NSND Thế Anh thuộc thế hệ nghệ sĩ gạo cội vang bóng một thời của làng điện ảnh Việt. Ông nổi tiếng với nhiều vai diễn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng qua các phim như: Nổi gió (trung úy Phương), Mối tình đầu (Ba Duy), Em bé Hà Nội, Không nơi ẩn nấp, Ngày lễ Thánh, Lưu lạc và trở về Sam Sao, Tự thú trước bình minh…
Sự ra đi đột ngột của NSND Thế Anh vào sáng 29/9 đã khiến nhiều khán giả, bạn bè đồng nghiệp vô cùng thương xót bởi đó là sự mất mát lớn đối với điện ảnh Việt Nam. Trước khi qua đời, NSND Thế Anh được người thân đưa vào bệnh viện điều trị tai biến cách đây chưa lâu. Nhưng chỉ sau một cơn nhồi máu cơ tim, nam nghệ sĩ gạo cội đã ra đi vĩnh viễn.
Có thể nói, NSND Thế Anh đã mắc phải biến chứng vô cùng nguy hiểm trong y học và đây là nguyên nhân dẫn đến tử vong. Vậy nhồi máu cơ tim là gì? Những dấu hiệu và cách phòng tránh ra sao?
Theo chuyên gia y khoa, nhồi máu cơ tim là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh mạch vành, người mắc chứng nhồi máu cơ tim thường trải qua tình trạng khẩn cấp, nguy kịch có thể tử vong rất nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời. Có đến 10% các ca nhồi máu cơ tim dẫn đến đột tử.
Cơn nhồi máu xảy đến khi trong lòng động mạch vành, dòng máu mang oxy và chất dinh dưỡng đến các tế bào cơ tim đột ngột bị chặn lại hoàn toàn. Vùng cơ tim khi không còn được cấp đủ máu sẽ bị hoại tử. Đây là một tình trạng khẩn cấp, người bệnh có thể tử vong rất nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời, những trường hợp may mắn sống sót thì nguy cơ suy tim trong tương lai cũng rất cao.
Dấu hiệu nhận biết nhồi máu cơ tim
Khi thấy cơ thể xuất hiện dấu hiệu như những cơn đau thắt ngực dữ dội, đau tưởng như bị bóp nghẹt sau vùng xương ức, trước tim, rồi lan rộng tới vai trái, tay trái; đau buốt tận cùng đến ngón áp út lẫn ngón út, những cơn đau đột ngột, thường kéo dài quá 20 phút, không thấy thuyên giảm khi dùng giảm đau, cảm giác đau nhiều có những lúc lan tới cổ, tới cằm, rồi vai, tay, và cả sau lưng thì bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, biến chứng nhồi máu cơ tim còn có một số dấu hiệu khác như: vã nhiều mồ hôi, thở khó, đánh trống ngực, buồn nôn hoặc nôn nhiều, giảm trí nhớ, da tái nhợt, ngón chân tay lạnh… Thế nhưng, một số ít trường hợp người bệnh phát bệnh mà không thấy hoặc ít thấy đau, thường gặp nhiều hơn người mắc đái tháo đường, huyết áp cao, người bệnh sau mổ.
Cách phòng bệnh và điều trị
Khi phát hiện những dấu hiệu của biến chứng nhồi máu cơ tim, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Sau khi được cấp cứu thành công, người bệnh tiếp tục được theo dõi, dùng thuốc là bắt buộc cùng với chế độ dinh dưỡng phù hợp, luyện tập đều đặn dựa vào ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Để phòng tránh nhồi máu cơ tim, bạn cần duy trì nếp sống sinh hoạt lành mạnh, không hút thuốc lá, giữ cân nặng ở mức độ thích hợp, ăn thực phẩm ít chất béo, ăn nhiều rau, quả và tập thể dục đều đặn, tránh căng thẳng quá độ, đồng thời hạn chế uống rượu, bia. Ngoài ra, bạn cùng cần dành thời gian chăm sóc bản thân, đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.