Trong trang phục chỉn chu, quần tây, áo sơ mi, mũ nồi xám, chàng đánh giày dựng chiếc xe đạp bên lề đường, tiến lại mời khách. Một vị khách quen bất chợt nhận ra kêu to: “A! Ghét ẩu, đánh cho anh đôi giày, dạo này buôn bán nhà đất sao rồi?”.
Cái duyên với nghề
Chàng đánh giày “ghét ẩu” tên thật là Nguyễn Hồng Vương (sinh 1984, quê ở Phú Yên) có công việc chính hiện tại là môi giới bất động sản. Anh vào Sài Gòn sinh sống và làm việc cũng hơn 17 năm, từng trải qua rất nhiều nghề nghiệp, nhưng đến bây giờ vẫn gắn bó và đam mê nhất là nghề đánh giày.
Đều đặn mỗi sáng anh Vương thức dậy sớm để ra đường đánh giày từ 7h đến khoảng 8h30 sáng rồi về nhà thay đồ đi làm công việc môi giới nhà đất.
Anh Vương tâm sự: “Đánh giày thật sự cái duyên và là niềm đam mê của tôi. Năm 15 tuổi tôi bước chân vào Sài Gòn sinh sống, lúc đó gia đình khó khăn, tôi phải làm rất nhiều việc để kiếm sống từ “osin”, phục vụ nhà hàng đến buôn bán ve chai, không từ chối công việc nào hay khó khăn nào. Chăm chỉ làm việc một thời gian tôi tích góp được một số vốn. Được một người chị kết nghĩa sang lại quán cơm, năm 18 tuổi tôi đã may mắn trở thành chủ của tiệm cơm trên đường Trần Quang Diệu. Thế nhưng khoảng cuối năm 2003 ở Việt Nam bùng phát dịch cúm gia cầm và làm ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh của quán, tôi lâm vào tình trạng phá sản. Lúc đó buồn lắm, tôi đi dạo dạo cho khuây khỏa thì gặp một cậu đánh giày chạy lại hỏi có đánh giày không? Tôi nói vui là cho tôi học đánh với, thế là cậu ta một chiếc, tôi một chiếc cùng nhau đánh. Đó là bài học đầu tiên đưa tôi đến với nghề đánh giày”.
Tuy nhiên khởi đầu nào cũng có gian nan. Ngày đầu tiên đi đánh giày, anh đi mời hàng chục người nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Nản và thất vọng anh quyết định chỉ mời thêm một người nữa, nếu không được thì sẽ đi về. May mắn đã mỉm cười, vị khách ấy đã đồng ý.
Anh Vương không khỏi xúc động khi nhớ về ngày hôm đó: “Anh biết cái cảm giác lần đầu tiên mình đi làm nó như thế nào không? Tôi hồi hộp toát hết mồ hôi, vừa mừng vừa lo. Nhưng cảm thấy rất hạnh phúc. Hôm đó tôi đánh được thêm 6 đôi giày nữa và thu được 21 ngàn, số tiền đầu tiên tôi kiếm được từ cái nghề “trên trời rơi xuống” này”.
Nguyên nhân xuất hiện thương hiệu “ghét ẩu”
Anh Vương nhớ lại: “Cách đây 2 năm tôi đánh giày cho một ông khách. Đó là một đôi giày có cấu trúc rất phức tạp. Lần thứ nhất đánh xong đưa cho ông khách, ông ấy kêu đánh lại, tôi ngồi đánh lại thì phát hiện mình còn quên chưa đánh một chỗ. Đánh xong tôi đưa ông ấy, lần nữa bị trả lại, tôi phát hiện mình chưa làm sạch đế giày, thế là lại cặm cụi làm. Lần thứ 3 tôi vẫn tiếp tục chưa đạt yêu cầu, tôi phát hiện mình làm dính xi lên mặt trong của giày thế là phải ngồi tẩy. Cuối cùng vị khách cũng chấp nhận, tôi lấy tiền công đánh giày là 15 ngàn, ông ấy nói đánh bốn lần thì phải là 60 ngàn chứ. Tôi trả lời ông ấy rằng con đánh một lần hay bốn lần cũng chỉ lấy 15 ngàn, chỉ mong là khách hàng hài lòng. Thế là ông ấy rút tờ 200 ngàn ra trả tiền công cho tôi.
Sau lần đó, tôi hiểu được giá trị của cái tâm mình đặt trong công việc, vì vậy tôi bắt đầu xây dựng thương hiệu ghét ẩu”.
Kể từ đó anh Vương kỹ hơn trong công việc, với mỗi đôi giày nam, anh đánh ít nhất 15 phút, nếu khách hàng không có thời gian để đợi thì anh sẽ không nhận. Khi đi hành nghề với thương hiệu khá đặc biệt, anh Vương đã bị rất nhiều phản ứng xấu từ đồng nghiệp. Những người đánh giày khác cho rằng anh đang cố gây sốc để giành khách, số khác lại cho là anh đang ngầm khẳng định chỉ có một mình anh là làm cẩn thận. Và họ đã gây không ít khó khăn cho anh.
Những lời dè bỉu
Có lần anh Vương đi đánh giày về thì nhận được tin nhắn của khách hàng bất động sản chê bai về việc họ thấy anh đi làm nghề đánh giày dạo. Ba mẹ ở quê cũng khuyên anh không nên theo đuổi công việc này, vì họ cho rằng đây là một nghề thấp hèn trong xã hội.
Tuy nhiên, cơ duyên và niềm đam mê với giày vẫn cứ thôi thúc anh từng ngày với công việc. Hằng ngày vẫn chỉnh tề quần áo với chiếc xe đạp và thùng đồ nghề dạo quanh phố phường đành giày vài tiếng rồi về nhà thay đồ đi làm công việc môi giới. Anh nói: “Công việc có bấp bênh nhưng tự do tự tại. Làm người, vậy là hạnh phúc rồi”.
Câu chuyện của một anh chàng có niềm đam mê với việc đành giày, dù chỉ là một câu chuyện nhỏ của cuộc sống nhưng ẩn chứa rất nhiều điều đáng để ta suy ngẫm, về đam mê, về giá trị của công việc và bài học tạo dựng uy tín trong kinh doanh. Mong rằng với những nỗ lực của bản thân anh sẽ may mắn hơn và gặt hái thành công trong cuộc sống.