Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

Từ sự xấu xí của sân chơi chuyên nghiệp đến những điều đặc biệt ở SV-League 2020: Ngả mũ trước các ông bầu!

Lần đầu tiên bóng đá nữ có câu chuyện bỏ trận đấu và một án phạt nặng được đưa ra từ VFF. Đó là câu chuyện cần phải nhìn nhận về ý thức tham gia cuộc chơi...

Đội nữ Hà Nam bỏ trận và án phạt nặng dành cho HLV trưởng và đội trưởng. Đó là nỗi buồn của bóng đá Việt Nam. Nó phản ánh rất rõ ý thức tham gia cuộc chơi của họ còn kém, đúng hơn là chưa chuyên nghiệp.

Một vế khác phải nhìn nhận thẳng thắn là bóng đá nữ được tiếng giải vô địch quốc gia nhưng nhiều thứ đều chưa chuyên nghiệp. Bởi nhiều năm giải qua thì bóng đá nữ luôn đá trong cảnh trống vắng. Các cầu thủ có mức lương không đủ sống nên phải đi làm thêm như bán bánh mì, làm quán cà phê...., trong khi số tiền thưởng cho nhà vô địch chưa bằng 1 trận thắng của đội bóng ở V.League (300 triệu đồng)...

Vấn đề là VFF vẫn chưa thể đẩy sức hút, chưa nâng tầm được sân chơi cho bóng đá nữ, các cầu thủ nữ chưa thể đá bóng để tự nuôi chính mình. Đây cũng là lý do rất khó tạo ra sự ý thức chung cho các đội, bởi họ hiểu được sức hút của sân chơi này ở mức độ nào trong dư luận, gần như đá trong sự im lặng. Mọi thứ chỉ ồn ào khi xảy sự cố, giống như khi nhắc về bóng đá nữ với những câu chuyện cầu thủ nghèo đi đá bóng. Điều này chẳng có cầu thủ nữ nào thích, thậm chí không ít cầu thủ chia sẻ với tôi là không muốn xuất hiện lên báo chí theo diện than nghèo kể khổ.

Có một lăng kính thiết thực để thấy được nỗi buồn của bóng đá nữ và tại sao khó đòi hỏi được sự ý thức cao khi tham gia cuộc chơi này. Sân chơi sinh viên của 8 ông bầu sẽ diễn ra vào cuối tháng 10 năm nay. Dù chỉ là một sân chơi học đường nhưng mọi thứ được "lo tận răng", chỉnh chu mọi mặt và nhất quán ngay từ đầu về ý thức tham gia cuộc chơi, cũng như mục đích của giải đấu này là gì.

Một so sánh nhỏ là không ít cầu thủ nữ chỉ có mức lương hơn 1 triệu đồng. Đây cũng là số tiền mỗi sinh viên tham gia giải SV-League 2020 được các ông bầu hỗ trợ, nhằm giúp họ yên tâm tâm tập luyện thật tốt. 

Hơn hết, dàn HLV được đưa về các trường tập luyện còn có tên tuổi, nổi bật hơn cả sân chơi bóng đá nữ. Ví dụ như Huỳnh Hồng Sơn, Hà Vương Ngầu Nại... là những tên tuổi vang bóng của bóng đá nước nhà.

Từ sự xấu xí của sân chơi chuyên nghiệp đến những điều đặc biệt ở SV-League 2020: Ngả mũ trước các ông bầu! Ảnh 1
Lần đầu tiên giải sinh viên được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp hơn cả giải vô địch quốc nếu nhìn về nỗi buồn của bóng đá nữ.

Về tiền thưởng, SV-League 2020 có 200 triệu đồng cho nhà vô địch, giải thưởng cho Hội CĐV xuất sắc lên 100 triệu đồng. Điều này khác biệt quá lớn so với bóng đá nữ, giải đấu vô địch quốc gia nhưng mức thưởng nhà vô địch chỉ là 300 triệu đồng, còn CĐV là giấc mơ xa xỉ, giống như cầu thủ nữ tâm sự với tôi thì "chỉ mong ước được thi đấu trong cảnh có khán giả".

Về sự bảo trợ, bóng đá nữ nhiều năm qua có thể nói sống "leo lắt" với một nhà tài trợ. Nhưng sân chơi sinh viên có đến 8 ông chủ đầu tư, bảo trợ và cam kết trong 3 năm liền. 

Một điều đặc biệt nhất chính là chuyện xác định tư tưởng, ý thức cho các đội tham gia cuộc chơi. SV-League 2020 đề cao bóng đá sạch, không tiêu cực, đá cống hiến, tinh thần thể thao cao thượng. Các đội bóng được chính Phó ban trọng tài VFF - Võ Minh Trí giảng dạy về luật để có ý thức tham gia giải theo đúng tiêu chí sạch - đẹp.

Đúng hơn, sân chơi sinh viên cần sự ý thức tham gia cuộc chơi, chơi có ý thức để phát triển. Điều này khác biệt với bóng nữ, sân chơi chuyên nghiệp nhưng có nhiều vấn đề chưa chuyên nghiệp. 

Với vô số điều lần đầu tiên xuất hiện ở một sân chơi sinh viên, có lẽ nhiều người yêu bóng đá nữ cảm thấy chạnh lòng cho các cô gái, vì phận nữ nhi đá bóng đã thiệt thòi, còn thua thiệt về nhiều thứ khi sân chơi tồn tại nhiều vấn đề chưa bao giờ có câu trả lời.

Kể ra một loạt vấn đề và có những sự so sánh, thông điệp gửi đi không phải là khen - chê, bởi chắc chắn nhiều người hâm mộ cũng phải suy ngẫm khi có độ vênh quá lớn giữa giải nữ vô địch quốc gia và sân chơi sinh viên. 

Và thông điệp chính là chuyện ý thức cuộc chơi. Ý thức từ chính những người tổ chức sân chơi, sau đó mới có thể yêu cầu các đội bóng tham gia có ý thức chơi để gìn giữ và phát triển. Điều này thì 8 ông bầu của sân chơi sinh viên đang tạo ra sự khác biệt quá lớn, họ xứng đáng để ngợi khen về sự tâm huyết, đầu tư bài bản, làm một cách tử tế, đặc biệt rất chuyên nghiệp so với sân chơi chuyên nghiệp!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Văn Nhân

Được quan tâm

Tin mới nhất
Trải Nghiệm Sân Chơi Băng Tuyết Độc Đáo Giữa Lòng Thành Phố