Bản chất đến từ chuyện tuyển Việt Nam ra nước ngoài thi đấu thì chỉ có khoảng 1 tấn hành lý. Tức kém đến 9 lần so với Nhật Bản. Điều đó mang đến sự ngạc nhiên về quá trình chuẩn bị của tuyển Nhật Bản trước trận đấu với Việt Nam.
Bóng đá thế giới có thể nói đang chuyển động không ngừng, một trong những công tác quan trọng của các ĐTQG hàng đầu thế giới là chuyện hậu cần.
Độc giả có thể hiểu rõ hơn về khâu chuẩn bị hậu cần quan trọng như thế nào qua hành trình vô địch World Cup 2014 của tuyển Đức.
Năm 2014, tuyển Đức đến Brazil với mục tiêu là đội đầu tiên của châu Âu vô địch World Cup tại châu Mỹ. Georg Behlau, trưởng ban đội tuyển quốc gia của Liên đoàn Bóng đá Đức (DFB) tiết lộ một câu chuyện trước thềm giải đấu là người Đức đã lo công tác hậu cần từ năm 2012, tức cách hai năm so với World Cup 2014.
DFB đã có nhiều lần khảo sát các khách sạn tại Brazil, nhằm tìm ra nơi đóng quân tốt nhất cho thầy trò HLV Loew. Nhưng họ không hài lòng và quyết định hợp tác với các công ty tư nhân, qua đó bỏ ra số tiền 30 triệu euro mở một khu nghỉ dưỡng ven biển làm nơi đóng quân cho tuyển Đức.
Hơn hết, 23 tấn hành lý chưa tính đồ của các tuyển thủ Đức đã được chuyển đến Brazil. Mỗi cầu thủ Đức có hơn 1 người chăm sóc khi số thành viên là 62 người.
Công tác hậu cần cực tốt của Liên đoàn bóng đá Đức được đánh giá góp phần tạo nên chức vô địch thế giới cho thầy trò HLV Loew tại Brazil.
Nhật Bản có tính tỉ mĩ và khoa học khá tương đồng với người Đức. Do đó, thời điểm đang xảy ra dịch Covid-19 thì không ngạc nhiên khi Liên đoàn bóng đá Nhật Bản có sự chuẩn bị rất chu đáo với 9 tấn hành lý và hơn 100 thành viên sang Việt Nam. Một lý do khác là sau trận đấu với Việt Nam, Nhật Bản có trận làm khách trước Oman vào ngày 16/11.
Tuyển Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung thực sự còn có nhiều yếu tố thua thiệt so với các nền thể thao phát triển, thậm chí thua kém xa so với một số nước ở khu vực Đông Nam Á về khâu chuẩn bị hậu cần.
SEA Games năm 2017, tôi từng chứng kiến hình ảnh đối lập giữa đội bơi Singapore và Việt Nam tại một bể bơi trên đất Malaysia. Đội bơi của Singapore có một lực lượng hậu cần hùng hậu ngay tại bể tập. Riêng ngôi sao Schooling có 3 vệ sĩ, có riêng 1 bác sĩ, 1 y tá, 2 nhân viên y tế, 2 chuyên gia dinh dưỡng, 1 nhân viên massage và 1 người phục trách truyền thông. Ngược lại, đội bơi của Việt Nam thì chỉ có HLV và bố mẹ của kình ngư Nguyễn Hữu Kim Sơn hỗ trợ chăm sóc cho các VĐV. Hình ảnh Schooling được chăm sóc “tận răng”, còn Ánh Viên bơ vơ đã phản ánh đầy đủ về sự khác biệt của hai ngôi sao tại SEA Games 29.
Cũng tại SEA Games năm 2017, nhiều cầu thủ nữ tâm sự với tôi là không thể dùng đồ ăn ở Malaysia. Do đó, nhiều người phải dùng các món ăn mang theo ở quê nhà như lương khô, không ít cô gái ăn mì gói.
Với thể thao Việt Nam, “đặc sản” mì gói là món ăn gắn liền với nhiều tuyển thủ, ngay đến các cầu thủ bóng đá cũng có thói quen này khi ra nước ngoài. Chúng ta chỉ mới xoá được khái niệm mì gói ở bóng đá nam, còn các môn thể thao khác và bóng đá nữ thì mì gói vẫn là món ăn thường xuyên được mang theo.
Thật sự khập khiễng nếu so sánh giữa quá trình chuẩn bị của Nhật Bản và tuyển Việt Nam cho một trận đấu cụ thể, bởi mỗi nền bóng đá có điều kiện tài chính khác nhau, xa hơn là mặt bằng chung về kinh tế. Nhưng từ những câu chuyện kể trên để thấy rằng bóng đá chuyên nghiệp nói riêng và thể thao nói chung đã thay đổi rất lớn từ nhiều góc độ, qua rồi thời các tuyển thủ Việt Nam ăn mì gói để có thể đấu với các đối thủ. Thể thao phải có sự khoa học, có chế độ dinh dưỡng khác biệt và đời sống VĐV cần được nâng cao thì nền thể thao nước nhà mới phát triển.