơn thế nữa khi mà dịch bệnh vẫn đang còn quanh quẩn đâu đó thì tổ chức một đêm diễn ở nơi quá lớn cũng khó lòng mà kiểm soát tốt, chưa tính đến việc một vài rủi ro có thể xảy ra nữa… (cười to)
- Một người nghệ sĩ khi tổ chức bất kỳ một đêm diễn nào đó thì khả năng thu hồi vốn vẫn phải là ưu tiên hàng đầu, thế điều này có ý nghĩa gì đối với nghệ sĩ Thanh Hằng trong chương trình sắp tới?
Nói thật sự luôn là mọi sự việc cho đêm diễn sắp tới là Gia Bảo và mọi người điều lo liệu, nhân sự mình cũng chẳng có, mình chỉ một mình thôi thì làm sao ôm hết được tất cả mọi việc đúng không nào? Chính vì điều đó mà mình cũng ngại tổ chức chương trình là thế, nhưng mà Gia Bảo đã lên tiếng như thế thì mình làm sao mà lắc đầu được.
- Việc phải thay đổi môi trường sống, từ Việt Nam sang Úc định cư rồi từ Úc lại chuyển về Việt Nam, thế chị có bị bỡ ngỡ, lo lắng hay “sốc” khi thay đổi môi trường sống hay không?
Do ngay từ nhỏ Thanh Hằng đã tập thói quen tự lập rồi nên mọi chuyện hầu như cũng không khó khăn gì mấy, kiểu như mình sống trong bất kỳ môi trường hay hoàn cảnh nào cũng phải tập thích nghi. Cũng giống như thời điểm từ Việt Nam sang Úc thì thời gian rảnh mình nhiều nên ngoài việc ca hát thì mình cũng làm thêm các công việc linh tinh khác, vừa giết thời gian nhưng cũng đảm bảo thu nhập cuộc sống.
Chính từ việc vẫn duy trì ca hát bên Úc nên khi trở về Việt Nam mình cũng không đến nổi quá bất ngờ. Nếu có là khi thời điểm đầu khi về quê hương đất mẹ thì mình có loạng choạng trong việc tìm chỗ đứng bởi một người nghệ sĩ thì từng giây, từng phút đều mong ước được đứng trên sân khấu, nhưng Thanh Hằng thì đã bị gián đoạn 15 năm rồi, không biết khán giả có còn nhớ đến mình hay không, có còn yêu thương Thanh Hằng như xưa không?
Ở bên Úc thì mình chỉ có tham gia các hoạt động hát chùa, thiện nguyện hay một hội nhóm để chủ yếu cùng nhau giải tỏa đam mê thôi, cũng thỉnh thoảng chứ không thường xuyên như Việt Nam. Thời gian rảnh mình cũng ưa hát vu vơ để đỡ nhớ nghề, chỉnh bởi thế nên khi quay lại ánh đèn sân khấu thì cũng không mất quá nhiều thời gian để hoà nhập.
- Thời điểm khi đặt chân trở về Việt Nam sau nhiều năm xa xứ, cảm xúc của chị thế nào? Công việc ở thời điểm đó có thuận lợi như thời hoàng kim hay không?
Không hiểu sao khi mà máy bay chuẩn bị đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất Việt Nam thì trong lòng của mình nó làm sao ấy, mặc dù nước mắt không chảy ra nhưng cảm xúc bồi hồi trong mình vẫn có. Nhiều câu hỏi, nỗi lo trong đầu mình khi ấy được đặt ra như phải làm gì bây giờ, bắt đầu từ đâu… Nói chung là rất nhiều, thế nhưng may mắn thay là khi về nước, Thanh Hằng vẫn nhận được sự giúp đỡ từ các ban ngành, cơ quan báo chí, đặc biệt nhất là khán giả vẫn còn ủng hộ, dang rộng vòng tay để giúp mình tiếp tục được đứng trên sân khấu, được sống với ngọn lửa nghề mà mình đã từng theo đuổi.
Còn riêng về công việc thì nếu mà nói không nhiều như thời hoàng kim cũng không đúng bởi thời đó thì khác, hiện tại thì khác. Công việc của Thanh Hằng bây giờ cũng tới tấp liên tục, nếu mà có hạn chế thì đó là sân khấu, minh không được hát hằng đêm, nguyên vở như khi xưa nữa. Bây giờ Thanh Hằng vẫn nhận show diễn đều, dù không phải là vở dài như xưa nhưng trích đoạn, ca cổ, tân nhạc,... cũng đủ để mình giải tỏa được đam mê rồi. Đã được sống với nghề đã là một điều gì đó quá đỗi hạnh phúc đối với Thanh Hằng rồi!
- Thế còn hiện tại thì sao thưa chị?
Hiện tại thì Thanh Hằng vẫn sinh hoạt nghệ thuật mỗi ngày, mỗi giờ, mình vẫn đi xuống những vùng sâu vùng xa, các đoàn hát lô tô, sân khấu lớn nhỏ để phục vụ bà con bởi đâu đâu cũng có những khán giả chờ đợi mình, chính vì tình cảm mà mọi người dành cho mình lớn đến như thế nên khó lòng mà mình có thể rời xa ánh đèn sân khấu được.
- Việc diễn sân khấu tỉnh, lô tô có khiến chị tự ti khi dù gì đi chăng nữa thì cái tên Thanh Hằng cũng đã từng gắn liền với ánh hào quang rực rỡ?
Tôi cảm thấy hạnh phúc thay vì tự ti là bởi vì mình đã đến được những nơi ấy. Như mọi người đã biết thì những đoàn lô tô thường diễn ở các vùng quê, mà bà con nơi đó khi nghe tin mình đến thì họ vui mừng lắm, khao khát của họ lớn lắm thì tại sao mình phải ngại, phải tự ti vì diễn ở đó. Mình phải đến đó để chia sẻ cùng đoàn, cùng các em hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật ấy. Nhiều khi mà Thanh Hằng đến nơi diễn đó, một số khán giả ngỡ ngàng và nghĩ tại sao lại có mặt chị Thanh Hằng ở đây. Có khi 11 giờ đêm rồi mà mình vẫn phải đi 1 chiếc phà, 1 chiếc xe, 1 tài xế riêng để băng qua sông đến được điểm diễn. Khi tới nơi thì gần 12 giờ rồi nhưng khán giả họ vẫn ngồi đó để chờ đợi xem có phải Thanh Hằng sẽ đến hay không.
Đặc biệt nhất là uy tín của người nghệ sĩ và của đoàn, mặc dù đoàn có điện thoại mời mình nhưng trong cái mời ấy người ta cũng hồi hộp, không biết liệu Thanh Hằng có đến hay không, có vì chê đoàn nhỏ mà bỏ show giữa chừng hay không, nhưng mà vì cái uy tín của đoàn thì mình vẫn phải đến. Mình đến không chỉ vì mình mà còn vì đoàn bởi nếu mà mình không đến thì khán giả họ sẽ phản ứng, lúc đó thì liệu đoàn phải sống làm sao khi uy tín bị ảnh hưởng.
- Những điều khiến nghệ sĩ Thanh Hằng nhớ nhất trong sự nghiệp của mình?
Nhiều lắm nhưng mới đây nhất là khi mà dịch bùng phát thì có một kỷ niệm khiến mình cực kỳ ấn tượng, đó là diễn cho một khán giả xem. Nhiều nghệ sĩ hay thường nói là dù cho còn một khán giả đi nữa thì vẫn diễn, câu chuyện đó với Thanh Hằng là có thật đó các bạn. Trong đợt dịch vừa qua thì có anh khán giả đó rất là yêu mến chị em mình, họ mới bảo là giờ dịch nhiều quá, sân khấu tụ điểm gì đóng cửa cả rồi mà giờ thèm nghe các chị hát quá, giờ phải làm sao. Thấy thế nên Thanh Hằng quyết định mời luôn vị khán giả ấy về nhà, rồi các chị em mới ngồi lại cùng nhau hát cho vị khán giả đó nghe. Phải nói là đặc biệt vô cùng, có những cái mà chúng ta không thể nào mua được bằng tiền, đặc biệt là tình cảm, sự yêu thương mà khán giả đã dành cho mình suốt ngần ấy năm vẫn không phai mờ.
Người ta thường bảo là nợ tiền thì còn dễ trả, còn nợ ân tình thì khó lắm, Thanh Hằng thấy điều đó đúng đấy chứ. Và cũng nhiều lắm chứ không phải riêng bây giờ, từ lúc mà ngày xưa đi hát theo đoàn ở vùng sâu vùng xa. Ngay xưa đi hát đâu có chỗ để ở, chỉ có dưới sân khấu thôi, mà đó là chỗ của anh em hậu đài ở rồi, nghệ sĩ phải đi ra ngoài để ngủ nhờ bà con người dân ở đó. Có nhiều nhà người ta thương mình lắm, con cái người ta dồn vô một chỗ chỉ để nhường cho mình chiếc giường để nghệ sĩ ở. Ân tình đó làm sao mà xóa nhòa được, ơn nghĩa đó làm sao mà nghệ sĩ quên được. Cho nên là mình đến tận nơi để phục vụ cho bà con như cách để đáp lại tình cảm mà họ đã dành cho mình.
- Cuộc sống hiện tại đã đủ để chị hài lòng?
Mình không may mắn trong cuộc sống nhưng mình may mắn nhận được sự yêu thương từ khán giả. Trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời rồi thì khoảng ngắn còn lại này Thanh Hằng chỉ mong được sống hết mình với nghề nghiệp, với khán giả, những người đã luôn yêu thương và đồng hành cùng mình suốt nhiều năm qua.
Hơn thế nữa cuộc sống gia đình hiện nay cũng đủ khiến mình cảm thấy hài lòng. Mỗi khi buồn hay gặp bế tắt trong cuộc sống, Thanh Hằng thường tìm đến âm nhạc để giải tỏa nỗi buồn, có khi là lấy lời ca tiếng hát ra để thỏa mãn, không thì vào phòng thu, cứ thế thôi!
- Còn mức cát-sê bây giờ, nó có được như thời xưa, lúc mà sân khấu cải lương còn hoàng kim không thưa chị?
Phải nói thật sự chứ mức cát-sê của Thanh Hằng từ trước đến nay mình chưa bao giờ tính toán. Mình chỉ nghĩ là người ta bán vé, đôi khi cũng không thuận lợi gì nên cũng không cố định ở một mức cụ thể nào đó. Có những show diễn thì mình phải nói giá, còn những show khác thì mình thường nói với bầu show là nghĩ như thế nào để cả hai cùng có lợi, bầu show không lỗ và Thanh Hằng cũng đừng có thiệt thòi. Thế nhưng xưa đến giờ Thanh Hằng thấy không ai khiến mình hẹp cả mà nhiều khi người mời còn cho mình nhiều hơn cái con số mà mình nghĩ nữa...
- Nhắc đến lớp thế hệ nghệ sĩ cải lương hiện tại thì người ta chỉ nhớ một vài cái tên thay vì hàng loạt như xưa, thế theo nghệ sĩ Thanh Hằng thì điều gì khiến cho những nghệ sĩ trẻ hiện nay chưa thể sánh ngang được như những "cây đa cây đề" đi trước?
Lớp thế hệ trẻ bây giờ hiện nay may mắn là được nhiều điều kiện hơn thế hệ ngày xưa, các em còn được hỗ trợ, giúp đỡ, công nghệ thông tin cũng giúp các em có thể dễ dàng tiếp cận hơn với khán giả. Thế nhưng theo Thanh Hằng thì chính điều đó phần nào khiến các em không bằng, nói như thế không phải là các em không tâm huyết mà đôi khi những điều có sẵn cũng khiến mọi thứ dễ dàng hơn thay vì phải nỗ lực gấp nhiều lần như thế hệ của mình trước đây.
Ngày xưa khi Thanh Hằng đi diễn, cái gì cũng phải tự lo cả. Ngay cả một cây phấn, mí mắt cũng phải tự mình đi lo đi kiếm. Chính bởi thế nên khiến mình phải trân quý nhiều hơn những gì mà mình làm ra. Tuy vậy thứ mà Thanh Hằng bâng khuâng nhất ở đây chính là sân khẩu để những nghệ sĩ trẻ biểu diễn hằng đêm.
Ngày xưa Thanh Hằng được biểu diễn hằng đêm, có khi cả ngày diễn đến 2 vở, bởi thế nên khi buông ra đôi khi bỏ 10 năm 20 năm vẫn nhớ tuồng như thường. Còn hiện nay sân khấu cũng hơi ít, nhiều khi cả tuần mới diễn một lần nên cũng khó để mong các em có thể sáng tạo hay nhập tâm vào nhân vật bằng được như mình ngày xưa. Thế nên Thanh Hằng chỉ mong mỏi làm sao mà ánh đèn sân khấu trở lại để không chỉ các nghệ sĩ trẻ có cơ hội trau dồi mà mình cũng có thể sống lại cảm giác "sướng" như trước.
- Theo chị, danh hiệu có phải là "thước đo" của người nghệ sĩ hay không và bản thân nghệ sĩ Thanh Hằng có hối tiếc khi để vuột mất một danh hiệu nào đó?
Một danh hiệu là một sức lao động của người nghệ sĩ, người nghệ sĩ phải có cống hiến, có lao động cật lực thì mới được nhà nước phong tặng như thế. Đó là một giá trị của người nghệ sĩ. Còn nói về vấn đề có hối tiếc hay không thì Thanh Hằng nghĩ mình chẳng có gì để hối tiếc cả. Vì người ta thấy sự nỗ lực của mình, thấy được sản phẩm của mình thì người ta mới đề xuất phong danh hiệu. Còn việc mình định cư sang Úc là để mưu sinh nên mình nghĩ, chỉ cần người ta biết, người ta công nhận, khán giả biết, khán giả yêu thương mình, như thế đã là quá đủ...
- Cảm ơn Thanh Hằng về buổi phỏng vấn, chúc đêm diễn của chị sắp tới sẽ thành công tốt đẹp!