Phương kể: “Có lần mình đến khám bệnh miễn phí cho một gia đình nghèo ở vùng xâu vùng xa, nhưng gia đình từ chối: chúng tôi không khám bệnh đâu, vì khám xong cũng không có tiền mua thuốc…”.
Những câu nói, những hoàn cảnh ấy khiến Phương luôn đau đáu và anh tự nhủ với bản thân rằng ngày nào còn đủ sức, thì anh vẫn sẽ tiếp tục đi đến những nơi cần sự giúp đỡ của mình.
Chàng bác sĩ trẻ thích “lo chuyện bao đồng”
Bác sĩ Đỗ Văn Phương sinh năm 1991 tại huyện Cây Lậy, Tiền Giang. Anh tốt nghiệp 2 chuyên ngành: răng hàm mặt và kỹ thuật hình ảnh của Đại học Y dược TP.HCM. Khác với những bác sĩ trẻ mới ra trường, đa số mọi người sẽ dành toàn bộ thời gian để làm việc tại các bệnh viện và làm thêm tại các phòng khám để ổn định tài chính. Đỗ Phương chọn cho mình một hướng đi riêng, có chút thiệt thòi cho bản thân, nhưng chưa bao giờ khiến anh cảm thấy hối hận.
“Nhiều bạn bè hay bảo tôi là đứa thích lo chuyện bao đồng, cuộc sống của mình còn chưa ổn định mà cứ đi lo cho người dưng. Tôi không quan tâm lắm, vì tôi làm những công việc mà mình cảm thấy vui là được” - Phương chia sẻ.
Từ chối những lời mời từ các phòng khám tư với mức lương cao, Phương vào làm trong một bệnh viện bình dân ở TP.HCM để có thể nghỉ 2 ngày cuối tuần, dành cho công tác thiện nguyện. Phương bảo: “Ba mẹ lúc đầu cũng hơi buồn, vì ai mà chẳng muốn con cái mình có một công việc tốt, thu nhập cao, nhưng rồi dần dần ba mẹ cũng hiểu và ủng hộ, giờ thì chương trình nào tổ chức ở miền Tây thì mẹ đều tham gia rất nhiệt tình” - Phương hào hứng vì luôn có hậu phương ủng hộ.
Bắt đầu tổ chức các chuyến đi khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người nghèo từ năm cuối đại học, Phương gặp vô vàn những khó khăn. Có rất nhiều thứ cần phải lo cho một chuyến đi thiện nguyện, thế như quan trọng nhất vẫn là đội ngũ y bác sĩ.
Phương cười bảo: “Nhiều khi tôi nghĩ mình giống đa cấp vậy, thay vì trò chuyện với đồng nghiệp thì mình lại gửi nội dung chương trình kêu gọi họ tham gia. Ban đầu thì mọi người chẳng tin tưởng mình nên không nhận lời. Nhưng mình không bỏ cuộc, trong 100 người mình gửi đi thì cũng sẽ có 9 người phản hồi với mình, và dần dần có nhiều bác sĩ tin tưởng và đồng hành cùng mình”.
Tiền và công việc là những thứ có thể kiếm được, nhưng sức khoẻ và những trải nghiệm là vô giá
Phương thường chọn đến những địa phương ở vùng sâu vùng xa hoặc biên giới, hải đảo - những nơi bị hạn chế về công tác y tế để giúp đỡ người dân. Mỗi chuyến thăm khám, sẽ luôn cố gắng có đủ các khoa sau: Nội tổng quát, cơ xương khớp, nhi, ngoại thần kinh, đông y, phụ khoa / nam khoa, tai mũi họng, mắt, tim mạch, răng hàm mặt, cân lâm sàng: siêu âm - đo điện tim.
Sau khi được khám bệnh, người dân sẽ được cấp phát thuốc miễn phí. Ban đầu Phương tự bỏ tiền túi ra để mua thuốc tặng người nghèo, dần dần chương trình được nhiều mạnh thường quân biết đến, nên nguồn thuốc đã dồi dào hơn.
“Nhìn vậy chứ xỉu miết hà. Ngày xưa đi học đi làm thêm còn có tiền dư. Chứ bây giờ đi làm rồi đôi khi lại thiếu nợ, nợ tiền mua thuốc cho chương trình” - Phương hóm hỉnh chia sẻ. Với lịch hoạt động mỗi tháng 1 chương trình đi thăm khám, cộng với áp lực của công việc đôi khiến chàng trai rơi vào trạng thái căng thẳng. “Cũng có đôi lúc mệt quá, tính ngừng lại, nhưng rồi nhớ đến những cái nắm tay, nhưng lời cảm ơn của người dân, và cả sự động viên của những đồng nghiệp, mình lại có thêm động lực để tiếp tục bước trên con đường đã chọn” - Phương nói.
Công việc của một bác sĩ, vốn đã lắm áp lực, nay Phương lại ôm vào mình vô vàn những áp lực khác, thế nhưng chàng trai chẳng bao giờ than thở, anh bảo: “Giúp người bệnh là sứ mệnh của những bác sĩ như tôi. Tiền và công việc là những thứ có thể kiếm được, nhưng sức khoẻ và những trải nghiệm là vô giá”.
Với Phương mỗi chuyến đi là một trải nghiệm, không những giúp được cho người nghèo mà còn đem đến cho bản thân rất nhiều điều thú vị. Phương luôn bảo tôi đừng gọi anh là bác sĩ Phương, nghe nó to tát lắm, cứ gọi anh là Phương.