Người Việt thường rất coi trọng những điều xảy ra trong ngày đầu năm mới và quan niệm rằng: những ngày đầu năm mới nếu gặp nhiều điều tốt thì sẽ may mắn cả năm và ngược lại. Vì thế, họ cũng đặt ra rất nhiều điều kiêng kỵ không nên làm. Theo đó, nếu làm những việc này trong 3 ngày Tết thì xuân mới coi như xui xẻo và cả năm khó phát tài, phát lộc.
Nếu bạn cũng là người coi trọng lễ nghi cổ truyền thì hãy thuộc lòng ngay những điều kiêng kỵ sau đây:
Kiêng cho lửa, nước đầu năm
Lửa tượng trưng cho sắc đỏ, cho sự may mắn. Trong ngày đầu năm, việc cho đi lửa là cho đi cái đỏ, cái may mắn khiến gia đình có nguy cơ gặp nhiều điều rủi ro, tai vạ.
Nước là một trong những nguyên tố khởi nguyên của vũ trụ nên người Việt Nam quan niệm, nước cũng như nguồn tài lộc. Cho lửa hay cho nước đều là cho đi vận may, tài lộc. Vì thế, Tết đến xuân về, nhà ai cũng lo giữ lửa, nước. Thời xưa, các bà, các mẹ đều lo gánh nước đổ đầy chum vại để tránh phải đi xin hàng xóm những thứ thiết yếu này trong 3 ngày Tết Nguyên đán.
Kiêng quét nhà, đổ rác vào ngày mùng Một
Tục lệ này ngày nay rất phổ biến ở khắp các vùng miền. Thông thường, trước Tết Nguyên đán, các gia đình đều tập trung dọn dẹp để ngày Tết không cần dọn nữa. Những ngày đầu năm, các gia đình đều kiêng quét nhà bởi theo quan niệm nếu quét nhà là sẽ hất tài lộc ra khỏi cửa. Hoặc có thể quét nhưng phải để rác ở một góc nhà chứ không hót đi.
Không làm đổ vỡ đồ dùng
Người Việt Nam quan niệm đổ vỡ đồ dùng trong nhà như bát đĩa, ấm chén, gương trong ngày đầu năm báo hiệu cho sự chia lìa, đổ vỡ nên rất kiêng kỵ.
Không vay mượn đầu năm
Không chỉ kiêng không cho xin nước, lửa người Việt Nam còn cho rằng, 3 ngày Tết không nên cho ai vay tiền và cũng không nên đi vay của người khác. Vì theo quan niệm, nếu đi vay thì cả năm sẽ túng thiếu cùng quẫn còn cho vay thì tiền bạc phân tán, không được may mắn, phát đạt.
Kiêng ăn món xui xẻo
Tùy theo vùng miền, người dân có những quan niệm riêng về những món cần tránh. Ví dụ người miền Nam kiêng ăn tôm vì cho rằng con vật này đâu to hơn đuôi, đi giật lùi. Nếu năm mới ăn vào sẽ khó có cả năm đầu xuôi đuôi lọt, đi giật lùi như tôm.
Ngoài ra, 3 ngày Tết, người Việt không ăn những món như thịt vịt, cá mè, thịt chó vì theo quan niệm đó là những món ăn không tốt cho năm mới.
Đóng cửa ngày Tết sẽ đói nghèo, tù túng
Theo quan niệm, đóng cửa nhà trong ngày Tết sẽ đói nghèo tù túng, trừ khi phải ra khỏi nhà đi chơi, thăm hỏi… Vì theo tín ngưỡng dân gian, từ sớm mồng 1 đến trước ngày rằm tháng giêng, Ngọc Hoàng cùng chư vị thần tiên sẽ giáng phàm du lý từng nhà và nếu đóng kín cổng, các vị coi như sự bất kính mà giận dỗi bỏ đi và cả năm, thậm chí nhiều năm sau gia đình sẽ không được hưởng phúc, sẽ bị đói nghèo, tù túng.
Kiêng nói những điều xui
Những phát ngôn đầu năm sẽ có ảnh hưởng đến những chuyện sẽ xảy ra trong năm. Vì vậy, bạn đừng nên nói những từ xui xẻo như “Chết mất” hay “Tiêu rồi”,”Hỏng rồi”. Ngoài ra, nếu gặp người đang bị ốm tuyệt đối tránh những câu nói xui xẻo liên quan đến bệnh nặng hay cái chết. Ngày thường, điều này cũng cần kiêng kỵ nhưng trong dịp Tết càng cần chú ý hơn.
Thay vào việc nói những câu “ám quẻ”, bạn nên nói chuyện với mọi người bằng những từ ngữ dễ chịu, vui vẻ, và những câu mang lại may mắn không chỉ cho bản thân mà cho cả người xung quanh mình.
Không xuất hành ngày mồng Năm
Ngày mùng Năm là ngày nguyệt kị, người Việt thường không xuất hành đầu năm vào ngày này. Dân gian có câu: “Mùng năm, mười bốn, hai ba; đi chơi còn lỗ nữa là đi buôn”, người Việt tin rằng mùng 5 không thích hợp cho các cuộc du xuân lấy lộc.