Một buổi sáng cuối tháng Sáu, chúng tôi – những người phóng viên trẻ len lỏi vào một con hẻm nằm sâu ở ngoại ô TP HCM, để tìm về nơi trọ của nghệ sĩ Mạc Can, người được mệnh danh là “Bác Ba Phi” của màn ảnh Việt.
Vẫn phong thái ấy, vẫn nụ cười nhân hậu, song thời gian quả thật rất khắc nghiệt, ông không còn nhanh nhảu cười đùa như xưa. Mạc Can giờ chỉ còn quanh quẩn xoay quanh gói thuốc, chiếc giường – đồ vật mà ông đã gắn bó suốt nhiều năm nay.
“Tôi nhớ đường sá, nhớ nghệ thuật, nhớ mọi người…”
Dường như gắn bó cả cuộc đời cho nghệ thuật, hiếm ai ngờ được rằng người nghệ sĩ luôn mang niềm vui, tiếng cười, sự lạc quan lên sân khấu như Mạc Can lại cô độc ở chặng đường cuối cùng của đời người.
Gặp nghệ sĩ Mạc Can khoảng độ 9 giờ sáng, song ông lại đang chập chờn vào giấc ngủ, ông còn hỏi chúng tôi: “Bây giờ là buổi sáng à, tôi ở trong nhà miết nên có hay gì đâu”. Gặng hỏi thì mới rõ ông ngủ để vơi đi nỗi buồn vì... “nằm trên giường mãi cũng có biết làm gì đâu!”.
Từng sống với người em gái ở Hóc Môn, song nghệ sĩ Mạc Can lại dời về căn phòng trọ cũ kỹ, chật hẹp ở ngoại ô TP HCM. Khó có thể tin rằng, suốt một đời bươn chải khắp dải đất hình chữ S, đi từ Mỹ cho đến các quốc gia châu Âu, ấy vậy mà ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, nghệ sĩ Mạc Can lại chẳng có một nơi để gọi là “nhà”...
Số phận bạc bẽo của người nghệ sĩ là thế, phía sau hào quang sân khấu là một câu chuyện đầy nước mắt về cuộc đời, thế nhưng “ông già” ấy lại chẳng bao giờ than vãn mà luôn truyền năng lượng tích cực cho người đối diện.
Ông xót xa chia sẻ về chuyện chẳng muốn làm phiền ai ở tuổi xế chiều: “Tôi rầu lắm khi ở trọ nơi đây, nhìn qua nhìn lại chẳng có ai, hiếm hoi lắm mới thấy bạn bè đến thăm. Con hẻm này cũng vắng nhưng cũng chẳng biết phải làm sao. Tôi không ở dưới Hóc Môn với cô em vì sợ làm phiền mọi người, tôi sợ lắm!”.
Nhìn ánh mắt, cử chỉ hành động của ông, có lẽ thứ mà ông "thèm khát" nhất lúc này chẳng phải sơn hào hải vị, cũng chẳng phải món ngon vật lạ gì trên đời mà đó là “thèm” được gặp người. Ông ân cần hỏi về phim điện ảnh Chuyện ma gần nhà – tác phẩm mà ông tham gia gần đây.
Nghệ sĩ Mạc Can khéo đùa: “Tôi nghe bảo phim đó được khen lắm, người ta cũng khen vai diễn của tôi, mà tôi thấy tôi diễn có xuất sắc gì đâu”. Kỳ thật, suốt gần 50 năm làm nghề, từ "Bác Ba Phi" trong Đất Phương Nam cho đến những vai diễn gắn liền với tuổi thơ bao thế hệ trong series Chuyện Cổ Tích, nghệ sĩ Mạc Can chưa bao giờ tự nhận bản thân là người giỏi. Có lẽ chăng sự khiêm tốn, nét mộc mạc ấy lại là yếu tố khiến cho cái tên Mạc Can được nhiều người yêu quý.
Dẫu cho đã xấp xỉ 80, ông vẫn đau đáu nỗi khát khao về nghệ thuật, ước rằng mình có sức khỏe để tiếp tục đồng hành cùng thế hệ trẻ trên con đường đưa phim ảnh nước nhà vươn xa. Suốt buổi trò chuyện, nghệ sĩ Mạc Can liên tục nhắc về nữ đạo diễn trẻ Linh Đan – người đang phát triển dự án đưa tiểu thuyết Tấm ván phóng dao của nghệ sĩ Mạc Can lên màn ảnh.
“Linh Đan đã về nước chưa”, “Con bé nó ít nói lắm, nó về đây là ghé thăm tôi” hay “Linh Đan nó hiền, ít nói lắm, chịu lắng nghe nữa”… là những câu được nghệ sĩ Mạc Can liên tục nhắc đến mỗi khi chúng tôi dứt lời. Thậm chí khi nhắc về tác phẩm “con cưng” Tấm ván phóng dao của mình, ông còn hào hứng kể liền một mạch từng chi tiết nhỏ nhất trong tiểu thuyết khiến chúng tôi bất ngờ.
Ở thời điểm hiện tại, có lẽ mơ ước lớn nhất đối với Mạc Can là được khoẻ mạnh để chứng kiến quyển tiểu thuyết đã làm nên tên tuổi của nghệ sĩ Mạc Can lên phim. Song có đôi lúc, nghệ sĩ Mạc Can vẫn không tránh khỏi những lúc tiêu cực khi nhắc về chuyện sinh lão bệnh tử: “Tôi nhớ đường sá, nhớ nghệ thuật, nhớ mọi người, lâu lâu hỏi thăm bạn bè ở quán cà phê mình hay ngồi, cũng có nhiều người đi rồi, giờ không sớm thì muộn chắc mình cũng sẽ đi theo tụi nó thôi”.
Ở mỗi tác phẩm của nghệ sĩ Mạc Can, từ phim ảnh cho đến văn học đâu đó đều có sự khắc khổ của mỗi số phận. Có thể bên trong từng chi tiết, nghệ sĩ Mạc Can đã khắc họa phần nào số phận cuộc đời mình, đặt để chúng vào để vơi đi nỗi cô đơn trong lòng.
Khi được hỏi liệu có hay không những tác phẩm, vai diễn mà ông tham gia như “vận” vào người mình, ông chỉ cười nhẹ và đáp: “Tôi có khó khăn, trắc trở gì trong cuộc sống đâu chú ơi”.
“Con gái tôi có chồng rồi, bên đó cũng khó, tôi lại càng không muốn làm phiền đến ai”
Nghệ sĩ Mạc Can trải lòng ông từng có hơn 2 năm sinh sống và làm việc tại Mỹ. Suốt quãng thời gian ấy, ông dường như đã đi lưu diễn tất cả các bang, song ông lại chán và không cảm thấy “sướng” như ở quê nhà: “Ở đây dù vắng hoe như thế này nhưng cũng cảm thấy gần gũi, tôi sống từ nhỏ ở đây rồi nên quen nếp, nói nhớ nhà nhưng thật ra là nhớ quê hương Việt Nam. Còn bên Mỹ quanh năm suốt tháng cũng chẳng thấy mặt hàng xóm. Đó cũng là lý do khiến tôi quay về Việt Nam sau 2 năm sang Mỹ”.
Nghệ sĩ Mạc Can cũng tâm sự rằng bản thân ít đóng và xem những tiểu phẩm hài bây giờ là vì không "đã", không "sướng" bằng trước đây. Ông cho rằng một số những tiểu phẩm, vở diễn gần đây khiến cho khán giả bị gượng ép phải cười, thay vì những mảng miếng, câu chuyện mang tính nhân văn như trước kia.
“Tôi không đóng hài dù được mời nhiều, tôi chỉ từng diễn chung với ông Vân Sơn mà thôi. Tôi thấy hài bây giờ khiến khán giả phải cười trong gượng gạo, tôi không thích như thế”, nghệ sĩ Mạc Can nói.
Có thể thấy dẫu đã tạm rời xa ánh đèn sân khấu một thời gian dài, tuy nhiên nam nghệ sĩ vẫn có cái nhìn sâu sát về nghệ thuật nước nhà, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ. Thế mới biết được rằng, ngọn lửa nghệ thuật trong ông vẫn còn lớn đến nhường nào. Điểm chung của lần gặp gỡ lần này giữa chúng tôi và ông là mỗi khi nhắc về nghệ thuật, ông lại nói rất nhiều, song ở khía cạnh cuộc sống, gia đình, ông lại trầm hơn hẳn.
Là người hiếm khi chia sẻ về chuyện đời tư, thế nhưng ở lần gặp chúng tôi, ông lại nói khá nhiều về cô con gái đang sinh sống tại nước ngoài. Nghệ sĩ Mạc Can tâm sự với giọng ngập ngừng, dường như có một nỗi niềm nào đó đang được giấu kín: “Nó có chồng rồi, mấy năm sau mới về, nó ngoài 30 tuổi rồi và có hai đứa con rồi. Nói chung bên đó cũng khó. Nó còn trẻ nên nó ở bên đó được, còn cơ hội để phát triển, còn mình thì lớn tuổi rồi. Tôi không sang đó ở với con là vì không muốn làm phiền ai cả”.
Ở cái tuổi U80 và rơi vào hoàn cảnh đơn độc như nghệ sĩ Mạc Can, nhiều người thuộc thế hệ của ông sẽ chọn lui vào chùa nghệ sĩ để sống vui vẻ quãng đời còn lại cùng đồng nghiệp, thế nhưng nghệ sĩ Mạc Can lại khác. Ông lựa chọn cách ở trọ là vì chẳng muốn phiền hà đến ai, cũng chẳng muốn ảnh hưởng đến những người cùng máu mủ ruột thịt đến mình chứ đừng nói đến chuyện người xa lạ. Song lý do lớn nhất mà ông chia sẻ là vì sợ sẽ mích lòng đồng nghiệp: “Cậu nói cũng đúng, vô chùa có bạn bè cũng vui vẻ nhưng cũng rắc rối lắm. Người già người ta hay nhắc đến chuyện cũ, mà nhắc đến những chuyện cũ một lúc là sẽ gây lộn, xích mích. Chưa kể người nghệ sĩ càng có lòng tự trọng nữa, hay giận, hay buồn nên cũng sợ”.
Đời nghệ sĩ là vậy, mua vui cho cả thiên hạ nhưng đến cuối cùng, bản thân luôn là người chịu thiệt thòi. Một ông lão 78 tuổi, cái tuổi đáng lý ra phải được nghỉ ngơi, an dưỡng bên “con đàn cháu đống” thì nay lại lọc cọc ngồi gõ từng con chữ để kiếm thêm chút đỉnh tiền trang trải cuộc sống.
Cuối buổi trò chuyện, chúng tôi nán lại hơn 1 giờ để chỉ ông thao tác với chiếc máy tính mới mà theo lời ông "đã 2 năm nay chưa đụng đến". Ông thao tác chậm rãi, gõ lọc cọc và vui vẻ mỉm cười khi hoàn thành dòng chữ “Lê Trung Cang” - tên thật của nghệ sĩ Mạc Can.
Thật vậy, niềm vui ở tuổi này đối với Mạc Can có lẽ đơn giản chỉ thế thôi. Chúng tôi ra về với cái vẫy tay chào tạm biệt của ông kèm lời dặn khiến ai nấy đều xót xa: “Cô cậu nhớ đến thăm tôi nữa nghe, đừng đến nhiều quá, cũng đừng lâu quá mới đến!”…