Jiangsu Suning - nhà vô địch năm 2020 của Chinese Super League (Giải bóng đá vô địch Trung Quốc) khả năng bị giải thể. Nếu là sự thật thì câu chuyện này đi vào lịch sử bóng đá châu Á, một đội bóng vừa vô địch bị "chết chìm".
Nguyên nhân là CLB Jiangsu Suning ước tính đang nợ 63,8 triệu USD (500 triệu nhân dân tệ). Sâu xa của câu chuyện đến từ việc đội bóng này vung tiền quá nhiều trong các năm qua.
Nhà đương kim vô địch Chinese Super League có thể bị giải thể giống như lăng kính thu nhỏ về bức tranh chung của bóng đá Trung Quốc trong 1 thập kỷ qua. Đó là chuyện các đội bóng của Trung Quốc "đốt" rất nhiều tiền để mua những ngôi sao hàng đầu thế giới về thi đấu.
Dĩ nhiên, những ông chủ của bóng đá Trung Quốc khát vọng muốn "hóa rồng", trở thành cường quốc bóng đá. Nhưng tiền chưa chắc tạo ra đẳng cấp trong bóng đá. Các đội tuyển của Trung Quốc không hề được hưởng lợi gì từ chuyện các CLB trong nước mua những ngôi sao lớn về thi đấu. Thậm chí, mọi thứ trở nên xấu đi rất nhiều khi tuyển Trung Quốc thi đấu không tốt, còn một số CLB có nguy cơ "chết chìm".
Một nền bóng đá muốn phát triển, rõ ràng tiêu tiền mua những ngôi sao lớn là chưa đủ. Ngay đến giải ngoại hạng Anh - giải đấu số 1 thế giới cũng chưa bao giờ giúp cho tuyển Anh hùng mạnh nếu so sánh với những tuyển Đức, Tây Ban Nha, Pháp... Và bóng đá Trung Quốc thất bại là điều tất yếu, bởi họ làm theo kiểu đi đường tắt mà bỏ qua quá trình phát triển bóng đá trẻ bài bản. Bằng chứng là nhiều năm qua thì Trung Quốc chưa sản sinh ra tài năng bóng đá nào đáng chú ý, thậm chí phải nhập tịch cầu thủ để thi đấu cho ĐTQG.
Câu chuyện của bóng đá Trung Quốc có lẽ khiến nhiều người hâm mộ nhìn về bóng đá Việt Nam. Một sự may mắn quá lớn khi bầu Đức trở thành người tiên phong trong tư duy phát triển bóng đá từ gốc rễ.
Dù CLB HAGL đang thống trị V.League với 2 chức vô địch liên tiếp, sở hữu ngôi sao lớn như Kiatisak thì bầu Đức vẫn quyết định thay đổi tư duy làm bóng đá. Ông chủ phố Núi từ bỏ việc chi tiền mua cầu thủ, qua đó dồn hết tiền bạc và tâm huyết để phát triển Học viện HAGL - JMG. Bầu Đức sang tận nước Anh tham quan CLB Arsenal, thỉnh giáo HLV Wenger để về tốn rất nhiều tiền xây học viện, phát triển bóng đá trẻ.
Đặc biệt, HAGL cho trình làng lứa Công Phượng thì bầu Đức đi thêm một nước cờ lớn, là không cần thành tích ở V.League, sẵn sàng chấp nhận xuống hạng để các cầu thủ trẻ của Học viện được thi đấu. Mục đích là tạo điều kiện cho họ sớm trưởng thành, đóng góp cho các ĐTQG.
Nhờ vậy, bóng đá nước nhà thoát khỏi cái mác "xây nhà từ nóc", tạo ra tiền đề cho sự thành công dưới thời HLV Park Hang Seo.
Đúng hơn, bóng đá Việt Nam thành công, người hâm mộ được hưởng niềm vui cùng các ĐTQG là nhờ một người có tầm nhìn xa như bầu Đức. Sự quyết tâm của ông chủ HAGL chính là "chìa khóa" giúp bóng đá Việt Nam hưng thịnh, gặt nhiều danh hiệu.
Rõ ràng, một nền bóng đá có những người tâm huyết, tư duy phát triển bài bản, nhìn xa trông rộng sẽ mang đến sự khác biệt rất lớn. Bóng đá Trung Quốc thất bại không phải do thiếu tiền, họ có rất nhiều tiền, nhưng thiếu một người mở đường như bầu Đức. Ngược lại, bóng đá Việt Nam thành công là nhờ có một người dám nghĩ, dám làm kể từ năm 2007 (thời điểm bầu Đức cho ra đời Học viện bóng đá HAGL -Arsenal - JMG).