Bố Sơn của bộ phim hot nhất hiện nay “Về nhà đi con” được khắc họa là một người đàn ông góa vợ khi mới ngoài tuổi 30, “gà trống” nuôi ba người con gái suốt mấy chục năm trời. Ba người con nhưng mỗi người một tính, mỗi người có một vấn đề riêng của mình khiến ông lúc nào cũng lo lắng, đau đáu suy nghĩ phải làm thế nào để các con có cuộc sống tốt nhất.Chính điều này đã khiến hành trình làm bố của ông Sơn thêm vất vả, khổ cực. Nhưng không vì thế mà ông đánh mất kiên nhẫn trong quá trình nuôi dạy con.
Bố Sơn luôn có một nguyện vọng, đó là biến căn nhà của mình thành nơi chứa chan hạnh phúc, là nơi mà mỗi khi các con mệt mỏi với cuộc sống bộn bề ngoài kia, là nơi mà khi cả xã hội có quay lưng lại thì các con hãy luôn nhớ rằng có bố vẫn ở nơi đây, dang rộng cánh tay và nói: “Về nhà đi con!”
Nhìn vào bố Sơn, ta có thể bắt gặp hình ảnh của mọi ông bố trên thế giới này - người đã ở bên cạnh ta từ khi ta cất tiếng khóc đầu tiên chào đời, cùng ta trải qua mọi chuyện trên con đường trưởng thành, cùng cười, cùng giấu những giọt nước mắt. Có thể đôi bàn tay của bố thô ráp vì nắng mưa, có thể bố đôi khi bị gắn với hình tượng nghiêm khắc, nhưng sau tất cả là một trái tim nhỏ bé với tình yêu to dành cho con. Sẽ chẳng quá lời khi nói rằng bố là món quà tuyệt vời nhất cuộc đời ban tặng cho mỗi chúng ta.
Bố đôi khi là người bạn thân thiết, đôi khi là người thầy dạy ta những bài học đắt giá trong cuộc sống.
“Trong cuộc sống gặp những điều phiền muộn, những khó khăn, trở ngại là chuyện bình thường thôi” - Đó là câu nói vực dậy tinh thần của bố Sơn khi con gái mình đang cảm thấy bế tắc trong cuộc đời. Ông đã không dạy con phải sống thỏa hiệp với cuộc đời mà hãy coi nhưng khó khăn là gia vị cuộc sống, ai cũng sẽ trải qua và gặp phải nó, suy nghĩ đơn giản theo hướng tích cực thì trở ngại sẽ giúp ta trưởng thành hơn.
Ngoài đời, bố đôi khi là một người bạn thân thiết để chia sẻ với ta mỗi niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống, đôi khi là một thầy để dạy ta những bài học về cuộc sống, về cách làm người, về xã hội đầy rẫy những bất công ngoài kia. Bố dạy ta biết tự chịu trách nhiệm với cuộc đời, học cách vượt qua khó khăn thay vì lùi bước, học cách nhận lỗi và biết sửa chữ sai lầm. Khi con sai bố luôn nghiêm khắc thể hiện thái độ không bằng lòng và xử phạt. Chắc chắn rằng ai trong chúng ta cũng đã từng ấm ức đến bật khóc vì bị bố phạt khi mình làm sai, nhưng hãy hiểu cho những họ, vì tương lai trưởng thành là một người tốt của con thì cần phạt phải phạt, ”cần đánh phải đánh thôi”.
Vượt lên trên tất cả, bố luôn là một người bố đầy lòng vị tha và tình yêu, sẵn sàng thứ tha cho chúng ta mọi lỗi lầm và luôn dang rộng vòng tay ôm ta vào lòng dù hôm nay ta thành công hay thất bại. Bố luôn như vậy, luôn trao đi thứ tình yêu bao la nhất mà chẳng bao giờ cần hồi đáp.
Khác với mẹ, bố là người không giỏi bộc lộ cảm xúc và luôn tỏ ra nghiêm khắc, nhưng khi ấm áp lại không ai bằng.
Có thể khi xem “Về nhà đi con” nhiều người sẽ nghĩ là bố Sơn ghét Dương vì sự ra đời của Dương làm cho vợ ông mất. Nhưng không phải vậy, thậm chí Dương lại là một người con ông thương vô cùng. Khác với hai chị gái nữ tính, cô em út Ánh Dương lại tinh nghịch và có chút… nam tính. Ngay từ khi còn nhỏ, bố Sơn và Dương đã không hợp tính nhau, cũng có những lúc bố Sơn mắng, đánh Dương vì chưa hiểu đủ con gái. Nhưng sau mỗi lần như vậy bố lại cảm thấy có lỗi vô cùng và tìm cách để có thể bù đắp lại những tổn thương lòng mà mình đã làm với cô con gái út bé nhỏ.
Hay như đối với Huệ - cô con gái cả hiền dịu, nết na nhưng lại đem cả thanh xuân ở bên một người chồng vũ phu, cờ bạc. Khi vô tình nhìn thấy cảnh con gái ở bên tình cũ, dù rất thương con nhưng ông nghiêm khắc lên án con gái mình, thậm chí bố Sơn còn đồng tình với con rể khi hắn đòi đánh con gái mình: “Nếu đáng đánh vẫn phải đánh!”
Không phải bố tàn nhẫn, chỉ là bố phải học cách mạnh mẽ vì bố là trụ cột của gia đình. Khi bố Sơn mắng hay thậm chí ra tay đánh những đứa con gái của mình, ta nghĩ rằng do ông chai lì cảm xúc ư? Không, đơn giản bởi “Người lớn chỉ là đang chịu đựng, họ chỉ đang cố tỏ ra mạnh mẽ để gánh vác trách nhiệm tuổi tác. Người trưởng thành cũng biết đau”. Trong khi Ánh Dương gào khóc xin bố thương chị , bố Sơn lạnh lùng quay đi. Thế nhưng đêm về, ông lại lủi thủi trốn ra một góc để nghiền ngẫm lại mọi chuyện, nước mắt bố rơi từ lúc nào không hay.
Chắc chắn trong cuộc đời mỗi chúng ta ai cũng đã từng ấm ức đến bật khóc vì bị bố phạt khi mình làm sai, nhưng hãy hiểu cho họ,vì tương lai trưởng thành là một người tốt của con thì bố phải nghiêm khắc, đôi khi là thay phần của mẹ nữa.
Dù ta có lớn thế nào thì đối với bố, ta vẫn chỉ là đứa con thơ mà bố muốn che chở, bảo vệ cả cuộc đời.
Chúng ta dù lớn thế nào thì trong mắt những ông bố vẫn là đám con thơ non nớt năm nào. Tình yêu của bố đối với đứa con thơ của mình như một hình tròn, không có điểm đầu cũng chẳng có điểm cuối, tình cảm đó cứ mãi như vậy mà chẳng “chệch bánh lệch nhịp” được đâu.
Huệ - Thư - Dương nay đều đã là những cô gái trưởng thành nhưng bố Sơn chưa bao giờ thôi lo lắng về con. Ba người con gái gặp muôn vàn khó khăn, vấp ngã trong cuộc sống. Như khi Thư nợ nần chồng chất vì làm ăn thua lỗ, bố Sơn chẳng ngại ngần mà tìm mọi cách mà kiếm đủ tiền giúp con gái. Khi cuộc hôn nhân của Huệ trên bờ vực đổ vỡ, bố Sơn lại dang tay đón con gái về nhà vì cuộc đời này, bố sẽ không để cho một ai có quyền làm con gái ông phải khóc.
Thế giới ngoài kia lắm lúc toàn lừa dối, mỏi mệt, cũng may chúng ta luôn có bố ở bên để xin lời khuyên, xin câu an ủi, vỗ về và xin lời động viên để tiếp tục cố gắng. Dù ta có lớn thế nào thì đối với bố, ta vẫn chỉ là đứa con thơ mà bố muốn che chở, bảo vệ cả cuộc đời.
Tình yêu thương của bố luôn là thứ tình yêu thầm lặng nhất.
Khi còn nhỏ, ta luôn mơ ước trở thành siêu nhân hay những siêu anh hùng trong truyền thuyết mà quên mất rằng có một siêu anh hùng ngoài đời thực. Đó là bố. Khác với mẹ, bố là người không giỏi bộc lộ cảm xúc nhưng bố luôn cưng chiều ta theo cách rất riêng, hơi vụng về nhưng lại vô cùng đáng yêu. Chúng ta sẽ mãi mãi không thể hiểu hết được vì muốn ta có một cuộc sống đầy đủ, vui vẻ bố đã trải qua những khó khăn, vất vả thế nào. Những lời hứa với chúng ta, bố luôn cố gắng hoàn thành hết sức, vì bố không muốn khiến chúng ta thất vọng.
Vợ mất sớm để lại ba đứa con nhỏ, bố Sơn vừa phải làm tròn trách nhiệm của một người cha, vừa phải trở thành một người mẹ để nuôi dạy con nên người. Bao nhiêu khó khăn vất vả đè nặng lên đôi vai, nhưng chưa bao giờ có một tiếng kêu than, bởi vì đó là bố, dù có nghèo khó, bố vẫn muốn con cái được ăn ngon mặc đẹp, luôn cố gắng để cho các con một cuộc sống đầy đủ nhất và luôn cảm nhận được hơi ấm gia đình.
Bố cũng không phải vừa sinh ra đã làm bố. Bố cũng là lần đầu tiên làm bố. Cho nên, trên con đường học làm bố đó sẽ có lúc bố mắc sai lầm, nhưng sau tất cả bố vẫn ở nơi đó dành cho con những điều tuyệt vời nhất, yêu con bằng tình yêu thầm lặng nhất.
“Hạnh phúc của con còn quan trọng hơn nỗi buồn của người khác”.
Dùng cả cuộc đời để nuôi dạy ba người con khôn lớn, sâu thẳm trong trái tim bố Sơn chỉ có một ước nguyện lớn nhất là mong các con luôn được hạnh phúc. Bố có thể làm tất cả, đánh đổi mọi thứ chỉ để tìm thấy sự bình yên cho con thì bố cũng cam lòng.
Khi cuộc hôn nhân của Huệ trên bờ vực đổ vỡ, trước sức ép của con rể là đưa 700 triệu thì sẽ kí vào đơn ly hôn trả tự do cho Huệ, bố Sơn đồng ý chẳng ngại ngần. Vì đối với bố tiền bạc thì có thể kiếm lại được, nhưng hạnh phúc, thanh xuân của con gái ông đã mất đi thì sẽ không bao giờ trở lại. Hay như khi nghe Thư nói sẽ sinh đứa con và làm mẹ đơn thân, ông không trách cứ hay mắng mỏ, ông cũng chẳng ngại ngần việc mình sẽ bị hàng xóm láng giềng dị nghị, ông chỉ gật đầu đồng ý vì ông tin vào quyết định của con, ông tin vào hạnh phúc con lựa chọn.
Trước mặt bố bao nhiêu điều bẩn thỉu của thế giới đều biến mất không dấu vết. Bố kiên trì trụ vững là vì có hạnh phúc của con bố cần bảo vệ.
Càng lớn lên, bận rộn chạy đua với cuộc sống hối hả, với những mối quan hệ bên ngoài, với cuộc sống riêng, ta chẳng còn có cơ hội cạnh bố nhiều như xưa nữa, nhưng bố vẫn ở đằng sau ủng hộ mọi chuyện ta làm. Bất chợt một ngày quay lại nhìn, tóc bố đã điểm những sợi bạc, mắt bố đã thêm nhiều nếp nhăn, đôi chân bố chẳng còn nhanh nhẹn như xưa nữa. Bố cũng đã từng có cho mình những khát vọng tuổi trẻ, nhưng rồi bố gạt lại tất cả những đam mê của bản thân để dùng cả cuộc đời hoàn thành sứ mệnh là một người bố tuyệt vời của chúng ta.
Chưa bao giờ bố ngừng yêu thương, quan tâm, hết mình vì chúng ta. Nên những lo lắng, dặn dò, sự bảo bọc từ ấu thơ đến khi đã trưởng thành của bố có đôi khi trở thành sự phiền toái đối với bạn thì vẫn hãy mỉm cười mà đón nhận. Vì rất có thể, đến một lúc nào đó, khi chúng ta muốn ở bên bố nhiều hơn, muốn nói rằng con yêu bố, thì đã quá muộn rồi…
Kết.
Thực tế là mỗi người chúng ta có thể dễ dàng nói lời yêu thương, bày tỏ sự cảm ơn với mọi người xung quanh. Vậy mà để nói lời yêu thương, cảm ơn với bố thì lại cảm thấy thật khó.Phải chăng vì những yêu thương của bố dành cho mình quen thuộc đến nỗi chúng ta mặc định luôn đó là điều hiển nhiên và cảm thấy khó nói lời yêu thương? Nhưng dù bận rộn như thế nào trong 365 ngày trong năm, dù có chút ngại ngùng, , cũng hãy dành hôm nay - Ngày của Bố để gửi đến tất cả những người bố tuyệt vời trên thế gian này!
Cám ơn bố vì đã là bố của con!