Cả ba bàn thua của tuyển Việt Nam đều xuất phát từ một điểm chung là tình huống cố định. Một bức tranh chung để thấy Oman chuẩn bị rất kỹ lưỡng để khai thác sự yếu kém và hạn chế của Việt Nam dù chiều cao không hề nhỉnh hơn.
Bàn đầu tiên xuất phát từ pha đá phạt bên cánh trái, Issam Al Sabhi trong tư thế không người kèm đã có pha tung người móc bóng đẹp mắt hạ gục thủ môn Văn Toản.
Bàn thua thứ hai là một pha dàn xếp khó chịu để hạn chế tầm nhìn của Văn Toản, còn bóng được đưa thẳng vào lưới từ pha đá phạt góc. Oman rõ ràng nghiên cứu rất kỹ hệ thống phòng ngự của tuyển Việt Nam để mang đến sự bất ngờ từ bóng bổng.
Bàn thua cuối cùng của tuyển Việt Nam đến từ chấm phạt đền. Cần nhắc, Oman được hưởng đến 2 quả 11m nhưng chỉ thực hiện thành công một lần. Vấn đề là Oman đã lên sẵn phương án này khi tập sút 11m trước màn đối đầu với tuyển Việt Nam.
Tất cả cho thấy Oman đã nghiên cứu rất kỹ tuyển Việt Nam. Họ biết sẽ khó khăn trong việc tìm đường vào khung thành của thủ môn Văn Toản khi ông Park giỏi tính toán về phòng ngự chiều sâu cho tuyển Việt Nam. Oman đã chọn giải pháp là tận dụng tốt các tình huống cố định.
Ngoài ra, các cầu thủ Việt Nam cũng lộ điểm yếu khi "đụng" công nghệ VAR. Những pha phạm lỗi thô thiển và có tính tiểu xảo phải trả giá bằng hai quả phạt đền trước Oman. Đó là bài học để các cầu thủ của chúng ta từ bỏ tư duy chơi bóng ở V.League theo kiểu vô tình "tát vào má", hay vung tay có chủ đích để ngăn cản đối thủ.
Tư thế khó của tuyển Việt Nam còn đến từ việc ít được thực chiến trong các trận đấu áp dụng VAR. V.League từng nói có VAR nhưng chỉ là lời hứa, nên các hậu vệ Việt Nam phải thua thiệt ở vòng loại thứ 3.
Một điểm yếu khác của tuyển Việt Nam là thể lực. Dù được cải thiện rất nhiều dưới bàn tay của HLV Park Hang Seo, nhưng đụng những đối thủ mạnh và phải đá với mật độ 2 trận đấu trong 4 ngày thì không trụ được với Oman. Minh chứng rất rõ là tuyển Việt Nam không thể chơi tốt trong hiệp 2, thua đối thủ toàn diện trong các pha đua tốc độ và tranh chấp tay đôi.
Tuyển Việt Nam rõ ràng thua kém các đối thủ ở bảng B về mọi mặt, từ đẳng cấp đến thể hình và thể lực. Ông Park giỏi nhưng trình độ cầu thủ Việt Nam chạm ngưỡng giới hạn thì cũng không thể tạo ra sự khác biệt. Bài học cụ thể là tuyển Thái Lan của HLV Kiatisak từng thống trị ở Đông Nam Á nhưng thua sấp mặt tại vòng loại cuối cùng World Cup 2018.
Vậy nên, bóng đá Việt Nam đừng nhìn về VAR hay trọng tài để nói nhiều theo kiểu đổ lỗi. Hãy nhìn vào sự thật là có nhiều thứ hạn chế khi đụng các đội bóng mạnh nhất châu Á, mặt bằng chung về trình độ của các cầu thủ còn thấp, qua đó đúc kết và nâng tầm ở tương lai.