Chuyện chưa kể từ Chùa Nghệ sĩ: Nơi dừng chân lúc cuối đời của những tài danh vang bóng một thời

Logo Saostar - Special special

Chuyện chưa kể từ Chùa Nghệ sĩ: Nơi dừng chân lúc cuối đời của những tài danh vang bóng một thời

Copy Link
Chia sẻ



Từ những năm 50 của thế kỷ trước, chùa Nghệ sĩ đã được thành lập. Ban đầu, nghệ sĩ cải lương Phùng Há vận động Hội Ái hữu nghệ sĩ mua miếng đất lớn tại quận Gò Vấp (TP.HCM) để làm nơi chôn cất cho các nghệ sĩ sau khi qua đời. 

Hiện tại, chùa do Hội Sân khấu TP.HCM giao cho Ban Ái hữu quản lý. Từ năm 2022, NSND Trịnh Kim Chi thường xuyên đứng ra kêu gọi quyên góp để sửa chữa, trùng tu một số hạng mục đã xuống cấp tại chùa. 

Chuyện chưa kể từ Chùa Nghệ sĩ: Nơi dừng chân lúc cuối đời của những tài danh vang bóng một thời Ảnh 1

“Khi ánh đèn sân khấu tắt đi… Tôi lại về, tôi trong suy nghĩ”. Đó là những ca từ trong bài hát Dưới Ánh Đèn Sân Khấu của nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền. Nhiều lần nghe xong ca khúc này, nhiều người đã tự hỏi rằng, khi một nghệ sĩ rời sân khấu, gột rửa lớp phấn son và váy áo lộng lẫy thì cuộc sống đời thường của họ thế nào?

Có những nghệ sĩ, khi tôi lớn thì họ đã lùi về sau an hưởng tuổi già hoặc đã rời xa cõi đời này. Với mong muốn được tìm hiểu hành trình hoạt động nghệ thuật và những câu chuyện làm nghề của những người nghệ sĩ “vang bóng một thời”, tôi được kết nối đến với chùa Nghệ sĩ tại quận Gò Vấp, TP.HCM. 

Tôi đến chùa Nghệ sĩ vào một buổi sáng, tái với nhịp sống có phần hơi huyên náo bên ngoài cánh cổng, không gian bên trong chùa tĩnh lặng và phủ rợp bóng của những tán cây cổ thụ. 

Men theo lối vào, tôi đến viếng phần mộ của những nghệ sĩ tài hoa, lừng lẫy một thời trên sân khấu. Nằm đó là phần mộ của NSND Phùng Há, xa xa là nơi yên nghỉ của cố nghệ sĩ cải lương nức tiếng tài sắc một thời - Thanh Nga. Mộ của những nghệ sĩ được chăm sóc cẩn thận, lau dọn sạch sẽ và hương khói đầy đủ. Một thời, họ lấy tiếng vỗ tay làm lẽ sống, lấy tình thương của khán giả để bám trụ với nghề. Giờ đây những con người tài hoa ấy đã nằm lại với đất mẹ nhưng những câu ca, nét diễn của họ vẫn còn sống trong lòng công chúng. 

Bất giác, tôi lại nhớ đến mấy câu thơ của Vũ Đình Liên từng thuộc nằm lòng: “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ…”. 

Chuyện chưa kể từ Chùa Nghệ sĩ: Nơi dừng chân lúc cuối đời của những tài danh vang bóng một thời Ảnh 2

Tôi có dịp gặp và trò chuyện với bà Nguyễn Thị Bích Qua - cháu của cố NSND Phùng Há. Hiện tại, bà làm công quả cũng như trông coi, phụ giúp công việc trong chùa. Bà dẫn chúng tôi đi tham quan mọi nơi trong chùa, từ nơi yên nghỉ của các NSND đến nhà trú (nhà bếp - PV). Bà Qua nói với giọng vui mừng, cho biết chùa mới được sửa sang khu nhà bếp để kịp đón nghệ sĩ cũng như khán giả gần xa tề tựu về trong mùa Vu lan và dịp giỗ Tổ sân khấu sắp tới. 

Khi được hỏi về NSND Phùng Há, bà Bích Qua nhiệt tình dẫn tôi vào căn nhà nơi ngày xưa người nghệ sĩ tài hoa từng sống cho đến lúc nhắm mắt. “Hồi nhỏ, tôi sống với ngoại ở đây, cho đến lúc bà mất”, bà Qua nói. 

Hiện tại, căn nhà còn là nơi trưng bày những hình ảnh, bằng khen, giải thưởng mà NSND Phùng Há nhận được lúc sinh thời. Gia đình cất giữ nhiều đồ đạc về bà cẩn thận, ngăn nắp như một kho báu vô giá và niềm tự hào to lớn. Tôi thầm nghĩ, lúc người nghệ sĩ nằm xuống, dù họ không thể mang theo những bằng khen, huân chương nhưng đó như một phần tài sản vô giá. Đặc biệt, con cháu của người nghệ sĩ tự hào về thế hệ đi trước cũng như tự dặn mình phải sống có ích với cộng đồng, noi gương tiền nhân. 

Chuyện chưa kể từ Chùa Nghệ sĩ: Nơi dừng chân lúc cuối đời của những tài danh vang bóng một thời Ảnh 3

Suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật của NSND Phùng Há, bà đã đóng góp cho nền cải lương nói riêng và văn hoá Việt Nam nói chung với hàng loạt vai diễn nổi bật như: Lữ Bố trong vở Phụng Nghi Đình, Dương Quý Phi trong vở Tình sử Dương Quý Phi,... Không chỉ vậy, nữ nghệ sĩ cải lương đình đám một thời còn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ giữ gìn truyền thống văn hoá của dân tộc, góp phần bảo tồn và lưu giữ loại hình nghệ thuật độc đáo này. 

Chuyện chưa kể từ Chùa Nghệ sĩ: Nơi dừng chân lúc cuối đời của những tài danh vang bóng một thời Ảnh 4
Sân khấu ở chùa Nghệ sĩ - nơi sẽ sáng đèn vào những dịp lễ, giỗ Tổ sân khấu.

Gọi là chùa Nghệ sĩ nhưng hiện nơi đây chủ yếu là những người từng làm hậu cần cho các đoàn hát ngày xưa. “Giờ có người lớn tuổi, gia đình cũng không có nên họ tá túc, hằng ngày làm công quả cho chùa”, bà Qua cho biết. 

Sau đó, bà Qua giới thiệu với tôi về hội trường ở chùa Nghệ sĩ. Những ngày lễ tết, đặc biệt là ngày giỗ Tổ sân khấu, nơi đây sáng đèn và rộn ràng đón nhiều nghệ sĩ về biểu diễn, phục vụ khán giả. Còn những lúc không lên đèn, sân khấu có phần hơi phủi bụi và cũ kỹ. 

Một buổi sáng thứ sáu bình thường, khi đứng ngắm nhìn sân khấu ở chùa Nghệ sĩ, một suy nghĩ chợt trỗi dậy trong tôi: Phải chăng, cuộc đời của nhiều nghệ sĩ khi ở tuổi xế chiều, khi hào quang đã lùi vào quá khứ, khi ánh đèn đã tắt đi lại dễ khiến người khác phải chạnh lòng? 

Chuyện chưa kể từ Chùa Nghệ sĩ: Nơi dừng chân lúc cuối đời của những tài danh vang bóng một thời Ảnh 5

Theo lời giới thiệu của bà Bích Qua, tôi tìm đến căn phòng nhỏ của người nghệ sĩ còn sống tại chùa Nghệ sĩ. Căn phòng nhỏ, nằm gần khu nhà bếp là nơi ở hiện tại của nghệ sĩ Cảnh Tượng. Lúc tôi đến, ông ra đón với sự niềm nở, vui mừng vì khá lâu mới có người đến hỏi gặp. Tuy nhiên, ông xin được tạm nghỉ khoảng vài phút để dùng thuốc do căn bệnh tim tái phát khiến thân hình nhỏ bé, gầy gò của ông run rẩy, nói chuyện khó khăn và gần như kiệt sức. 

Trong lúc đợi, tôi nhìn quanh căn phòng nhỏ chất đầy đồ đạc, chủ yếu là những món đồ gợi nhắc về ký ức gắn liền với một thuở đi hát, đi diễn của ông. Nào là băng đĩa ca nhạc, nào là ảnh cắt từ tạp chí, nào là những tấm ảnh lúc ông còn trẻ đi theo đoàn Hương Mùa Thu biểu diễn phục vụ khán giả khắp mọi nơi trên đất nước. 

Chuyện chưa kể từ Chùa Nghệ sĩ: Nơi dừng chân lúc cuối đời của những tài danh vang bóng một thời Ảnh 6
Khuôn viên chùa Nghệ sĩ. Nghệ sĩ Cảnh Tượng sống trong một căn phòng nhỏ, sau lưng chùa.

Khi đã khỏe hơn, nghệ sĩ Cảnh Tượng lấy ra một quyển sổ rồi lần giở từng trang, giới thiệu về một thời thanh xuân cống hiến cho nghệ thuật. Ông nâng niu từng tấm ảnh lúc theo đoàn ngược xuôi nhiều nơi để phục vụ khán giả và cẩn thận chú thích rõ ràng ngày tháng năm đi diễn ở những đâu, diễn vai gì, diễn với ai. 

Người trẻ có tương lai, tuổi già có ký ức. Nhìn cách ông nâng niu, giữ gìn và trân trọng những quyển sổ dán ảnh đã sờn màu, bạc vết mực bất chợt khiến tôi có chút gì nghèn nghẹn khó tả.

Ở tuổi 70, trí nhớ của ông vẫn còn khá tốt, rành mạch kể về từng cột mốc trong quãng đời hoạt động nghệ thuật. Nghệ sĩ Cảnh Tượng đi diễn từ rất nhỏ, sớm bộc lộ năng khiếu ca hát và diễn xuất. Năm 20 tuổi, ông dần được đoàn giao cho nhiều vai diễn lớn. Thời đó, ông ký hợp đồng để đi theo đoàn với tiền lương khoảng 100 nghìn đồng cho thời hạn 5-6 năm. 

Ông cho biết thế mạnh là những vai diễn hài vì sự tếu táo, dễ mang đến tiếng cười cho khán giả. “Nhưng mình là nghệ sĩ, giao vai gì là mình cũng phải diễn được”, ông nói. 

Chuyện chưa kể từ Chùa Nghệ sĩ: Nơi dừng chân lúc cuối đời của những tài danh vang bóng một thời Ảnh 7

Từ năm 2014 đến nay, nghệ sĩ Cảnh Tượng về làm bảo vệ tại chùa Nghệ sĩ và nhận lương hằng tháng. Trước đó, khoảng từ năm 1990, sau khi nghỉ theo đoàn đi hát, ông sinh sống tại Viện Dưỡng lão nghệ sĩ ở Quận 8 (TP.HCM) và làm công việc bảo vệ tại đây. 

“Thỉnh thoảng có nhiều người đến thăm các nghệ sĩ, mọi người trò chuyện, đàn hát vui vẻ với nhau. Thời đó tôi làm bảo vệ, nhiều khi nửa đêm có ai già yếu đau bệnh qua đời, tôi là người tự tay đưa họ từ tầng 2 xuống dưới hậu trường để đợi người thân đến làm lễ. 2-3 giờ sáng, tôi chạy đi chợ mua đồ, phụ giúp lo liệu tang sự với người nhà. Mấy ngày đó buồn lắm…”, ông trầm ngâm kể lại. 

Dạo gần đây, sức khỏe của nghệ sĩ Cảnh Tượng ngày càng yếu. Ông bị nhiều căn bệnh của tuổi già như tim, phổi nên khó lòng làm được những công việc quá sức. 

Ban ngày, nếu chẳng may làm mệt, ông thường được bà Qua - cháu ngoại của cố NSND Phùng Há hoặc ai đó trong chùa chở giúp đến bệnh viện. 

Tuy nhiên, có lúc 2-3 giờ sáng, bệnh tình tái phát khiến ông chịu không nổi và phải gắng gượng ra trước cổng chùa, nhờ được ai tốt bụng chạy ngang qua để quá giang đến bệnh viện gần đó. “Nhìn tôi già yếu, gầy gò nên nhiều người cũng giúp đỡ. Không nghĩ là trộm cướp gì”, ông kể. 

Khi tôi hỏi về gia đình, con cái, nghệ sĩ Cảnh Tượng cho biết ông có một người con gái, giờ đã có gia đình riêng, cũng nặng gánh cơm áo. Thỉnh thoảng, con gái đến thăm hoặc gọi điện hỏi han ông. 

“Còn vợ tôi, hồi xưa bả (vợ - PV) dạy khiêu vũ ở Nhà Văn hóa Thanh Niên, tôi đi tập tuồng ở đó. Bả dạy trên lầu, tôi tập ở dưới. Hồi đó, bả khoái tôi lắm vì tính tình hài hước, dễ gần nên rủ tôi lên khiêu vũ cùng. Vậy rồi yêu nhau, có con chung với nhau. Sau này, bả bị bệnh về khớp nên không đi lại được, chỉ ngồi một chỗ. Giờ bả sống với con gái ở bên Bình Thạnh”. 

Cuộc trò chuyện giữa tôi và nghệ sĩ Cảnh Tượng dừng lại lúc nửa trưa. Tôi nhìn trong căn phòng nhỏ của ông, thấy ở một góc có nồi cơm điện đã cũ. “Mỗi ngày tôi cắm nồi cơm, rồi mua đồ ăn bên ngoài hoặc ai tốt bụng thì mang qua cho”, ông kể. 

Tôi chào ông ra về, không quên gửi lời chúc sức khỏe và biếu ông chút quà. Một lúc sau, khi tôi còn loanh quanh trong sân chùa và hỏi thêm chuyện với bà Bích Qua, tôi thấy ông đạp xe đi mua đồ ăn trưa nhưng chỉ tầm vài mét là ông dừng lại, đợi hồi sức rồi mới nhấn bàn đạp. 

“Ổng bị tim, phổi nên yếu lắm, đạp xe mấy bước là phải dừng lại thở rồi đạp tiếp”, bà Bích Qua nói. 

Dõi theo bóng lưng gầy gò, hom hem của người nghệ sĩ từng vang bóng một thời dần khuất sau dòng người tấp nập ngoài phố, tôi cố gắng nén lại tiếng thở dài.

“Dưới ánh đèn sân khấu có nốt nhạc bay lên. Có những kỷ niệm bay lên. Có những nỗi niềm riêng. Gom thành một câu hát chạy thẳng vào tim…”. 

Chuyện chưa kể từ Chùa Nghệ sĩ: Nơi dừng chân lúc cuối đời của những tài danh vang bóng một thời Ảnh 8

Trong buổi đến thăm chùa Nghệ sĩ, tôi được gặp NSND Hữu Danh - hiện là phó ban Ái hữu Nghệ sĩ TP.HCM. Ông kể, hồi xưa ông là tác giả và đạo diễn của Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP.HCM.

Chuyện chưa kể từ Chùa Nghệ sĩ: Nơi dừng chân lúc cuối đời của những tài danh vang bóng một thời Ảnh 9

“Sau khi nghỉ hưu, Sở Văn hóa đưa tôi về đây để hỗ trợ công tác quản lý, sửa sang lại chùa. Tôi kêu gọi nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước, cứ đủ chi phí một hạng mục nào đó thì sửa chữa. Xong rồi cứ kêu gọi tiếp như thế. 

Tôi là người đứng giữa, giữa nghệ sĩ quyên góp và người thực hiện. Sau đó, tôi đóng vai trò giám sát thi công, sửa chữa các hạng mục ở chùa. Hiện tại, chùa thường bị dột do mái tôn đã cũ. Mỗi lần làm là mỗi lần khó, vì kinh phí thực hiện rất lớn. Tính ra cả tỷ mới làm xong hết được. 

NSND Trịnh Kim Chi là trưởng ban, tôi là phó ban, mọi thứ tiền bạc sẽ do NSND Trịnh Kim Chi quản lý. Ví dụ như bữa tôi gặp Thoại Mỹ thì cổ nói tôi giúp 20 triệu, tôi kêu chuyển cho Trịnh Kim Chi đi để dễ quản lý vì giờ chưa làm. Mình đang cố gắng kêu gọi góp từng chút một, để có chi phí sửa chữa”. 

Chuyện chưa kể từ Chùa Nghệ sĩ: Nơi dừng chân lúc cuối đời của những tài danh vang bóng một thời Ảnh 10
Nhà bếp của chùa Nghệ sĩ vừa được sửa sang lại, kịp đón khách đến trong dịp lễ Vu Lan và giỗ Tổ sân khấu.

Trên trang cá nhân, NSND Trịnh Kim Chi thường xuyên cập nhật quá trình tu sửa các khu vực ở chùa Nghệ sĩ cũng như gửi lời cảm ơn đến các nghệ sĩ, mạnh thường quân đứng ra hỗ trợ, ủng hộ kinh phí. Nhờ những tấm lòng và sự chung tay của nhiều người, chùa Nghệ sĩ được tu sửa mới mẻ hơn và khu vực nghĩa trang ở phía sau chùa cũng được khang trang, sạch sẽ hơn. 

Tôi ra về khi trời quá trưa. Bất chợt, mắt tôi chạm dòng chữ ở phía sau cổng chùa: "Khi ra về xin để lại những gì đau thương, phiền não". Trong lúc đó, tôi chưa nghĩ ra mình có chuyện gì khiến mình phải đau thương, phải phiền não để gửi lại nơi đây nhưng tôi biết rõ một điều: Xin được để lại yêu thương và sự kính trọng những con người tài hoa, lừng lẫy một thời khi bước qua cánh cổng chùa để về lại nhịp sống hối hả ngoài kia. 

Bài viết

Minh Huy - Phương Thùy

Thiết kế

Nyny Võ

Copy Link
Chia sẻ