Những con số kinh khủng về thực trạng rác thải được công khai, rồi đến chất lượng không khí, nguồn nước bị ảnh hưởng khiến ai nghe qua cũng phải giật mình. Rồi mọi người bắt tay thực hiện các chiến dịch bảo vệ môi trường như Chiến dịch Giờ trái đất, trào lưu Challenge For Change (Thử thách thay đổi)… Nhưng rồi thì sao?
Nhiều người thắc mắc chưa biết khi hưởng ứng chương trình Giờ trái đất, 1 tiếng tắt điện thì liệu có thực sự giảm thiểu được tác động của việc biến đổi khí hậu trên thế giới như thế nào. Nhưng thứ mà chúng ta thấy xuất hiện đầu tiên khi chương trình kết thúc chính là rác, đâu đâu cũng thấy rác, từ chai, lọ nước, bịch nilon đến đồ ăn… còn cả khí CO2 tạo ra từ nến.
Mới đây, trên mạng xã hội facebook xuất hiện bài viết kèm theo những hình ảnh rác ngập ngụa khắp nơi tại Quảng trường TP Tam Kỳ (Quảng Nam), trong khi diễn ra chương trình Giờ Trái Đất 2019, khiến cộng đồng mạng xôn xao.
“Đây là quang cảnh của buổi giờ trái đất “bảo vệ môi trường” tại Quảng trường TP Tam Kỳ (Quảng Nam). Ngay tại khu vực diễn ra sự kiện là 1 “bãi rác” đầy bao ni lon, ly trà sữa, thức ăn vươn vãi khắp nơi, còn các bạn trẻ thì vẫn đang say sưa hát những ca khúc về bảo vệ môi trường trong những ánh đèn… Sau buổi lễ, có một số bạn đã ở lại nhặt rác, tuy nhiên cái mình muốn nói ở đây là ý thức của 1 số bạn tham gia chương trình giờ trái đất, 1 trong những tiêu chí bảo vệ môi trường là kêu gọi không xả rác và nói không với túi ni lon… vậy mà các bạn lại xả đầy bao ni lông như vậy. Xả ra rồi dọn sạch, nhưng như vậy thì các bạn tuyên truyền người ta đừng xả rác thì liệu ai nghe? Tại sao lúc diễn ra chương trình các bạn không ý thức bỏ rác dồn lại thành đống hoặc bỏ vào thùng rác mà lại vứt bừa bãi như vậy rồi sau đó mới nhặt lại. Phải chăng, các bạn ấy tham gia chương trình này chỉ vì trào lưu?!
Xin nhấn mạnh, đây là chương trình giờ trái đất ! Còn các bạn nghĩ gì về ý thức của 1 số bạn trẻ xả rác ngay tại chương trình 60+ này?”, trang Fanpage này đăng tải.
Ngay sau khi bài viết được chia sẻ đã nhận được sự quan tâm đông đảo từ cư dân mạng. Trong đó hầu hết mọi người đều tỏ thái độ chê trách các hành vi “không đẹp” của một số bạn trẻ tham gia chương trình này. Bởi, đây là chương trình bảo vệ môi trường nhưng lại xả rác khắp nơi, ngay cả trong khu vực sân khấu chính đang thắp nến.
Tài khoản A.N bình luận: “Nhìn hình ảnh rác ngập ngụa giữa những ánh đèn cầy thật là phản cảm! Tắt điện 1 giờ mà lại xả rác gấp 10 lần kiểu vậy có khác gì phá hủy môi trường đâu. Bảo vệ môi trường phải đi từ ý thức đến hành động, thay vì chỉ tham gia chương trình kiểu phong trào, mỗi năm tắt đèn một giờ rồi xả rác bừa bãi, tại sao không ngẫm nghĩ một chút trước khi vứt rác ra môi trường.”
“Chương trình giờ trái đất ý nghĩa như vậy mà chỉ vì ý thức kém của một số bạn trẻ với thói quen xả rác bừa bãi đã để lại những hình ảnh không đẹp. Mình có đi ngang qua chứng kiến sau khi kết thúc chương trình, các bạn ấy đã đi dọn rác, nhưng đáng nói là tại sao lúc đang cùng nhau hô hào những khẩu hiệu bảo vệ môi trường thì các bạn ấy lại không ý thức được việc bỏ rác vào thùng mà lại ném lung tung như vậy… Hơn nữa, với thông điệp năm nay là “Tiết kiệm năng lượng, bảo vệ trái đất” mà mình thấy các bạn ấy mở loa công suất lớn, hát hò mấy tiếng liền, trong sự 'cổ động' của nhiều đèn flash điện thoại thì liệu có được cho là tiết kiệm năng lượng không?”, bạn H.S, bình luận.
Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến “bênh vực”, cho rằng sau chương trình các bạn trẻ đã ở lại nhặt rác, trả lại không gian “sạch - đẹp” cho quảng trường này.
“Sau khi kết thúc chương trình thì tất cả mọi người tập kết rác lại và trả lại khuôn viên sạch sẽ của quảng trường. Lúc này đang diễn ra chương trình ca nhạc giao lưu nên mọi người chưa dọn dẹp được thôi. Hơn nữa, tại chương trình cũng có nhiều người đến xem và có thể những người này đã xả rác chứ không nên quá khắt khe và đổ hết lỗi cho các bạn trẻ tham gia chương trình này được…”, tài khoản V.Q.N, chia sẻ.
Chiến dịch Giờ trái đất với mục đích nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng trên thế giới, thế nhưng lại xuất hiện một nghịch lí tại địa điểm tổ chức chương trình thì rác ngập ngụa khắp nơi. Thay vì mỗi năm tham gia tắt đèn một giờ, bạn có thể cân nhắc về lượng rác thải của mình mỗi khi định quăng vào môi trường. Bảo vệ môi trường cần song song cả hành động và ý thức. Còn các bạn nghĩ sao khi thấy những hình ảnh “không đẹp” này ngay trong đêm diễn ra Giờ trái đất?!