Tờ Daily Mail thông tin Giám đốc điều hành Richard Arnold đã quyết định thành lập một đội ngũ cố vấn về chiến lược bao gồm: Sir Alex Ferguson, cựu CEO David Gill, Bryan Robson và John Murtough.
Bộ tứ này sẽ đóng vai trò quyết định tới chiến lược của Man United về nhiều thứ, trong đó việc phát triển lò đào tạo Carrington và mối quan hệ với người hâm mộ. Riêng Sir Alex Ferguson có ảnh hưởng lớn nhất kể từ khi ông quyết định giải nghệ nghề cầm quân vào năm 2013.
Có nhiều lý do để Man United đưa Sir Alex Ferguson trở lại dù ông đã 80 tuổi, bao gồm cả chuyện cần một cái tên đầy sức mạnh để củng cố thương hiệu Man United sau 1 thập kỷ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì thành tích bết bát.
Sir Alex Ferguson có một ý nghĩa lớn lao với Man United và người hâm mộ yêu đội bóng này trên toàn thế giới. Nhưng đằng sau hình bóng một huyền thoại vẫn có “tác dụng phụ”, đó là áp lực cho tất cả HLV đến sau. Từ David Moyes đến Jose Mourinho, Van Gaal, Solskjaer đều không thể thoát khỏi câu chuyện bị so sánh với hào quang của Sir Alex Ferguson.
Lẽ đó, Man United càng chơi không tốt thì cái tên của Sir Alex Ferguson càng khiến cho HLV trưởng của “Quỷ đỏ” khốn khổ. Cái vòng lẩn quẩn vì “tác dụng phụ” từ hào quang của Sir Alex thực sự đã làm khổ Man United trong 1 thập kỷ qua và chưa HLV nào thoát ra được.
Bây giờ Sir Alex Ferguson trở lại Man United sẽ giúp đội bóng này củng cố lại giá trị thương hiệu, nhất là trong thời điểm sa sút đến mức Ronaldo đòi rời đi. Nhưng liệu có tốt cho HLV Erik ten Hag?
Hãy để thời gian trở lời nhưng Erik ten Hag chắc chắn phải gánh thêm áp lực ghê gớm, bởi Sir Alex Ferguson đã trở lại và ảnh hưởng như xưa.
Câu chuyện của Man United và Sir Alex Ferguson trên thực tế có “tác dụng phụ” với mọi đội bóng, kể cả đội tuyển quốc gia. Đó sẽ là bài toán trong tương lai của tuyển Việt Nam thời hậu HLV Park Hang Seo.
Ông Park đến Việt Nam và tạo ra một loạt kỳ tích, có thể nói như “bốc thuốc đúng bệnh” để các đội tuyển gặt thành công. Nhưng thần dược cũng có “tác dụng phụ”, đó là câu chuyện kiểu như hình bóng và vinh quang quá lớn của Sir Alex Ferguson ở Man United.
Chúng ta dễ dàng nhận thấy HLV Gong Oh Kyun đã áp lực như thế nào khi dẫn dắt U23 Việt Nam. Ông chỉ tuyên bố U23 Việt Nam chơi khác thời ông Park thì lập tức bị phản bác. Thật may khi ông Gong tạo ra ấn tượng lớn, còn thất bại có lẽ rất khó tiếp tục công việc với “các anh hùng bàn phím”.
Nên nhớ, ông Park cũng chịu “tác dụng phụ” khi dẫn dắt U23 Hàn Quốc ở Asiad tại quê nhà. Sự thành công quá lớn tại World Cup 2002 của HLV Guus Hiddink khiến cho ông Park trở thành “người gánh tội” và bị sa thải. Từ người hùng trở thành tội đồ và giảm sút uy tín đến mức chạm đáy, ông Park phải mất 16 năm lận đận ở Hàn Quốc với nhiều CLB khác nhau.
HLV Park Hang Seo chắc chắn không thể gắng bó mãi với tuyển Việt Nam. Thời điểm ông nghỉ hưu sẽ là nỗi lo lớn cho tuyển Việt Nam nếu người kế thừa không thể duy trì được thành công.