Cư dân mạng trổ tài làm “thám tử” tài tình, nhanh như chớp
Thời đại mà nhà nhà, người người ăn ngủ cùng smartphone, thì hoạt động cộng đồng diễn ra trên thế giới ảo còn sôi nổi hơn các mối quan hệ thực rất nhiều. Và không khó để nhận thấy, người dùng mạng xã hội ngày càng cởi mở hơn về cuộc sống của mình bằng việc chia sẻ mọi thứ lên tường nhà. Từ công việc, cuộc sống đến các mối quan hệ cá nhân…đều được các cậu các mợ thoải mái chia sẻ cho anh em “tứ hải giai huynh đệ” từ Nam ra Bắc trong các hội nhóm online.
Đặc biệt, gần đây cư dân mạng còn nổi lên một hiện tượng “nhờ tìm vật bị mất” và rất được các anh em trong cộng đồng mạng xã hội nhiệt tình giúp đỡ. Không cần biết thứ được nhờ tìm là người hay vật, chỉ cần có lời “nhờ” thì ngay lập tức 500 anh em sẽ vào cuộc điều tra triệt để, moi móc mọi ngóc ngách để tìm ra chân tướng.
Như chỉ mới hôm qua đây thôi, cả cộng đồng mạng được dịp trổ tài làm thám tử Conan điều tra tung tích cây hồng cổ 10 năm bị mất cắp. Khổ chủ chỉ cần đăng vài tấm ảnh, một đoạn cầu cứu nhờ giúp sức, chỉ trong vòng chưa đầy nửa ngày, các thám tử mạng đã tìm ra ngay được kẻ tình nghi.
Không những thế, cư dân mạng còn nhiệt tình bỏ bom, nhắn tin trang cá nhân của kẻ tình nghi để đòi lại giúp cây hoa cho người bị mất. Một số cá nhân có phần cực đoan còn để lại những bình luận khiếm nhã, xúc phạm, thậm chí cả những lời lẽ đe dọa đến tính mạng đến “kẻ tình nghi”. Đỉnh điểm của sự việc là anh chàng bị cộng đồng mạng quy tội ăn cắp đã phải lên tiếng thanh minh và nhờ các cơ quan chức năng vào cuộc.
Trước đó mấy hôm, một sự việc đánh ghen nhầm cười ra nước mắt cũng xuất phát từ lời “nhờ tìm người” cũng đã khiến cộng đồng mạng được một phen xôn xao. Chả là, trong một cộng đồng eva đông đảo nọ, nơi chúa ghét “tiểu tam”, bỗng dưng có một lời thở than nhờ tìm và trị giúp “kẻ thứ 3” cướp chồng.
Ấy thế là, không cần rõ đầu cua tai nheo gì, hàng nghìn bình luận chửi bới, rủa xả được dịp tấn công sập tường nhà nhân vật xấu số. Và cái kết là…chị em đã nhiệt tình nhầm chỗ mất rồi. Bởi lẽ, nhân vật bị tố là do một tài khoản ảo mới được lập nên để hãm hại, người bị chị em ra sức chửi rủa lại chính là nạn nhân.
Còn vô số trường hợp điều tra nhanh như chớp mà cộng đồng mạng truy ra dù hình khuôn mặt đã bị bôi mờ mất. Như đợt thông tin “nữ ca sĩ cát-sê cao nhất nhì Việt Nam” cho con tè vào túi nôn trên máy bay, lan truyền kèm theo bức ảnh nhân vật bị che mờ khuôn mặt. Thì chính dân mạng đã trổ tài tìm ra “nhân vật” gây tranh cãi đó, chỉ trong tích tắc. Trong khi phần lớn mọi người còn đang thắc mắc không biết nữ ca sĩ bị che mặt kia là ai thì trên Facebook đã rò rỉ hình ảnh của ca sĩ mặc trang phục và nhất là chiếc vòng cổ y chang của nữ ca sĩ bị che mặt.
Qua đó mới thấy, cư dân mạng Việt Nam một khi đã trổ tài thám tử thì tài tình và nhanh chóng đến mức nào.
Mặt trái của hội chứng cư dân mạng mê làm “thám tử”
Dẫu biết rằng, trong thời đại mà hàng ngàn tin giả được đưa ra mỗi ngày, việc cộng đồng mạng mong muốn được tự mình tìm kiếm sự thật để thỏa mãn trí tò mò của bản thân là không phải điều gì quá đáng. Nhưng bên cạnh đó, việc này cũng kéo theo nhiều hệ lụy đáng tiếc nếu như kết quả điều tra của họ là sai lầm, như việc người phụ nữ bị chửi oan người thứ 3 là ví dụ điển hình.
“Thám tử mạng” sẽ khác thám tử đời thật ở chỗ họ có thể chấp nhận sự thật nửa vời. Nhưng sự thật nửa vời ấy chưa chắc là sự thật. Đó là chưa kể đến những hệ lụy xấu, những phán xét của đám đông dựa vào cái sự thật ảo đấy, khiến cho người bị tấn công chịu những tổn thương về tâm lý “thật”.
Trong một thế giới thông tin đa chiều vô tình trở thành con dao hai lưỡi, hãy là những người đọc sáng suốt, đừng để sự nhiệt tình của mình đặt sai chỗ. Giúp đỡ mọi người trong cuộc sống thật hay cuộc sống ảo, bằng cách này hay cách khác đều là việc tốt. Nhưng hãy biết chọn lọc, đừng để bị dắt mũi dễ dàng nhé các cư dân mạng.