Khác biệt cuộc sống nơi đất khách quê người
Cuộc sống du học không đơn thuần là chuyện lĩnh hội kiến thức chuyên sâu tại những nền giáo dục tiên tiến, mà đó là cả một cuộc sống với lối văn hóa, thói quen và tập tục mới. Những nỗi gian truân ấy có lẽ chẳng chừa một ai, chị Đào Mai Dung ( sinh năm 1989 - Hải Dương) đã gặp rất nhiều khó khăn trong những ngày đầu xa xứ. Từ việc bất đồng ngôn ngữ, trường tiếng, trường senmon lại rất ít người Việt cho đến gánh nặng kinh tế và cả sự bỡ ngỡ với nền văn hoá khác biệt, tâm lý đơn độc khi phải xa gia đình.
Thời gian học tập kết thúc, có những vất vả không nói nên lời, bởi chị Dung không phải con nhà sinh ra ở vạch đích được sự bao bọc của gia đình, Với tính tự lập chị đi làm thêm đủ thứ việc để trang trải cuộc sống bên Nhật cũng như tích lũy kinh nghiệm và may mắn có sự giúp đỡ, chia sẻ của bạn bè tại Nhật. Vốn đam mê và yêu thích kinh doanh từ khi còn nhỏ, ngay khi là du học sinh chị Dung đã ấp ủ ước mơ lập công ty riêng, nhưng tài chính có hạn, kinh nghiệm ít ỏi, không có người thân hỗ trợ, chị chưa dám liều lĩnh để khởi nghiệp. Hai mươi lăm tuổi tốt nghiệp, may mắn hơn rất nhiều người, chị Dung trúng tuyển vào vị trí quản lý nhân sự tại một công ty thực phẩm của Nhật với mức thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, sau 3 tháng tại vị, nhận thấy “dòng máu kinh doanh” vẫn ngày đêm chảy trong huyết quản của mình thôi thúc chị bước ra “biển lớn”, không lâu sau đó, với sự động viên của người yêu (hiện tại là chồng) chị quyết định nghỉ việc, sẵn sàng chấp nhận rủi ro, đương đầu với thử thách, dồn tâm huyết để thành lập Công ty của riêng mình. Ở tuổi 23, cô gái du học sinh nuôi mộng lớn khởi nghiệp từ con số 0 tròn trĩnh.
Từ du học sinh đến bà chủ doanh nghiệp từng suýt… phá sản
Sau quãng thời gian du học tại Nhật Bản, nhận thấy tầm quan trọng của nhu cầu người dùng về các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp nội địa Nhật ngày càng gia tăng, chị Dung mạnh dạn dùng hết sức trẻ để thành lập công ty với mục tiêu quan trọng nhất là đưa người tiêu dùng Việt đến gần hơn tới các sản phẩm nội địa Nhật chất lượng với giá thành hợp lý.Khó khăn đầu tiên là tìm hiểu các thủ tục thuế và sắp xếp các thủ tục theo pháp luật của Nhật, bởi 7 năm về trước thông tin về lĩnh vực này rất ít ỏi. Miệt mài tìm kiếm thông tin, may mắn thay được nhiều người bản địa và thầy cô giáo cũ giúp đỡ, chị đã nhanh chóng hoàn thành các thủ tục pháp lý.
Ban đầu, chị Dung chỉ có số vốn vỏn vẹn khoảng 200 triệu đồng, mà lập được công ty đổi visa kinh doanh thì cần vốn là 1 tỷ đồng, một số tiền quá lớn đối với cô gái chỉ mới bước sang tuổi 23, chị chạy vạy khắp nơi lo cho đủ, từ người thân cho đến bạn bè. Thế rồi trời cũng chẳng phụ người có công, những hợp đồng đầu tiên dần đến và bắt đầu mang lợi nhuận về cho công ty. Qua từng bước phát triển, chị đủ khả năng thuê thêm nhân sự người Nhật, phá vỡ rào cản ngôn ngữ nhằm có thêm cơ hội ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài.
Tuy nhiên, không có gì là dễ dàng chỉ sau một năm lập nghiệp, thị trường kinh doanh dược, mỹ phẩm và các mặt hàng nội địa Nhật có quá nhiều cạnh tranh dần khiến công ty gặp nhiều vấn đề. Ngay lúc ấy, công ty của chị còn bị công ty đối tác lừa số vốn hơn 1.5 tỷ đồng, tưởng chừng như sắp đứng trên bờ vực… phá sản. “Lúc ấy mình rất sốc bởi bao tâm huyết dồn vào công ty, bây giờ lại để mất hết. Nhưng cũng chính nhờ bài học đắt giá ấy, mình vực lại tinh thần, tìm hiểu và chọn lọc kỹ hơn từ sản phẩm cho đến đối tác. Điều này đã giúp mình có nhiều đơn hàng, lượng đặt hàng lớn hơn. Thậm chí, một số mặt hàng còn được ký độc quyền phân phối ở Việt Nam” - thất bại này giúp chị Dung lĩnh hội được nhiều kinh nghiệm chốn thương trường, đặc biệt là bài học về chữ tín, tôn chỉ hàng đầu trong suốt 7 năm kinh doanh của chị.
Trồng cây ắt đến ngày hái quả, sau gần 10 năm miệt mài học tập và làm việc, ở tuổi 30 chị Dung đã hiện thực hóa ước mơ của mình. Hiện chị đang là CEO của một Công ty uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu phân tích thị trường, tư vấn chiến lược, xuất nhập khẩu tập trung vào mảng dược mỹ phẩm Nhật Bản, với số vốn lên đến hàng chục tỷ đồng. Chị mong muốn có thể giúp đỡ những đồng hương người Việt khác có khao khát lập nghiệp nơi xứ người, cũng như đem đến những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho thị trường Việt Nam.
Phía sau thành công của người phụ nữ là một gia đình hạnh phúc
Khi mới thành lập công ty chị Dung cùng người yêu cố gắng những lúc khó khăn và sau 3 năm điều kiện tốt hơn hai người đã kết hôn, đó là người đàn ông ngày đêm kề cận, cùng chị xây dựng cơ nghiệp. “Bọn mình cùng trải qua nhiều vấp ngã nên thấu hiểu nhau hơn ai hết, tôn trọng quyết định và chia sẻ với nhau mọi vấn đề trong cuộc sống, từ công việc đến gia đình. Tuy tranh luận không ít nhưng luôn đặt ra các nguyên tắc: không giận quá mất khôn, người nói phải có người nghe, đưa ra ý kiến nhưng không ép buộc, mỗi bên thay đổi một chút cuộc sống hôn nhân sẽ luôn hạnh phúc” - Chị Dung cho biết chồng chị đã xin nghỉ việc văn phòng ở Nhật, về cùng chị điều hành công ty hiện tại và phụ việc chăm sóc con cái để chuẩn bị đón em bé thứ 2.
“7 năm Mua nhà ở Nhật rất khó với người bản địa và gần như không thể đối với rất nhiều người Việt Nam sinh sống ở Nhật vì thủ tục giấy tờ , giá nhà đất ở Nhật thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới, nhưng may mắn công việc kinh doanh tốt, nhờ tích góp mà vợ chồng mình cũng mua được một căn hộ từ 7 năm trước , mùa được nhà ở Việt Nam và xe ô tô ở Nhật để tiện đi lại, ổn định cuộc sống gia đình". Mua nhà đẹp, xe hơi tiền tỷ, có một gia đình hạnh phúc ở tuổi 30, nhớ lại quãng thời gian những ngày đầu lập nghiệp ở Nhật, chị Dung thầm cảm ơn người đã ở bên cạnh chị suốt thời gian tuổi trẻ vất vả, khó khăn ấy chính là chồng, điểm tựa tinh thần của chị.
Bên cạnh việc chu toàn cho gia đình, chị Dung ấp ủ rất nhiều kế hoạch phát triển công ty cho năm mới. Chị Dung luôn nghiên cứu những sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu người dùng ở Việt Nam, phấn đấu nhiều sản phẩm độc quyền hơn,... đều là những điều phải làm bởi chị Dung khẳng định: “Chỉ có định hướng kinh doanh rõ ràng thì công ty mới mở rộng được, còn chạy theo những sản phẩm tràn lan, cạnh tranh cao, mình sẽ dễ bị đào thải”. Trong năm 2021, chị Dung dự định sẽ thực hiện các hoạt động kinh doanh phục vụ cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật Bản, mong muốn kết nối và được góp phần chút ít vào việc xây dựng cộng đồng người Việt xa xứ đoàn kết hơn, giúp đỡ nhau nhiều hơn, đây cũng là điều mà chị vẫn trăn trở sau nhiều năm xa quê hương.
“Tuổi trẻ mà không theo đuổi đam mê thì thật là lãng phí thời gian”- Chị Dung chia sẻ đây là câu nói của shark Hưng mà chị cực kỳ yêu thích. Tuổi trẻ ngoài sự nỗ lực, sống bản lĩnh, chấp nhận rủi ro, đương đầu thử thách còn cần phải tâm huyết, có trách nhiệm đến cùng trong mọi công việc, ngành nghề khi đó mới tạo ra được những giá trị thành công đáng giá. Đó là phương châm khởi nghiệp không chỉ đúng với chị Dung, mà còn là lời khuyên của chị dành cho tất cả các bạn đam mê khởi nghiệp.