Đội bóng nổi tiếng mất đoàn kết
"Tôi không quan tâm". Karim Benzema đăng dòng trạng thái ngắn gọn trên mạng xã hội vào thời điểm anh đang được nói đến nhiều nhất. Đó không chỉ là thông điệp Karim Benzema gửi đến những ai nói về chuyện anh có thể đá trận chung kết World Cup 2022, mà còn gửi đến HLV Didier Deschamps.
HLV Didier Deschamps và Benzema chưa bao giờ có mối quan hệ tốt đẹp và mọi chuyện cũng không hề đẹp ở hiện tại. Vấn đề bắt nguồn từ chuyện ngôi sao Real Madrid không nói lời cảm ơn Deschamps trong ngày nhận giải thưởng Quả bóng vàng.
Câu chuyện của Benzema cũng bình thường thôi, nếu nhìn về quá khứ thì vô số thứ khác xảy ra. Tuyển Pháp thường xuyên gây ra nỗi xấu hổ về sự thiếu đoàn kết, thậm chí gây sốc cho chính người hâm mộ đất nước lục lăng.
Ở trận đấu với Mexico tại World Cup 2010, HLV Domenech nói tiền đạo Nicolas Anelka:"Cậu nên coi lại mình đi. Thái độ thi đấu như vậy thật không thể chấp nhận được".
"Thế thì mày tự lo giải quyết đi. Cái đội tuyển chẳng ra gì", Anelka ném đôi giày đang cầm trên tay và chửi HLV Domenech.
"Ừ, mày nói đúng đấy. Tao sẽ có cách của mình. Còn bây giờ mày hãy cút xéo khỏi đây đi", HLV Domenech chửi lại Anelka.
Không chỉ mỗi Anelka chống lại HLV trưởng tuyển Pháp, nhiều ngôi sao khác cũng bỏ tập ở World Cup 2010. Đây là nguyên nhân khiến cho Pháp sớm rời giải đấu ngay từ vòng bảng.
Ở Euro 2012, tuyển Pháp tiếp tục tái diễn hình ảnh mất đoàn kết. Hatem Ben Arfa "bật" HLV Laurent Blanc với thách thức sẵn sàng bỏ giải đấu. Thông tin được tiết lộ là Ben Arfa suýt đấm nhau với HLV Blanc trong phòng thay đồ.
Năm ngoái, tuyển Pháp đến Euro 2020 trong tư thế nhà vô địch World Cup 2018 và lực lượng cực mạnh. Cả thế giới đều dự đoán không đội nào có thể cản bước tuyển Pháp nhưng kết quả họ về nước vì thua Thụy Sĩ. Pháp không thua đối thủ mà thua chính mình, bởi Kylian Mbappe và Olivier Giroud có lời qua tiếng lại trước giải đấu. Sự thiếu đoàn kết và những cái tôi cá nhân khiến cho Pháp không thể hiện được sức mạnh đích thực.
Sức mạnh đáng sợ của tuyển Pháp
Nếu không chia rẽ, mất đoàn kết thì tuyển Pháp thực sự rất mạnh so với các đối thủ. Pháp đến World Cup 2022 với một loạt trụ cột chấn thương, bao gồm Karim Benzema, N’Golo Kante, Paul Pogba, Presnel Kimpembe, Christopher Nkunku, Lucas Digne. Họ tiếp tục đón cú sốc khi hậu vệ Lucas Hernandez đứt dây chằng ở trận ra quân. Sức mạnh của tuyển Pháp được phơi bày đầy đủ ở trận bán kết với Morocco. Pháp mất thêm hai trụ cột là Dayot Upamecano và Adrien Rabiot vẫn thắng đối thủ 2-0 để vào chơi trận chung kết. Trừ Pháp, không có đội bóng nào mất gần cả đội hình chính, gãy tuyến giữa, "toang" hàng thủ, mất chủ nhân QBV (Benzema) vẫn vào tới chung kết.
Mọi HLV phải ghen tỵ với HLV Deschamps, bởi tuyển Pháp "toang" đội hình chính thì ông vẫn chưa phải xài đến những ngôi sao như Kingsley Coman, Benjamin Pavard, Eduardo Camavinga. Thật khó tin khi những ngôi sao này chỉ đá dự bị ở World Cup 2022. Điều đó lý giải việc tuyển Pháp mất các trụ cột không phải vấn đề chính với HLV Deschamps. Điều quan trọng là các cầu thủ cần đoàn kết, còn trình độ gần như tương đồng nhau.
Sức mạnh của tuyển Pháp đến từ chuyện sở hữu nhiều cầu thủ gốc Phi. Pháp lần đầu vô địch World Cup vào năm 1998 với nhiều trụ cột gốc Phi. Tuyển Pháp vô địch World Cup 2018 với bản danh sách chỉ có hai cầu thủ “thuần Pháp”. Tương tự, tuyển Pháp có ba cầu thủ "thuần Pháp" ở World Cup 2022: Jordan Veretout, Adrien Rabiot, Benjamin Pavard.
Chức vô địch năm 1998 là tiền đề để cho tuyển Pháp hùng mạnh. Nguồn cầu thủ dồi dào đến từ việc nhìn lại sự đa dạng sắc tộc và Pháp luôn trong tâm thế đội tuyển sở hữu nhiều tài năng. Sức mạnh ở World Cup 2022 là minh chứng rõ ràng nhất. Pháp có đến 131 cầu thủ chơi tại 4 giải đấu hàng đầu thế giới gồm Premier League, La Liga, Serie A, Bundesliga, cộng thêm nguồn cầu thủ nội địa (Ligue 1) để HLV Deschamps thoải mái lựa chọn.
Tựu trung, tuyển Pháp không bao giờ cạn kiệt tài năng nhờ sở hữu nhiều cầu thủ xuất thân từ gia đình nhập cư. Nhưng mặt trái cũng khiến cho tuyển Pháp thường đối diện với câu hỏi tại các giải đấu lớn: Đoàn kết hay chia rẽ?