Hơn một tháng nay, sinh viên sống tại ký túc xá (KTX) ĐHQG TPHCM (quận Thủ Đức, TP.HCM) phải “kêu trời” vì sự “im lặng” của máy rút tiền tự động (ATM).
KTX ĐHQG TP.HCM có 6 máy rút tiền của 2 ngân hàng BIDV và Ngân hàng Đông Á nhằm phục vu nhu cầu cho 25.000 sinh viên. Thế nhưng, hiện nay chỉ có 2 máy của ngân hàng BIDV hoạt động, các máy ATM còn lại đều “dở chứng” không thể sử dụng. Sinh viên dù có thẻ, có tiền trong tài khoản nhưng không phải muốn rút lúc nào cũng được.
Trước cổng Ký túc xá, chúng tôi gặp Phạm Bá Đạt (sinh viên năm 2, đại học Công nghệ thông tin TP.HCM) vừa bước ra từ điểm rút tiền ATM của ngân hàng BIDV. Nam sinh này cho hay hơn một tháng nay, máy vẫn luôn trong tình trạng “không thực hiện được giao dịch”. Nhiều lần Đạt cũng như các bạn sinh viên khác thất thểu “đến lại về”, sau đó chạy đi nơi khác xa hơn rút tiền.
Tình hình chung của các máy ở ATM ở KTX làng ĐH Thủ Đức luôn rơi vào trạng thái máy… “đang bảo trì”. Mà nếu có hôm nào đẹp trời, máy không phải “bảo trì” nữa thì báo….hết tiền. Câu chuyện lạ thành quen, quen đến nỗi mỗi lần sinh viên đi rút tiền, sẽ luôn dự phòng phương án chuẩn bị tâm lý ra về tay trắng.
Các cây ATM ở đây thường xuyên dở chứng kéo dài liên tục ngày này qua ngay khác. Lúc đầu sinh viên ngạc nhiên nhưng lâu dần, các bạn mặc định luôn suy nghĩ nếu máy “bỗng dưng từ chối” thì cũng chỉ là … chuyện bình thường ở huyện!.
Một số bạn sinh viên sau nhiều lần hụt hẫng, theo dõi chu kỳ dở chứng của các cây ATM nên nghĩ ra phương án “canh me” thời gian rút tiền để khỏi mất công đứng xếp hàng đợi. Như bạn Phan Văn Thuận (sinh viên năm 4, ĐH Khoa học Tự nhiên) cho hay, nhiều sinh viên khác thường chọn buổi chiều hoặc buổi tối đi rút tiền cho mát mẻ, thư thả thời gian. Nhưng khoảng thời gian đó là giờ cao điểm nên các bạn phải xếp hàng dài cũng chưa chắc rút được tiền do máy….hết tiền hoặc hỏng.
Thế nên, Thuận hay đến các cây ATM rút tiền vào buổi trưa. Thời điểm này, vừa vắng sinh viên vừa không phải xếp hàng đợi. Nam sinh này luôn cảm thấy may mắn trong mỗi lần rút tiền đều thành công.
Hầu hết, các bạn sinh viên hằng tháng đều trông chờ vào số tiền gia đình gửi vào để trang trải cuộc sống nhưng máy ATM thường xuyên trục trặc khiến các bạn rất khổ sở nếu cần rút gấp các khoản tiền.
Cũng như nhiều bạn sinh viên đang sinh sống tại KTX, Nguyễn Thị Thu Hiền - sinh viên năm 2, Trường Đại học KHXH &NV TP.HCM chia sẻ: “Các khoản tiền ăn uống, học phí, đóng góp tập thể của em đều nằm ở trong thẻ. Nhiều hôm không rút được tiền nên em nhịn ăn luôn. Học phí hay các khoản chi tiêu gì khác đều phải gác lại, chẳng biết vay mượn ai vì bạn bè của em toàn là sinh viên nên cũng không có nhiều tiền”.
Bên cạnh đó, hiện tượng máy nuốt thẻ khi đang giao dịch vẫn thường xuyên xảy ra với các bạn sinh viên. Nhiều bạn cho biết mỗi lần bị nuốt thẻ là mỗi lần vất vả, tốn thời gian tới lui nhiều lần đến các chi nhánh ngân hàng mới lấy lại được thẻ.
Thế mới thấy, máy hư, máy hết tiền, chạy đi rút ở cây khác còn là điều may mắn. Máy nuốt thẻ khi đang giao dịch mới thực sự đáng ngại. Bạn Nông Thắm (sinh viên năm thứ 4 - Đại học KHXH&NV TP.HCM) từng bị ATM nuốt thẻ 2 lần, mỗi lần bị như vậy, để lấy lại được thẻ thực sự không phải điều dễ dàng. Thắm từng phải đi lên chi nhánh ngân hàng tới 3,4 lần mới có thể lấy lại được thẻ.
Trước tình trạng chậm trễ trong việc sửa chữa và lắp đặt máy ATM, ảnh hưởng không ít đến cuộc sống sinh viên tại đây, ông Trần Thanh An - Giám đốc KTX ĐHQG TPHCM khẳng định: “Đây là sự việc nằm ngoài mong muốn của KTX. Tình trạng này đã được Ban quản lý thông báo cho phía Ngân hàng lâu nay nhưng chưa được giải quyết”.
“Bản thân tôi cũng có buổi làm việc trực tiếp với các Ngân hàng, mời gọi họ về đầu tư xây dựng và lắp đặt thêm các trụ ATM nhưng không hiểu họ tính toán lợi ích kiểu gì, đến nay vẫn chưa phản hồi”, ông An nói thêm.