Tiền đạo Lê Huỳnh Đức (sinh năm 1972 - Nhâm Tí)
Trong thập niên 90 của thế kỷ 20, Lê Huỳnh Đức trở thành tiền đạo xuất sắc nhất bóng đá Việt Nam. Tên tuổi ông bắt đầu nổi lên vào năm 1995 khi cùng CLB Công an TP.HCM giành chức vô địch quốc gia. Lê Huỳnh Đức từng 3 lần đoạt Quả bóng vàng Việt Nam vào các năm 1995, 1997, 2002. Bên cạnh đó, chân sút sinh năm 1972 từng có 2 lần giành danh hiệu Vua phá lưới giải VĐQG. Dưới màu áo tuyển Việt Nam, ông ghi đến 34 bàn thắng qua 66 trận đấu.
Lê Huỳnh Đức sở hữu những tố chất hoàn hảo dành cho một trung phong cắm thời bấy giờ. Nói tới Huỳnh Đức, người ta không thể nào quên những pha đi bóng, bứt tốc đầy tốc độ. Một tiền đạo luôn có những pha dứt điểm cháy lưới đối phương và không thể nào quên được những cú bay người đánh đầu thành bàn thuộc hàng kinh điển.
Mẫu tiền đạo dũng mãnh, ăn mừng như điên dại ấy đã để lại rất nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng người hâm mộ. Thời đỉnh cao, người ta gọi Lê Huỳnh Đức là ông Vua khu vực cấm địa.
Chừng đó phần nào chứng minh sự nghiệp lẫy lừng từ chân sút huyền thoại trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Nhờ sự xuất sắc của ông, tuyển Việt Nam có 2 chiếc huy chương bạc SEA Games, 1 huy chương bạc, 2 huy chương đồng Tiger Cup (nay là AFF Cup). Sau khi giải nghệ, chân sút hàng đầu tuyển Việt Nam rất thành công trong vai trò HLV trưởng CLB Đà Nẵng.
Huỳnh Đức đưa đội bóng sông Hàn lên ngôi vô địch V.League vào các năm 2009, 2012. Ông còn giúp CLB Đà Nẵng đoạt chức vô địch Cup quốc gia 2009. Có thể nói rằng, Huỳnh Đức là số ít những tên tuổi lớn trong làng bóng đá Việt Nam thành công khi còn là cầu thủ lẫn sự nghiệp HLV.
Tiền đạo Phạm Văn Quyến (sinh năm 1984 - Giáp Tí)
Sau khi thế hệ vàng của những Huỳnh Đức, Hồng Sơn lùi vào dĩ vãng, tiền đạo Phạm Văn Quyến là niềm hy vọng lớn nhất của bóng đá Việt Nam đầu những năm 2000. Nổi lên từ VCK giải U16 châu Á năm 2000, Văn Quyến khiến bao khán giả mê mẩn nhờ những pha xử lý tinh tế, kỹ thuật ở tốc độ cao cùng khả năng sút phạt tuyệt vời.
Lứa U16 Việt Nam năm đó đứng thứ 4. Bản thân Văn Quyến đoạt danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu. Tất cả trở thành bệ phóng để tiền đạo sinh năm 1984 được gọi vào tuyển quốc gia khi chưa đầy 20 tuổi.
Năm 2003, tại kỳ SEA Games diễn ra trên sân nhà, Văn Quyến đưa U23 Việt Nam vào tới trận chung kết. Chân sút xứ Nghệ chinh phục hàng triệu con tim yêu bóng đá Việt Nam bằng màn trình diễn xuất thần với hàng loạt những pha làm bàn ấn tượng. Đặc biệt, Văn Quyến có cú vô lê đẹp mắt san bằng cách biệt cho U23 Việt Nam ở trận chung kết gặp U23 Thái Lan. Chỉ đáng tiếc, U23 Việt Nam thất bại vào khoảng thời gian đá hiệp phụ.
Cũng trong năm đó, Văn Quyến vượt mặt các đàn anh để đoạt danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam 2003. Thế nhưng, giữa thời điểm tương lai rực sáng nhất, thần đồng một thời của bóng đá Việt Nam dính vào vụ bê bối bán độ ở kỳ SEA Games năm 2005.
Văn Quyến phải hầu toà cùng một loạt đồng đội như: Quốc Vượng, Văn Trương, Quốc Anh, Bật Hiếu, Phước Vĩnh, Hải Lâm. Trải qua một thời gian thụ án phạt, Quyến “béo” trở lại sân cỏ. Mặc dù vậy, anh vẫn không thể lấy lại được phong độ như xưa. Thời điểm hiện tại, Quả bóng vàng Việt Nam 2003 đã giải nghệ và chỉ còn đi đá phủi.
Tiền vệ Lê Quốc Vượng (sinh năm 1984 - Giáp Tí)
Từng được xem như một tiền vệ trụ hay nhất lịch sử bóng đá Việt Nam, Lê Quốc Vượng khiến bao khán giả mê mẩn nhờ lối chơi máu lửa ở khu vực giữa sân. Không chỉ vậy, tiền vệ người Nghệ An còn từng ghi rất nhiều những siêu phẩm sút xa. Thậm chí, người hâm mộ bóng đá Việt Nam từng đặt cho Quốc Vượng biệt danh là “lá phổi” đội U23 Việt Nam.
Cũng giống Văn Quyến, đúng lúc tương lai đang rộng mở, Quốc Vượng dính vào vụ bê bối bán độ năm 2005 với vai trò chủ mưu. Chính vì vậy, tiền vệ CLB SLNA nhận án phạt nặng nhất 4 năm tù giam.
Được ra tù sớm, tiền vệ sinh năm 1984 khát khao lấy lại chính mình dưới màu áo CLB Thể Công thì bất ngờ bị dính chấn thương. Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu cho những xui xẻo trong sự nghiệp của Quốc Vượng.
Chưa kịp trở lại, Quốc Vượng lại phải nhận tin sét đánh: Thể Công chuyển giao cho Lam Sơn Thanh Hóa. Khi đang bơ vơ, Quốc Vượng bất ngờ được bầu Thụy - ông bầu mới nổi của bóng đá Việt Nam - chiêu mộ với bản hợp đồng có giá lên tới 5 tỷ đồng. Song bầu Thụy lại bỏ đội bóng ở Hà Tĩnh, chuyển vào TP.HCM xây dựng CLB mới.
Năn nỉ, kiện cáo đủ kiểu cuối năm 2011 Quốc Vượng mới có thể thoát được bầu Thụy để về thi đấu cho Thanh Hóa. Tuy nhiên, mới chỉ chơi được nửa mùa giải 2012, tiền vệ người xứ Nghệ đã bị bầu Đệ gạt khỏi danh sách thi đấu với lý do “thể lực yếu, đầu có vấn đề”. Rời Thanh Hóa, Quốc Vượng đang định chuyển về CLB SLNA.
Tuy nhiên, vào phút chót, anh không thể ký hợp đồng với đội bóng quê hương bởi bầu Đệ đòi nợ 400 triệu tiền lót tay đã ứng trước. Kinh tế gia đình khó khăn, Quốc Vượng không thể kiếm đâu ra 400 triệu để thanh toán cho Thanh Hóa nên đành phải bỏ lỡ cơ hội đầu quân cho SLNA.
Trong thế đường cùng, tiền vệ lừng danh một thời quyết định bỏ bóng đá chuyên nghiệp, về đầu quân cho doanh nghiệp Văn Minh, vừa đá bóng phong trào, vừa bốc vác đồ lấy tiền nuôi con. Mới đây, Quốc Vượng theo học một lớp HLV nhằm tìm kiếm vinh quang với vai trò mới.
Tiền đạo Nguyễn Văn Toàn (sinh năm 1996 - Bính Tí)
Nổi lên cùng với lứa Công Phượng, Quang Hải đoạt ngôi á quân giải U23 châu Á 2018, tiền đạo Nguyễn Văn Toàn luôn được HLV Park Hang Seo gửi gắm niềm tin mỗi lần chơi cho tuyển Việt Nam. Không có được một thể hình lý tưởng nhưng bù lại Văn Toàn lại sở hữu một tốc độ “xé gió” với những pha nước rút thần tốc.
Sau khi Công Phượng rời khỏi CLB HAGL, Văn Toàn càng ngày càng tiến bộ. Mùa giải vừa qua, cầu thủ quê Hải Dương ghi đến 9 bàn, đóng góp 11 đường kiến tạo. Văn Toàn chỉ kém duy nhất người đồng đội Minh Vương trong danh sách những chân sút nội ghi nhiều bàn nhất. Tiền đạo này còn đoạt danh hiệu Vua kiến tạo.
Sinh năm 1996, cả tương lai phía trước đang chờ đợi Văn Toàn. Nếu cứ tiếp tục giữ vững phong độ như mùa giải vừa qua, tuyển thủ Việt Nam hứa hẹn sẽ có một sự nghiệp lẫy lừng không thua kém gì các bậc đàn anh tuổi Tí như Huỳnh Đức, Văn Quyến.